• Zalo

PTT Trần Lưu Quang: Quy hoạch báo chí là việc cực kỳ khó

Tin nóngThứ Ba, 18/06/2024 13:32:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Cho biết bản thân là Phó Thủ tướng thứ ba trong nhiệm kỳ này nhận trách nhiệm quy hoạch báo chí, ông Trần Lưu Quang khẳng định đây là việc cực kỳ khó.

Nội dung trên được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban báo chí tuần 3, tháng 6 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức sáng 18/6.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, sáng mai (19/6), ông sẽ chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng để xem xét tờ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông về Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

"Đây là một việc không phải khó mà là cực kỳ khó. Tôi là Phó Thủ tướng thứ ba nhận trách nhiệm này nhưng vẫn chưa xong", ông Trần Lưu Quang nói.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.

Phó Thủ tướng nêu rõ, các cơ quan báo chí trước đây được Nhà nước "nuôi" một phần hay toàn bộ thì giờ đây phải chuyển đổi theo xu thế kinh tế thị trường. 

"Nói theo kiểu kỹ thuật là xe hybrid vừa chạy xăng vừa chạy điện, nên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Vừa phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phải lo tiền để nuôi nhau. Chúng tôi hứa với các đồng chí là sẽ xem xét vấn đề này hết sức nghiêm túc, phải làm sao theo xu thế phát triển, hội nhập nhưng vẫn đảm bảo sự chuyển đổi mượt mà", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ.

Vì đang trong giai đoạn chuyển đổi nên Phó Thủ tướng lưu ý, thái độ và cách làm của cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan báo chí phải hết sức thận trọng, tránh những rủi ro.

Nhắc đến Thông tư số 05 của Bộ thông tin và Truyền thông quy định quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, truyền thông thuộc phạm vi quản lý Nhà nước vừa được ban hành hôm 14/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, những quy định, thể chế, cách ứng xử của những người có trách nhiệm với các cơ quan báo chí mỗi ngày một tốt hơn.

"Có thể chưa trọn vẹn, chưa giúp hết mọi người, giải quyết hết mọi vướng mắc, nhưng ít nhất cũng đã nghĩ tới chúng ta, nghĩ tới những người làm báo", Phó Thủ tướng nói.

Song, lãnh đạo Chính phủ cho rằng, sự nỗ lực phải đến từ hai phía, cả từ cơ quan Nhà nước và lãnh đạo các cơ quan báo chí để giải quyết những khó khăn chung.

Ông Trần Lưu Quang cũng nhắc lại câu chuyện từng đề cập tại hội nghị giao ban báo chí hồi cuối tháng 2, Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long dù là đài cấp tỉnh nhưng có doanh thu năm 2023 hơn 1.400 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đã thu từ YouTube 4 triệu USD, tương đương 100 tỷ đồng.

"Đây là cách làm mới, tư duy mới để phù hợp kinh tế thị trường và giải quyết được bài toán chuyển đổi. Tôi mong muốn, ngoài trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, phải có trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí. Nếu chúng ta cứ nghĩ làm sao có đơn đặt hàng của Nhà nước để đủ trang trải cho anh em thì sẽ mãi khó khăn", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng tặng hoa chúc mừng các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng tặng hoa chúc mừng các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Liên quan đến kiến nghị về thực trạng một số sự kiện, các cơ quan báo chí "đi sau" mạng xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương có cơ chế thông tin sớm, phù hợp trước thềm các sự kiện quan trọng cho báo chí.

"Tất nhiên có những chuyện không thể nói trước được nhưng tôi nghĩ đây là một trong những giải pháp để cơ quan báo chí có lợi thế, khắc phục dần khoảng cách giữa báo chí và mạng xã hội", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói thêm.

Trước đó, thông tin một số công tác quản lý Nhà nước về báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý những bất hợp lý trong định mức kinh tế kỹ thuật, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 05.

Ông Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ, thông tư này có những thay đổi căn bản để giúp các cơ quan báo chí chủ động xây dựng và trình cơ quan chủ quản định mức kinh tế kỹ thuật để bám sát thực tế.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm.

"Đây là bước quan trọng để trả lại quyền tự quyết về phía các cơ quan báo chí, không còn "một cái áo cả nước cùng mặc". Quy định trước đây tuy đúng pháp luật nhưng ưu tiên cao vào vấn đề kiểm soát chi nên các quy trình thẩm định đều tương đối chặt chẽ, có những lúc khó tháo gỡ. Giờ đây, quyền chủ động thuộc về cơ quan báo chí và cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết hỗ trợ khi có vướng mắc", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nói.

Một quy định pháp luật khác liên quan đến nghị định hướng dẫn Luật Giá, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, khi được ban hành quy trình thẩm định giá ở cấp Trung ương sẽ không phải thông qua Bộ quản lý ngành. 

Cụ thể, các cơ quan báo chí không phải thông qua Bộ Thông tin và Truyền thông để cho ý kiến về phương án giá nữa. Khi cơ quan chủ quản xây dựng phương án giá thì gửi thẳng Bộ Tài chính công bố giá tối đa. Sau đó, cơ quan báo chí sẽ ban hành giá cụ thể để thực hiện.

"Như vậy, một số những thể chế đã được ban hành, điều chỉnh theo hướng thuận tiện cho cơ quan báo chí trong việc khai thác nguồn kinh phí từ đặt hàng, giao nhiệm vụ của Nhà nước. Và có thể áp dụng cách làm đó để tăng nguồn kinh phí cho hoạt động báo chí", ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương chuẩn bị để báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề án xây dựng các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. 

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Báo chí.

Anh Văn - Đắc Huy
Bình luận
vtcnews.vn