- Chào Phương Thanh. Thời gian vừa qua, Phương Thanh “vắng bóng” trên màn ảnh rộng và chỉ tập trung cho phim truyền hình. Lý do nào dẫn đến điều này?
Thường thường, khi nhận lời đóng phim tôi vì tình cảm là nhiều, chứ không hề đòi cát-xê, bởi tôi cũng chỉ hy vọng bộ phim sau khi phát hành là một sản phẩm tốt, được khán giả ủng hộ.
Có một vài bộ phim sau khi ra rạp đã làm tôi rất buồn vì cách làm phim kém chỉn chu và nhiều bê bối của những nhà sản xuất.
Cũng may là không ai chê trách gì tôi nhiều. Thế nhưng, tôi cũng buồn lắm. Và khi bị mất hứng, tôi không muốn làm tiếp.
Cho đến khi nhận được dự án điện ảnh mới nhất là Lô tô, sau 2 năm tạm dừng đóng phim điện ảnh, tôi mới quay lại với lĩnh vực này. Đây là một bộ phim chắc chắn sẽ mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. Trong phim, tôi vào một vai rất dễ thương. Vai diễn đó khiến tôi phấn khởi và có cảm xúc để đóng phim điện ảnh trở lại.
Một nền điện ảnh muốn bền vững thì nghệ thuật phải đi đôi với giải trí, khi một nền điện ảnh nghiêng hẳn về giải trí thì đó là kết thúc.
Phương Thanh
- Là ca sĩ hiếm hoi có thâm niên 10 năm đóng phim, chị nhận định như thế nào về nền điện ảnh trong khoảng thời gian vừa qua?
Tôi là ca sĩ chứ không phải diễn viên, đóng không nhiều nhưng đi ra mắt phim rất nhiều, và không bỏ qua một bộ phim nào của bất kỳ đạo diễn nào. Vậy nên, tôi xin phép nhận xét với vai trò của một khán giả xem phim Việt.
Tôi nghĩ cái gì cũng có những giai đoạn thăng và trầm. Những năm gần đây, phim Việt thăng về hình thức và số lượng, nhưng trầm về cảm xúc.
Một nền điện ảnh muốn bền vững thì nghệ thuật phải đi đôi với giải trí. Khi một nền điện ảnh nghiêng hẳn về giải trí thì đó là kết thúc. Bởi khi ấy, những người làm nghệ thuật sẽ chỉ đi kiếm ăn, kiếm tiền mà như vậy thì chất lượng phim không thể tốt được.
Tôi cũng mong rằng phim nghệ thuật cần có chỗ đứng hơn trong lòng khán giả, nhưng ít người dám làm quá. Sau những bộ phim như Đời cát, tôi kiếm “đỏ mắt” cũng khó mà ra một bộ phim thực sự đáng để xem như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Có thể về góc độ chuyên môn, sẽ có những ý kiến trái chiều, nhưng dưới góc độ của một khán giả, tôi nghĩ đây là một sản phẩm rất đáng để tự hào, cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và giải trí, và rất giàu cảm xúc nữa. Ngoài ra thì trong năm nay, tôi cũng trông chờ dự án Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Dũng Khùng nữa.
- Theo chị, việc chất lượng phim Việt thời gian gần đây “tụt dốc” là do ai? Do đạo diễn lười khai thác đề tài hay nhà sản xuất vì lợi nhuận?
Nếu lấy Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ra làm ví dụ, thì một điều rõ ràng là còn rất nhiều đề tài để những nhà làm phim Việt khai thác được. Nhưng ngoài việc “lười”, thì cũng còn nhiều lý do lắm.
Tại Việt Nam, sự tôn trọng, toàn quyền của người đạo diễn vẫn chưa được bảo đảm. Tôi nghĩ việc nhà sản xuất tác động quá nhiều vào một bộ phim là cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì bộ phim làm ra là sản phẩm của đạo diễn, chứ không phải của nhà sản xuất hay người diễn viên. Nếu nhà sản xuất đưa quá nhiều cái tôi của mình vào, vì lợi nhuận, thì sẽ làm lệch trọng tâm kịch bản, và từ đó làm hỏng cả bộ phim.
Tôi cũng từng tham gia một bộ phim mà nhà sản xuất và đạo diễn mâu thuẫn về định hướng của bộ phim. Đạo diễn muốn làm một bộ phim nghệ thuật nhưng nhà sản xuất lại là người bỏ một khoản tiền lớn, họ cần một sản phẩm để có thể kinh doanh, sinh lời. Vậy nên, tiếng nói chung giữa họ hoàn toàn không có.
- Vậy có lối thoát nào đến với sự đồng thuận cho mối quan hệ cộng sinh nhưng dễ xảy ra mâu thuẫn này không, thưa chị?
Tôi hoàn toàn không thể đưa ra được một ý kiến nào tốt cả. Nếu có một lối thoát, ắt hẳn họ đã đi từ rất nhiều năm trước rồi.
Tôi chỉ có thể khuyên những nhà sản xuất rằng, bạn có tiền thì bạn có quyền, nhưng bạn có quyền quá nhiều thì bộ phim không còn giá trị. Vậy nên bạn cũng cần dành cho người khác quyền được chủ động, vì người đạo diễn là nhà sáng tạo, là người “sinh” ra bộ phim, còn bạn chỉ là người có tiền “nuôi dưỡng” thôi.
- Còn khán giả, người có quyền quyết định tới sự thành bại của một bộ phim có nên bày tỏ thái độ rõ ràng hơn với các nhà làm phim để họ có thể làm tốt hơn?
Dĩ nhiên, khán giả bỏ tiền ra mua sản phẩm, họ có quyền mong chờ một tác phẩm hay tuyệt đối, và cũng có quyền phản ứng, nhưng đừng thái quá. Hiện nay, tôi thấy các khán giả với cái nhìn hẹp, chưa khái quát, cũng đang làm tổn thương các nhà làm phim mới. Những đạo diễn lớn, họ cũng từng trải qua những điều “dở ẹc”.
Như Victor Vũ, cái tên “bảo chứng” cho những sản phẩm chất lượng, ăn khách những năm gần đây, ở những sản phẩm đầu anh cũng có những bước chênh vênh. Ở những phim sau, anh rất đều tay và mỗi sản phẩm đều có phong cách khác nhau. Tôi rất nể Victor Vũ ở điểm đó.
Với một bộ phim, khán giả không phải là người có quyền mà chỉ là đối tác mua sản phẩm cuối cùng. Lắng nghe khán giả nhiều quá cũng không tốt, vì người làm nghệ thuật cần có chính kiến. Khán giả chỉ có thể là người đưa ra những lời góp ý, và các nhà sản xuất có thể lựa chọn lắng nghe, hoặc không.
Tôi muốn nhắc những nhà làm phim thời nay rằng, không có điều gì là mãi mãi, và sự ủng hộ của khán giả cũng vậy.
Phương Thanh
Lần nào đi ra mắt phim, dù không phải là phim mình đóng, tôi cũng cầu chúc cho bộ phim là một sản phẩm tốt. Bởi lẽ, khi xem một bộ phim dở, khán giả sẽ bị tổn thương cảm xúc. Mà một khi đã bị tổn thương, rất khó để liền lại, và dù có liền lại, thì tôi nghĩ trong tâm trí họ cũng hằn những vết sẹo không nhỏ với tâm lý “phim Việt nào cũng vậy, chỉ đến thế thôi”.
Một điều may mắn là những năm gần đây, các khán giả rất ủng hộ phim Việt. Nhưng càng được ủng hộ thì dường như các nhà sản xuất càng trở nên dễ dãi, không đầu tư để cho ra những sản phẩm chất lượng mà chỉ cố gắng sản xuất càng nhiều càng tốt trong thời gian càng ngắn càng tốt, vì lợi nhuận.
Tôi muốn nhắc những nhà làm phim thời nay rằng, không có điều gì là mãi mãi, và sự ủng hộ của khán giả cũng vậy.
- Nhưng chị có nghĩ rằng chính sự ủng hộ “mù quáng”, dễ dãi trong cách thưởng thức của khán giả với tâm lý “phim Việt Nam như vậy được rồi” đã gây ra một hệ luỵ là tâm lý “cứ làm phim là thắng” cho các nhà sản xuất, và từ đây họ cũng dễ dãi trong các sản phẩm của mình?
Nói khán giả dễ dãi là sai. Chính những nhà làm phim ẩu, không có tâm mới là những người coi thường khán giả. Khán giả chỉ dễ dãi ở khía cạnh tình cảm, vì họ còn yêu, còn muốn ủng hộ. Chứ ai bỏ tiền ra mua chẳng muốn được thưởng thức sản phẩm tốt?
Các nhà làm phim dễ dãi đang tận dụng tình yêu của khán giả. Nhưng đến một lúc nào đó, khi tình yêu thương ấy đã hết rồi, vực nó dậy khó lắm!
- Sự tận dụng ấy có phải là nguyên nhân dẫn đến một sự nghèo nàn về nghệ thuật và sức sáng tạo khi cứ ra rạp là khán giả thấy phim hài nhảm, thưa chị?
Xu hướng bây giờ là như vậy. Một dòng nhạc, một dạng phim ăn khách thì người người, nhà nhà đổ tiền vào sản xuất. Và điều này làm thui chột sức sáng tạo cũng như cá tính của người nghệ sĩ.
Làm phim, quan trọng nhất là kịch bản. Hồi xưa, vài năm người biên kịch mới có được một kịch bản tốt, còn bây giờ có cầu thì cung cũng phải đáp ứng, 1 năm họ cho ra 2,3 kịch bản, làm sao tốt được?
Mỗi người nghệ sĩ đều có chất riêng của mình. Nếu đi theo xu hướng, tự họ sẽ thấy nhàm chán, và khán giả cũng nhàm chán. Trong âm nhạc cũng vậy, nghe cả một album bolero thì uỷ mị, rock thì mệt, … cái gì cũng cần một giới hạn.
- Vậy việc các đạo diễn liên tục đưa các danh hài vào phim điện ảnh để “câu khách”, chị nghĩ sao?
Bây giờ đang là thời của các danh hài. Nghệ thuật sẽ đi theo một vòng tròn, lần lượt các xu hướng văn minh - cổ điển - hài hước - bi ai sẽ thay phiên nhau theo từng chu kỳ để vực con người ta đứng dậy. Bây giờ, chỉ có cách sống lạc quan con người mới đứng được.
Vì thế, tôi nghĩ điều đó cũng không xấu, vì ai cũng cần phải mưu sinh để tồn tại. Nhưng đừng làm hài nhảm, hài mà không có giá trị. Tiếng cười hài thâm thuý có giá trị hơn cả tiếng khóc than. Hài hay lắm. Tận cùng của đau khổ là tiếng cười, “tiếng cười bi” có giá trị, có cái tình, cái tâm trong đó. Chứ bâng quơ thì cái gì cũng qua.
- Cám ơn Phương Thanh về những chia sẻ.
Clip: Trailer phim "Lô tô" với sự tham gia của Phương Thanh
Bình luận