(VTC News) - Tunisia, Ai Cập, Libya, Syria, Anh, Mỹ, Hy Lạp... Không phải bỗng nhiên mà "Người biểu tình" được bình chọn là Nhân vật của năm 2011 trên tạp chí Time danh tiếng. Năm 2011 là năm của các cuộc biểu tình chưa từng có trong lịch sử.
Chỉ có điều, cái mà phương Tây không lường trước và cũng không mong muốn, đó là tiếp theo "Mùa xuân Ả Rập" mà họ ủng hộ và chống lưng, "Người biểu tình" đã tìm sang với Châu Âu và Mỹ với phong trào Chiếm Phố Wall của 99% và ám ảnh vỡ nợ từ thành Athens như một bóng ma bao phủ lên khu vực đồng tiền chung euro. Bởi vì họ đã bắt đầu với một bài toán hoàn toàn khác!
Dưới đây, xin gửi tới độc giả bài phân tích ngắn của chuyên gia chính trị Andrei Grozin trên tờ Tiếng nói nước Nga (The Voice of Russia), liên quan đến bài toán kinh tế của phương Tây khi phát động và mở rộng Mùa xuân Ả Rập.
Phương Tây, mà đại diện là Mỹ, luôn cố kích động gia tăng căng thẳng chính trị và quân sự ở Trung Đông để duy trì mức giá dầu mỏ cao như hiện nay. Ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế độc lập đã và đang đi đến kết luận này - dù thoạt nhìn, nó có vẻ như là một điều phi lý.
Hiện nay, một cục diện mới mẻ đã hình thành trên các thị trường thế giới. Theo thông lệ, quá trình tăng giá dầu mỏ đi kèm với sự suy giảm tỷ giá đồng dollar. Nhưng giờ đây, đối thủ cạnh tranh chính của đồng tiền Mỹ - đồng euro – cũng chịu áp lực mạnh mẽ do cuộc khủng hoảng nợ ở EU. Vì vậy, tỷ giá đồng dollar vẫn duy trì ở mức độ cao.
Ngoài ra, tỷ giá cao của đồng dollar Mỹ thường làm giảm mức giá dầu mỏ. Tuy nhiên, hiện nay, giá dầu luôn ở mức cao hơn 100 USD.
Nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này chính là tình hình bất ổn ở các nước Ả Rập và Iran. Do các nước tiêu thụ dầu mỏ phải chi rất nhiều tiền để mua nhiên liệu hydrocarbone nên dẫn đến hệ quả là, giá dầu cao không làm giảm mà ngược lại còn duy trì nhu cầu cao về đồng dollar và bằng cách này hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ.
Hóa ra, ngày nay, các nền kinh tế phương Tây, đặc biệt là Mỹ, rất quan tâm đến việc duy trì tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông.
Các quốc gia Ả Rập là một bộ phận hết sức quan trọng trong mô hình phát triển kinh tế phương Tây. Các nước này đóng vai trò nhà cung cấp năng lượng chính cho thị trường Mỹ và Châu Âu.
Mặt khác, các quốc gia Ả Rập phụ thuộc vào tình hình trên các thị trường phương Tây. Nếu ở phương Tây tiếp tục quá trình suy thoái kinh tế, như nhiều chuyên gia dự đoán, thì điều đó có thể làm giảm khối lượng tiêu thụ năng lượng ở Châu Âu và Mỹ.
Chính thực tế hiện nay đang ghi nhận xu thế đó.
Về mặt lý thuyết, hiện tượng này phải làm giảm mức giá nhiên liệu. Nhưng giá dầu vẫn không giảm đi do tình hình bất ổn trong khu vực. Còn tỷ giá đồng dollar thì vẫn được giữ đủ cao do sự suy yếu của đồng euro. Mỹ không cần làm tăng thêm tỷ giá đồng dollar, vì nếu đồng tiền quốc gia của Hoa Kỳ lên mức giá quá cao thì các mặt hàng xuất khẩu nước này sẽ mất khả năng cạnh tranh.
Tình hình cân bằng như hiện nay đáp ứng lợi ích của hệ thống dự trữ liên bang Mỹ và các chế độ quân chủ dầu mỏ vùng Vịnh, trong đó ảnh hưởng chính trị của các quốc gia dầu mỏ tăng lên tương ứng với tỷ lệ lợi nhuận cao chưa từng thấy.
Hóa ra, phương Tây và đặc biệt là Mỹ “bắt” mùa xuân Ả Rập và người Ả Rập phục tùng nền kinh tế phương Tây. Họ đã lợi dụng các sự kiện hỗn loạn trong thế giới Ả Rập hồi năm ngoái một cách đắc sách.
Khi Mỹ và đồng minh Châu Âu khơi lên tình hình căng thẳng trong thế giới Ả Rập thông qua một số tổ chức, thông qua mạng Internet và áp lực trực tiếp, kể cả áp lực quân sự; nhiều người đã tin rằng, các nước phương Tây chạy theo mục đích chính trị thuần túy. Tức là, họ muốn chuyển sức mạnh của nhân dân Ả Rập theo hướng có lợi cho phương Tây, tùy theo khả năng bảo vệ những đồng minh đáng tin cậy nhất và đánh vào những nhân vật cứng đầu nhất. Mục tiêu này đã đạt được. Bây giờ đã đến lúc tổng kết các lợi thế kinh tế.
Mải nói về khả năng đưa quân vào Syria hoặc tấn công Iran, không ai nhớ rằng, tỷ giá thực sự của đồng dollar phải như thế nào sau vô số đợt phát hành khẩn cấp tiền tệ Mỹ. Hơn nữa, các sự kiện ở bên kia Địa Trung Hải cũng giúp phần nào cho đồng tiền Châu Âu, bởi nhu cầu về đồng euro đã tăng lên sau cuộc chiến ở Syria và các cuộc khủng hoảng ở Tunisia, Libya và Ai Cập.
Và đó chính là “quan hệ đối tác Châu Âu - Địa Trung Hải.
Hà Anh (gt)
Bình luận