Cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua được cho là mang tính chất lạc hậu của thế kỷ 20 và nó bị đánh bại bởi sức mạnh của công nghệ và con người của thế kỷ 21, theo Reuters.
Gareth Jenkins, nhà nghiên cứu quân sự tại Istanbul cho rằng cuộc đảo chính này rõ ràng được lên kế hoạch khá tốt, nhưng lại sử dụng phương thức từ những năm 1970, tương tự với các cuộc chính biến ở Chile năm 1973 và Ankara năm 1980, chứ không phải kiểu mẫu ở một nước phương Tây hiện đại năm 2016.
Theo đó, lực lượng nổi dậy tổ chức cuộc tấn công vào cuối tuần, khi Tổng thống đang đi nghỉ dưỡng. Họ chiếm giữ sân bay chính, phong tỏa một cây cầu bắc qua eo biển Bosphorus tại Istanbul, điều xe tăng tới Quốc hội và Ankara, kiểm soát các nút giao thông chính, phát thông điệp trên kênh truyền hình nhà nước TRT công bố lệnh giới nghiêm và cảnh báo người dân nên ở trong nhà.
Tuy nhiên, lực lượng đảo chính không thể bắt giữ bất cứ một thủ lĩnh nào của đảng cầm quyền AKP, không chặn được sóng truyền hình tư nhân, tín hiệu điện thoại di động hay các mạng xã hội, vốn là đặc trưng của thế giới hiện đại, khiến Tổng thống Erdogan và các phụ tá trung thành có thể nhanh chóng kêu gọi người ủng hộ xuống đường chống lại cuộc đảo chính.
Theo Sinan Ulgen,chuyên gia phân tích của Carnegie châu Âu, thiếu sót lớn nhất của quân nổi dậy chính là họ không hành động theo đúng đường lối điều hành quân sự và vì vậy thiếu các nguồn lực để có thể kiểm soát những đòn bẩy sức mạnh quan trọng.
"Kế hoạch chi tiết của họ cũng không hiệu quả ngay từ đầu khi họ không thể chiếm được bất cứ kho thiết bị quân sự nào ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như không bắt giữ được bất cứ nhà lãnh đạo chính trị nào", Ulgen khẳng định.
Tổng thống Erdogan, người luôn bị cáo buộc gây cản trở đối với truyền thông xã hội và ngăn chặn báo chí và truyền hình, đã sử dụng công nghệ truyền thông hiện đại để nhanh chóng gửi thông điệp của mình tới gần 80 triệu dân trong nước, phản công những kẻ bạo loạn.
Ông sử dụng ứng dụng gọi điện kèm hình ảnh Facetime trên điện thoại thông minh để liên hệ với một phóng viên và thông qua đó truyền đi một thông điệp trực tuyến trên kênh truyền hình CNN Turk, một kênh truyền hình tư nhân mà những phần tử chủ mưu đảo chính đã nỗ lực cắt sóng nhưng bất thành.
Video xe tăng chạy rầm rập trên phố trong đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ
"Chúng ta hãy cùng nhau tập hợp như một dân tộc đoàn kết không khoan nhượng. Tôi tin rằng chúng ta sẽ loại bỏ được sự chiếm đóng chỉ xảy ra trong chốc lát này. Tôi kêu gọi tất cả người dân của chúng ta hãy bước vào đấu trường và chúng ta sẽ cho chúng một câu trả lời thích đáng", ông Erdogan tuyên bố.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Binali Yildirim cũng dùng Twitter của mình để thông báo về cuộc nổi dậy và đảm bảo với người dân Thổ Nhĩ Kỳ rằng các lực lượng chỉ huy vũ trang tối cao không đứng sau ủng hộ cho cuộc nổi dậy này.
Các phụ tá trung thành của ông Erdogan đã truyền được những thông điệp của mình cho truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ và quốc tế rằng vị tổng thống cầm quyền từ năm 2003 vẫn đang an toàn và không bị bắt giữ ngay cả khi quân nổi dậy đã kiểm soát được đài truyền hình TRT.
Video đường phố Thổ Nhĩ Kỳ hỗn loạn trong đảo chính
Cả ba lãnh đạo đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ đều đã nhanh chóng lên án cuộc đảo chính và các mạng truyền thông xã hội đã truyền tải lời kêu gọi người dân tham gia phản đối cuộc đảo chính.
Trong khi đó, các lãnh tụ tôn giáo trung thành với tổng thống cũng lần đầu tiên sử dụng mạng lưới loa phóng thanh của các nhà thờ để kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường để tham gia vào chống lực lượng đảo chính.
"Các tướng lĩnh và sĩ quan áp dụng các phương pháp đảo chính lỗi thời taị Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn toàn thất bại trước các công nghệ hiện đại của thế kỷ 21. Họ dường như đã bước vào cuộc chiến cuối cùng", bình luận viên Taylor cho biết.
Bình luận