Lúc lên hình, Phương Liên chững chạc, tự tin, nói tiếng Anh lưu loát đâu vào đấy. Ngoài đời, Phương Liên trắng trẻo, xinh xắn, nói chuyện líu lo, hồn nhiên như hầu hết các cô gái đương tuổi đôi mươi…
Là sinh viên trường Kinh tế Quốc dân, cơ duyên nào đưa Liên đến với công việc truyền hình?
Hồi đó là tháng 8 năm 2011, mình đang học năm thứ 3 khoa Tiếng Anh Kinh Tế thì một người bạn rủ mình đi thi tuyển ở VTC10. Lúc thi tuyển cũng không nghĩ sẽ đậu đâu vì nhiều anh chị giỏi và có kinh nghiệm rồi. Đến lúc đọc bản mô tả công việc, cũng không hiểu lắm đâu nhưng thấy có hai chữ “tiếng Anh” nên tự tin đặt bút đăng ký luôn.
Trước đó, bạn đã hình dung như thế nào về nghề truyền hình?
Thú thật, mình đã từng nghĩ làm truyền hình rất phức tạp và nhiều cám dỗ, đặc biệt là nghề MC. Cũng bởi gia đình mình không hề có ai làm truyền hình cả. Nhưng lúc vào VTC10 rồi mới thấy đây là một công việc rất thú vị, mọi người đều trẻ trung, hòa đồng với nhau. Mình thuộc thế hệ ít tuổi nhất kênh nên luôn được các anh chị nhường nhịn, bảo ban tận tình.
Không được đào tạo về truyền hình hẳn những ngày đầu rất khó khăn?
Hầu hết mọi người khi mới về kênh VTC10 đều được trải qua 2 tháng học nghiệp vụ truyền hình. Và bài học đầu tiên của mình chính là học cách… cầm mic. Lúc mới cầm mic dẫn, không hiểu sao cảm giác của mình cứ như đi “đánh trận” vậy, tay run lên khiến cho mic cứ bị lung lay, trông rất mất tự nhiên. Sau khi bị mọi người “lên án” kịch liệt, mình đã lao vào tập tành… cầm mic. Phải đến 3 tháng sau mới thấy tự tin cầm mic đi dẫn hiện trường.
Những công việc chính của Liên ở kênh VTC10 là gì?
Khi chương trình tọa đàm “Việt Nam – Góc nhìn của bạn” bắt đầu ra đời thì mình được phân công làm biên tập và MC cho chương trình lên sóng hàng ngày. Khách mời của chương trình là một người nước ngoài và phải thể hiện được góc nhìn của họ về một vấn đề nào đó ở Việt Nam. Ngoài ra, mình còn dẫn Bản tin Tiếng Anh lúc 12h trưa.
Giữa hai công việc dẫn bản tin và dẫn tọa đàm, Liên thấy mình hợp với phong cách nào hơn?
Mỗi cái có một thú vị riêng. Người ta nói dẫn bản tin dễ hơn dẫn tọa đàm nhưng thực ra với mình thì công việc dẫn bản tin Tiếng Anh thực sự khó hơn nhiều. Khi dẫn tọa đàm, mình và nhân vật có thể ngồi trò chuyện với nhau rất tự nhiên và thoải mái. Còn riêng Bản tin tiếng Anh thì bên mình lại không được đọc “cue” mà chỉ có laptop để ở bàn, vừa dẫn vừa ngước lên nhìn xuống nhưng vẫn phải giữ được thần thái tự nhiên. Vì dẫn tiếng Anh nên mình phải học thuộc và nhớ từ rất nhiều. Nhờ thế mà làm giàu thêm cho vốn từ của mình.
Có kỷ niệm nào Liên nhớ nhất trong những lần làm chương trình?
Nhớ nhất có lẽ là chương trình đầu tiên. Vì đó cũng là thất bại đầu tiên của mình. Hồi đó, mình tọa đàm với một chuyên gia nước ngoài về bất động sản. Có lẽ vì thiếu tự tin nên mình đã không dám nhìn thẳng vào mắt nhân vật khi trò chuyện. Sau đó, chương trình không được phát sóng vì không đúng với demo, không có trọng tâm. Lần đó mình đã thu được nhiều bài học quý.
Làm việc với người nước ngoài, điều gì là khó khăn nhất?
Có lần, khách mời của mình là một doanh nhân người Hàn Quốc. Bác ấy nói tiếng Anh không được chuẩn lắm, hay bị lẫn âm “l” và “r” nên rất khó nghe, mình phải mất một buổi nói chuyện mới hiểu được ý bác ấy. Nhưng nói chung, giao tiếp thì mình không ngại. Cái khó thời gian đầu là tìm đề tài, vì phải tìm ra những vấn đề mà chỉ có duy nhất ở Việt Nam thôi. Hơn nữa, những người nước ngoài không phải ai cũng hiểu rõ về Việt Nam để có thể nói về Việt Nam được. Công việc liên hệ với khách mời cũng gặp khá nhiều khó khăn. Ngày đầu mình cũng run lắm, vì chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có ngày mình ngồi chuyện trò với các đại sứ, các CEO, chuyên gia nước ngoài… Càng làm càng tự tin hơn và bây giờ, thậm chí nhiều khách mời đã trở thành bạn của mình, thỉnh thoảng vẫn liên lạc, gặp gỡ, đi uống café.
Cũng đã hơn 1 năm gắn bó với “Việt Nam- Góc nhìn của bạn”, vậy “kho” khách mời của bạn đã lên tới…?
Khoảng hơn 200 người.
Một con số khá ấn tượng. Có điểm chung gì giữa họ?
Có lẽ là hầu hết mọi người đều dành một tình cảm đặc biệt cho Việt Nam và mong muốn được gắn bó với Việt Nam.
Trong số những khách mời đó, bạn ấn tượng với ai nhất?
Lần đi Huế làm chương trình về một hội thảo do đoàn Đại sứ Ý tài trợ, mình rất ấn tượng với một bác Đại sứ Ý. Bác ấy đúng là tiêu biểu cho hình ảnh đàn ông Ý: đẹp trai, galang, ăn mặc đẹp và nói chuyện rất cởi mở. Một chi tiết đáng nhớ là hôm đấy 2 bác cháu hẹn nhau 8h, đến 8h10 mình mới đến được, mặt mũi hốt hoảng lo lắng lắm vì sợ bác giận. Không ngờ 9h kém mới thấy bác đi ra. Bác còn hóm hỉnh nói nhỏ với mình một thông tin khá thú vị rằng thật ra người Ý còn… “cao su” hơn người Việt Nam nhiều (cười)… Khi đi làm, mình chỉ mong gặp được những khách mời vui vẻ như thế thôi!
Nghĩa là vẫn có những lần không “vui vẻ”?
Có chứ, cùng là người nước ngoài, nhưng mỗi nước một kiểu, mỗi ngành nghề lại có tính cách khác. Mình đã từng gặp những khách mời khá khó tính. Như lần làm chương trình với một nghệ sĩ người Nhật chẳng hạn. Có lẽ vì là nghệ sĩ nên tính bác cũng khá khó chiều. Sau khi chốt lịch hẹn, cả ê-kip kéo đến nhà bác. Tưởng mọi chuyện sẽ suôn sẻ hóa ra cả nhóm phải ngồi chờ hơn 2 tiếng sau bác mới sẵn sàng. Đến khi ghi hình, bác lại nhạy cảm với máy quay nên cứ sáng đèn là bác lại không nói nữa. Thấy khách mời có vẻ không thiện ý, mình ra hiệu cho mọi người thu máy móc trở về. Chấp nhận tay không.
Như thế có hơi cứng nhắc quá không?
Mình làm việc rất rõ ràng. Và luôn lựa cách làm thế nào để vừa hoàn thành công việc vừa không để làm mất lòng khách mời. Tuy nhiên, có những lúc mình phải đặt công việc lên hàng đầu và sẵn sàng vác máy quay về không nếu khách mời đưa ra những yêu cầu không phù hợp với tiêu chí của chương trình.
Nói một chút về cuộc sống riêng nhé, gia đình Liên không có ai làm truyền hình, vậy mọi người phản ứng như thế nào trước lựa chọn của bạn?
Bố mẹ mình đều theo ngành y. Mẹ thì xót con gái nên thời gian đầu thấy con vất vả cũng không ủng hộ lắm. Còn bố thì rất ủng hộ. Từ năm thứ 2 đại học, bố đã khuyến khích mình đi làm thêm để va chạm xã hội, học hỏi kinh nghiệm sống. Nên khi thấy mình muốn theo công việc truyền hình, bố vẫn là người ủng hộ nhiều nhất. Có lẽ, trong cuộc sống, bố là người ảnh hưởng đến mình nhiều nhất.
Câu nói nào của bố khiến Liên tâm đắc nhất?
Đó là “Cứ làm đi!”
Một ngày không công việc, bạn sẽ làm gì ?
Mỗi tuần, hầu như mọi người ở kênh chỉ được nghỉ vào chủ nhật, nhưng với mình như thế cũng đã là nhiều rồi. Thường chủ nhật, nếu không ngủ nướng cả ngày thì mình đi ăn uống với bạn bè hoặc ở nhà chơi với bố mẹ.
Liệu truyền hình có phải là con đường dài mà Liên đã chọn ?
Thật ra, hồi bé, cũng như rất nhiều cô gái khác, mình rất thích sau này trở thành cô giáo. Lúc đi học mình lại mong sẽ được làm doanh nhân. Thế rồi bây giờ mình lại đến với truyền hình, âu cũng là cái duyên. Không biết tương lai sẽ biến chuyển thế nào nhưng hiện tại, mình rất yêu công việc này và sẽ luôn cố gắng để làm tốt.
Cảm ơn Phương Liên và chúc bạn sẽ thành công !
Y Bình (thực hiện)
Bình luận