“Phượng Hoàng Vũ” là một món ăn cung đình Huế hết sức cầu kỳ, đã thất truyền ngót một thế kỷ. Sau quá trình dài sưu tầm và nghiên cứu, các nghệ nhân Việt Nam đã phục hồi được món ăn này để nhận Kỷ lục châu Á.
Trong buổi công bố các kỷ lục châu Á và Việt Nam diễn ra ngày 27.10.2012, nhiều quan khách đã dừng chân rất lâu ở sảnh chính của khách sạn Rex (TP.HCM) để chiêm ngưỡng một tác phẩm kỳ vĩ và... ăn được. Đó là chiếc bánh có hình dáng chim phượng hoàng trong tư thế đang múa, cánh và đuôi xòe rộng nhưng đầu chim thì ngoái nhìn về phía sau.
Phượng hoàng bay ra thế giới |
Chiếc bánh được đặt tên là Phượng Hoàng Vũ - Bạt phong hồi đầu. Tuy rất bề thế nhưng đường nét của chim phượng lại thật uyển chuyển như đang múa, đầu chim cao chạm trần. Lộng lẫy nhất chính là “chiếc áo” lông vũ nhiều màu sắc, xòe rộng thành đuôi chim chiếm trọn cả không gian sảnh đường. Quả là một tác phẩm kỳ công!
Truyền thuyết kể lại rằng, ở cung đình Huế, vào năm 1925 - nhân lễ Tứ tuần đại khánh (sinh nhật thứ 40) của vua Khải Định, nghệ nhân Trần Viên đã thực hiện và dâng lên vua một chiếc bánh, gọi là “Cổ độ”.
Sự kỳ công cũng như hương vị tuyệt hảo của bánh đã khiến vua Khải Định khen ngợi không tiếc lời và ban thưởng rất hậu cho nghệ nhân Trần Viên. Tiếc rằng sau gần một thế kỷ, công thức chế biến chiếc bánh độc đáo này đã mai một, thất truyền theo năm tháng...
Nặng lòng với văn hóa ẩm thực dân tộc và tâm nguyện phục hồi vốn cổ, sau một thời gian dài bỏ công sưu tầm và nghiên cứu, bà Tôn Nữ Thị Hà (nghệ nhân, chủ nhà hàng cung đình Tịnh Gia Viên - Huế) và thạc sĩ Phan Tôn Tịnh Hải (Hiệu trưởng Trường đào tạo bếp Mint, giám khảo chương trình truyền hình Iron Chef Vietnam) đã phục hồi được bí quyết và chế biến thành công món “sơn hào hải vị” độc đáo chỉ xuất hiện trong những ngự yến đặc biệt của triều đình Huế.
Thành quả của họ là một món ăn có kích cỡ đạt kỷ lục Việt Nam lẫn châu Á. Chiều dài (cao) của chiếc bánh lên đến 6,8 m và rộng 4,2 m. Bánh được giữ nguyên công thức và đong đếm tỷ lệ thích hợp (gồm bột, rau, củ, quả dùng để pha màu và tạo hình), đun nấu bằng 3,5 tấn than hoa, cần 18 người phụ việc để ghép 4.862 miếng chính và hơn 2.000 miếng phụ thành hình chim phượng hoàng đang múa...
Từ hồ sơ do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đệ trình, Văn phòng Kỷ lục châu Á tại New Delhi (Ấn Độ) đã chính thức công nhận tác phẩm nghệ thuật ẩm thực cung đình “Phượng Hoàng Vũ - Bạt phong hồi đầu”.
“Chúng tôi rất vui khi được góp phần vào việc phục hồi một trong những nét văn hóa ẩm thực cao cấp của Việt Nam. Có thể nói là chúng tôi đã thỏa ước nguyện, bởi không phải lúc nào cũng có được nhân lực, tài lực và nguyên vật liệu để thực hiện một tác phẩm tầm cỡ như thế”, chị Phan Tôn Tịnh Hải bày tỏ.
Theo TNO
Bình luận