• Zalo

Phương án thi THPT quốc gia 2017: Chuyên gia phân tích điểm ưu việt

Giáo dụcThứ Sáu, 16/09/2016 07:58:00 +07:00Google News

Chuyên gia kiểm định chất lượng khẳng định phương án thi THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm ưu việt.

 Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa  tổ chức trao đổi, góp ý thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, hoàn thiện hơn nữa bản dự thảo này. Tại buổi trao đổi, giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)-  PGS.TS Nguyễn Phương Nga đưa quan điểm xung quanh dự thảo này.

thi thpt quoc gia -2

 Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia

PGS Nguyễn Phương Nga cho rằng trước tiên cần xác định mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Mục tiêu chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT này là đánh giá những kiến thức và kỹ năng cơ bản học sinh nắm được trong chương trình học lớp 12; Xét tốt nghiệp THPT: Điểm thi chỉ chiếm 50% +50% là điểm TB kết quả học tập lớp 12; Việc có sử dụng điểm thi này để xét tuyển vào đại học/cao đẳng hay không là quyền của các trường Đại học – Cao đẳng (1 trong 4 phương thức tuyển sinh để các trường Đại học – Cao đẳng lựa chọn).

Bên cạnh đó, PGS Nguyễn Phương Nga cũng chỉ ra phương án thi THPT quốc gia 2017 mang lại nhiều hiệu quả. “Thời gian thi đã giảm được một nửa so với kỳ thi năm 2016: từ 4 ngày xuống 2 ngày; Giảm áp lực cho các cơ quan chức năng phải huy động nhân lực và vật lực để hỗ trợ kỳ thi trong thời gian khá dài: 4 ngày.

Giảm áp lực, căng thẳng và lo âu cho cả phụ huynh và học sinh. Giảm áp lực và chi phí của toàn xã hội (phụ huynh học sinh, các cơ quan chức năng liên quan, sở GD&ĐT, các trường nói chung). Tăng tính chịu trách nhiệm của các Sở GD&ĐT trong việc tổ chức thi & xét tốt nghiệp THPT”, bà Nga phân tích.

Vị chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục cho rằng dạng thức thi trắc nghiệm khách quan với nhiều câu hỏi sẽ có độ phủ rộng, nên đánh giá được kiến thức và kỹ năng toàn diện. Vì thế chúng ta chắc chắn các em học sinh tốt nghiệp THPT có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản toàn diện; “Từng bước loại bỏ việc dạy và học lệch lạc, không theo đúng chương trình THPT.

Mỗi thí sinh có 1 đề thi sẽ chấm dứt được tình trạng quay cóp bài, bảo bài trong phòng thi giữa các thí sinh với nhau. Sẽ không còn hiện tượng chuyển bài ra ngoài để các đối tượng bên ngoài tập trung cùng giải 1 đề thi”, PGS Nguyễn Phương Nga phân tích thêm.

Bên cạnh đó, việc chấm điểm bằng máy tính, bảo đảm khách quan, chính xác hoàn toàn, nhanh chóng và không có sự chênh lệch điểm giữa các giám khảo chấm thi. Tránh hoàn toàn sự tiêu cực có thể xảy ra khi chấm thi. 

“Như vậy, phương án thi do Bộ GD&ĐT mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm được sự công bằng, khách quan trong thi cử và hệ quả lớn hơn là các trường THPT sẽ dạy và học theo đúng chương trình THPT; Học sinh khi tốt nghiệp THPT có kiến thức cơ bản toàn diện”, PGS Nguyễn Phương Nga khẳng định.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn