Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2022 (Business Leaders Forum 2022) là sự kiện quan trọng được tổ chức trong bối cảnh nhiều vấn đề mang tính thách thức giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng COVID-19, do đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Chương trình lần này với chủ đề: “Vực dậy nguồn lực lao động trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19 - Xây dựng nơi làm việc hòa nhập" có sự tham gia của các diễn giả đại diện tổ chức quốc tế, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam.
CEO Lưu Thị Thanh Mẫu - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang; Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam là một trong những diễn giả tham gia tọa đàm với nhiều chia sẻ thiết thực về việc củng cố nguồn nhân lực để doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.
Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu ở giai đoạn phục hồi kinh tế thì việc thúc đẩy văn hóa đa dạng, hòa nhập và bao trùm đóng vai trò quan trọng và là mục tiêu hướng đến của hầu hết các doanh nghiệp/tổ chức. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích đáng chú ý của tính đa dạng và bao trùm: Chính sự đa dạng và tư duy tôn trọng khác biệt; thúc đẩy hòa nhập đã tạo ra không gian an toàn; không gian tự do giúp phát huy sức sáng tạo từ đó mang đến một môi trường làm việc hạnh phúc, các cá nhân được khẳng định bản thân, phát triển sự nghiệp và đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Thảo luận cùng với lãnh đạo các doanh nghiệp, “nữ thuyền trưởng” Phuc Khang Corporation nhấn mạnh: "Văn hóa đa dạng và bao trùm chính là “chìa khóa” giúp các doanh nhân trẻ thấu đáo hơn về sự khác biệt, chấp nhận, tự tin và tôn trọng sự khác biệt, từ đó giúp họ hòa nhập với môi trường kinh doanh, tìm thấy môi trường làm việc lý tưởng, tự do sáng tạo, họ sẽ luôn cảm nhận được sự tôn trọng, được ghi nhận những thành quả và nỗ lực, họ sẽ dám làm, dám thử thách để trải nghiệm, phát triển bản thân, để sẵn sàng cống hiến và khẳng định mình”.
Tiếp nối những câu chuyện về phát triển văn hóa đa dạng, hòa nhập, củng cố nguồn lực lao động doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu cùng với các diễn giả tiếp tục đi sâu hơn về vấn đề bình đẳng giới trong doanh nghiệp.
Thảo luận về vấn đề này, nữ CEO chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại Phuc Khang Corporation: “Việc nâng cao số lượng đội ngũ nữ giới tại Phúc Khang là một mục tiêu quan trọng mà Ban lãnh đạo công ty luôn hướng đến. Các cán bộ nữ luôn được tạo điều kiện để có thể hoàn thành nhiệm vụ, công việc đồng thời đảm bảo thiên chức làm vợ, làm mẹ. Song song với việc thực hiện đầy đủ các quyền lợi được nhà nước quy định thì các nhân viên nữ tại Phúc Khang luôn có cơ hội học tập phát triển chuyên môn và kỹ năng”.
Phuc Khang Corporation là nhà phát triển công trình xanh theo hướng bền vững với sứ mệnh: “Tiên phong và thúc đẩy việc kiến tạo phong cách sống tốt hơn cho sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái nhân văn bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu”.
Đề cao triết lý kinh doanh “Phát triển bền vững” phải bắt đầu từ “Phát triển có trách nhiệm”, Phuc Khang Corporation không chỉ nỗ lực kiến tạo nên những công trình xanh theo chuẩn mực quốc tế tại thị trường Việt Nam mà còn đầu tư tâm sức trong việc đào tạo và nuôi dưỡng nhân tài, đảm bảo tôn trọng sự khác biệt và đa dạng về giới, độ tuổi, vùng miền… trong doanh nghiệp.
Sắp tới, Phuc Khang Corporation sẽ triển khai đánh giá thực trạng bình đẳng giới tại nơi làm việc thông qua công cụ GEARS (do VBCWE thực hiện). GEARS là viết tắt của cụm từ Gender Equality Assessment, Results and Strategies - Đánh giá, Kết quả và Chiến lược Bình đẳng giới.
Công cụ này hứa hẹn sẽ giúp Phuc Khang Corporation hiểu sâu hơn về những vấn đề hiện tại, thấy được các cơ hội và thế mạnh của chiến lược bình đẳng giới, từ đó hướng đến những mục tiêu quan trọng hơn là cải thiện kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bình luận