Ma Kyal Sin thích taekwondo, ăn cay và tô son đỏ. Cô ôm tạm biệt cha mình trước khi hòa mình vào đám đông biểu tình ôn hòa ở Mandalay, phản đối việc quân đội lật đổ chính quyền dân sự.
Chiếc áo phông đen mà Kyal Sin mặc trong cuộc biểu tình hôm 3/3 mang một thông điệp đơn giản: "Mọi thứ sẽ ổn".
Vào buổi chiều, Kyal Sin, 19 tuổi thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bắn trúng đầu.
Ma Cho Nwe Oo, một trong những người bạn thân của Kyal Sin cho biết: “Cô ấy là một anh hùng của đất nước. Bằng việc tham gia vào cuộc cách mạng, thế hệ phụ nữ trẻ chúng tôi cho thấy chúng tôi dũng cảm không kém đàn ông".
Bất chấp rủi ro, những người phụ nữ đứng đầu trong phong trào phản đối đảo chính tại Myanmar, lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quân đội.
Mỗi ngày, hàng trăm nghìn phụ nữ tập trung biểu tình trên các con phố. Họ đại diện cho đoàn thể giáo viên, thợ may và nhân viên y tế - những người đình công để phản đối đảo chính. Những người trẻ nhất thường ở tiền tuyến. Hai phụ nữ trẻ bị bắn vào đầu và một người khác bị bắn gần tim hôm 3/3.
Đầu tuần này, mạng lưới truyền hình quân sự thông báo lực lượng an ninh được yêu cầu không sử dụng đạn thật. Trong trường hợp tự vệ, họ chỉ được bắn vào phần dưới của cơ thể.
“Chúng ta có thể mất đi những người anh hùng trong cuộc cách mạng này”, Ma Sandar, trợ lý Tổng thư ký của Liên đoàn Công đoàn Myanmar, người tham gia các cuộc biểu tình cho biết.
Bạo lực hôm 3/3 khiến số người chết kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2 lên ít nhất 54 người. Ít nhất ba trẻ em thiệt mạng trong tháng qua. Trong cuộc đàn áp hậu đảo chính của quân đội hôm 9/2, một phụ nữ 20 tuổi bị bắn vào đầu. Hành động đàn áp biểu tình của quân đội Myanmar khiến những người ủng hộ nhân quyền trên khắp thế giới phẫn nộ.
"Quân đội Myanmar phải ngừng việc bắn giết và bỏ tù những người biểu tình", bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc kêu gọi, lên án việc quân đội Myanmar sử dụng đạn thật để chống lại những người biểu tình ôn hòa.
Trong nhiều tuần kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, các nhóm nữ tình nguyện viên tuần tra trên đường phố, chăm sóc cho những người bị thương. Phụ nữ Myanmar dựng nên những “chiếc khung vững chắc” cho phong trào bất tuân dân sự đang làm tê liệt hoạt động của nhà nước. Họ lên án những định kiến về giới ở đất nước này.
Tiến sĩ Yin Yin Hnoung, một bác sĩ y khoa 28 tuổi cho biết: “Những người phụ nữ trẻ đang dẫn đầu các cuộc biểu tình bởi bản năng của người mẹ. Chúng tôi không thể để thế hệ tiếp theo bị hủy hoại".
Theo điều tra của Liên hợp quốc, không có phụ nữ nào đảm nhiệm vị trí trong hàng ngũ cấp cao của Myanmar. Trong nhân tướng học, phụ nữ ở đây thường bị coi là yếu đuối và là điều không tốt đẹp.
Tuy nhiên, phụ nữ Myanmar đang dần khẳng định năng lực, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất và dịch vụ dân sự.
Càng ngày, phụ nữ càng tìm thấy tiếng nói của mình trong lĩnh vực chính trị. Trong các cuộc bầu cử vào tháng 11/2019, phụ nữ chiếm lên tới 20% trong số các ứng cử viên của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi.
Đảng này sau đó giành chiến thắng vang dội, đánh bại Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên minh do nam giới nắm quyền và được quân đội hậu thuẫn.
Khi quân đội bắt đầu chuyển giao quyền lực trong thập kỷ qua, xã hội Myanmar trải qua những sự thay đổi sâu sắc và nhanh chóng nhất trên thế giới.
“Mặc dù đây là những ngày thực sự đen tối và trái tim tôi dường như tan nát với những hình ảnh đổ máu như thế này, tôi vẫn cảm thấy lạc quan khi nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ trên đường phố”, Tiến sĩ Miemie Winn Byrd, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu cho biết.
“Trong cuộc chiến này, tôi sẽ cược cho những người phụ nữ. Họ không có vũ khí, nhưng họ là những chiến binh thực thụ”.
Theo một nhóm giám sát địa phương, khoảng 1.500 người bị bắt kể từ sau cuộc đảo chính. Ei Thinzar Maung và Esther Naw thường biểu tình vào ban ngày và ẩn náu vào ban đêm.
Trong khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, các vị trí cấp cao nhất của đảng này lại do nam giới nắm quyền.
Trên các đường phố ở Myanmar, ngay cả khi lực lượng an ninh tiếp tục nã đạn vào những người biểu tình không vũ trang, phong trào biểu tình tiếp tục lớn mạnh với sự tham gia của các sinh viên Hồi giáo, nữ tu Công giáo, nhà sư và các nhóm phụ nữ trẻ.
“Thế hệ Z là một thế hệ không hề sợ hãi”, Honey Aung, người có em gái bị bắn chết tại thành phố Monywa hôm 3/3 cho biết. “Em gái tôi tham gia biểu tình hàng ngày. Con bé không ủng hộ chế độ quân chủ”.
Câu chuyện của Ma Kyal Sin cùng sự dũng cảm của cô gái trẻ được chia sẻ chóng mặt trên các trang mạng xã hội Myanmar.
"Tôi sẽ luôn nhớ về cô ấy một cách tự hào", Cho Nwe Oo, bạn của Kyal Sin chia sẻ.
Bình luận