Việc người phụ nữ lái ô tô đi vào đường cấm gây ách tắc giao thông, bị nhắc nhở lùi xe nên bức xúc, lén lút đi theo cào xước xe Camry của người đi đúng chiều nhắc nhở mình để trả đũa đang gây bức xúc trong dư luận.
Liên quan đến vụ việc trên, trả lời PV, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hành vi của người phụ nữ có dấu hiệu phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Bộ luật hình sự và cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Thơm, quyền sở hữu là một trong các quyền cơ bản, quan trọng nhất của công dân. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu của công dân đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Điều 32, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”.
Video: Bị nhắc nhở vì đi ngược chiều, người phụ nữ trả đũa bằng cách cào xước xe camry
“Việc người phụ nữ dùng vật sắc nhọn cào xước thân chiếc xe ô tô Camry đang đỗ bên đường ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến dư luận bức xúc và cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, luật sư Thơm nói.
Chủ xe Camry cho biết, nguyên nhân do trước đó, chị này xảy ra mâu thuẫn với người phụ nữ đi xe ô tô Hyundai theo hướng ngược lại vào chiều tối 28/9. Sau đó, CSGT đã đến nhắc nhở người lái xe Hyundai lùi lại để cho xe Camry đi.
Do bực tức, người phụ nữ đi xe ô tô Huyndai lén lút đi theo sau xe Camry để tìm cách trả thù. Hành vi cào xước xe của người khác đã làm giảm giá trị sử dụng của chiếc xe và gây thiệt hại đến tài sản của chủ sở hữu.
Đại diện Hãng Toyota Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết định giá sửa chữa khắc phục lại hết 24.200.000 đồng. Đây là căn cứ để Cơ quan điều tra xác định dấu hiệu tội phạm.
“Xét hành vi của người phụ nữ đã cố ý làm gây thiệt hại tài sản của người khác đã có dấu hiệu phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015.
Kết quả định giá tài sản bị hư hỏng của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ là căn cứ xử lý tương ứng theo định khung hình phạt quy định tại Điều 178 BLHS.
Xét về mặt pháp luật cũng như đạo đức con người, hành vi của người phụ nữ là rất đáng lên án. Trong cuộc sống cần phải có ứng xử văn minh. Không vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, bực tức thiếu kiềm chế mà xâm hại đến tài sản của người khác”, luật sư Thơm cho hay.
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.”.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Bình luận