8h sáng mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, kể từ đầu tháng 4, chị Tâm cùng con gái đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) lại mở 2 chiếc máy tính được đặt cạnh nhau. Người mẹ vừa làm việc từ xa, vừa hỗ trợ con học trực tuyến tương tác với thầy cô, bè bạn.
Hôm nay con gái chị Tâm sẽ học trực tuyến 2 môn là tiếng Việt, bài “Quả tim khỉ” và môn Toán bài “Bảng chia Ba”. Lịch học này được giáo viên chủ nhiệm đều đặn gửi tới phụ huynh từ cuối mỗi tuần. Trong đó thông báo rõ: thứ mấy các em sẽ học môn gì, bài nào, học sinh cần chuẩn bị đồ dụng học tập gì và sau khi học xong sẽ làm bài tập nào.
Kết thúc mỗi ngày học, giáo viên lại gửi tin nhắn tới nhóm phụ huynh của lớp để nhờ gia đình hỗ trợ, hướng dẫn các em hoàn thành nhiệm vụ học tập đã được giao. Tuy tình hình học tập của học sinh, giáo viên sẽ có lưu ý, hướng dẫn và yêu cầu luyện tập phù hợp với các em. Việc trao đổi giữa thầy cô và phụ huynh diễn ra thường xuyên, để bố mẹ nắm bắt được việc học của con và có những hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời, giúp con học online hiệu quả.
Những ngày đầu con học trực tuyến, chị Tâm ngồi học cùng con để nắm bắt cách dạy - học, từ đó hỗ trợ con học tập hiệu quả; đồng thời hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng học online. Giờ con gái chị Tâm đã tự vào được lớp học trực tuyến, biết cách giơ tay xin phát biểu, bật micro khi trả lời cô giáo và tắt micro lúc nghe cô giảng bài để tránh làm ồn ào.
Làm việc bên cạnh con học online, chị Tâm vừa giám sát, nhắc nhở con tập trung ý thức, lúc con phát biểu, người mẹ dừng các cuộc trao đổi điện thoại, vừa để không làm ồn lớp học, vừa nắm bắt xem con đã hiểu bài chưa và hỗ trợ về sau.
Chị Tâm cho biết, trước đây chị chỉ giám sát và hướng dẫn con làm bài tập cô giao mỗi tối khi ở nhà, chưa từng xem con học tập tương tác với giáo viên và bè bạn như thế nào chứ chẳng nói đến việc ngồi học cùng con. Việc liên lạc, phối hợp với giáo viên, nhà trường cũng diễn ra chỉ định kỳ hoặc khi có vấn đề gì xảy ra với riêng con.
“Con nghỉ dài ngày và học trực tuyến, bố mẹ phải thay nhau ở nhà trông 2 bé và hỗ trợ con lớn học tập. Khó khăn đó đồng thời lại mở ra nhiều cơ hội để chúng tôi được ở gần con hơn, cùng trải nghiệm và tham gia với con vào quá trình học tập theo phương thức mới.
Chứng kiến các giáo viên hàng ngày đều đặn duy trì liên lạc với phụ huynh để phối hợp hướng dẫn học sinh học tập từ xa và lên lớp giảng dạy online cho học trò, tôi hiểu các thầy cô đã tận tâm, nỗ lực rất nhiều vì sự nghiệp học tập của con trẻ. Sự thiện cảm và mối quan hệ giữa gia đình tôi và nhà trường theo đó được tăng dần lên. Tôi cố gắng phối hợp thật tốt cùng thầy cô để giúp con trải nghiệm việc học online thú vị và hiệu quả”, chị Tâm nói.
Ở Thái Bình, các phụ huynh của một trường tiểu học thuộc huyện Quỳnh Phụ cũng đều đặn nhận được thông báo và lời nhắn nhủ của giáo viên liên quan đến việc học từ xa của học sinh. Khi thì đó là đường link bài giảng online để học sinh tự học, lúc thì là bài tập các em cần làm, và cả là lời động viên, khích lệ những học sinh có ý thức hoàn thành sớm - tốt nhiệm vụ học tập thầy cô giao.
“Phụ huynh ở quê bận rộn công việc đồng áng nên có giáo viên đã nhiệt tình tổ chức lớp học trực tuyến tương tác thầy - trò vào buổi tối để bố mẹ thuận tiện hỗ trợ các con vào học. Mỗi tuần vài lần, cô giáo lại gửi hướng dẫn bài học, yêu cầu bài tập vào nhóm zalo của lớp để phụ huynh phối hợp cho con học bài.
Nhà tôi không có điều kiện in tờ bài tập cho con, cô giáo chủ nhiệm lại hỗ trợ in ra để bố mẹ tới lấy về”, một phụ huynh có con học lớp 1 nói. Chị cho biết, thời gian học sinh phải học ở nhà vì dịch bệnh này, mối quan hệ giữa các gia đình và nhà trường gắn kết hơn, và phối hợp chặt chẽ với nhau để hỗ trợ các con học tập.
Phối hợp hiệu quả giữa gia đình và nhà trường
PGS.TS Nguyễn Văn Biên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đề xuất mô hình gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế” cho rằng, việc học sinh phải học ở nhà vì dịch COVID-19 đã làm chuyển đổi vai trò của cha mẹ đối với giáo dục các con.
Trước đây, phần lớn phụ huynh chủ yếu chỉ dành thời gian buổi tối để hướng dẫn con ôn bài hoặc thực hiện các nhiệm vụ theo hướng dẫn của thầy cô. Các cuộc trò chuyện với con thường về nội dung: tình hình học tập trên lớp, mối quan hệ với thầy cô, bạn bè.
“Với khoảng thời gian ấy và các câu chuyện đó, cha mẹ hầu như đóng vai trò là người dõi theo và quan sát hoạt động ở trường của con. Nhưng trong 3 tháng nay, cha mẹ và con cái ở bên nhau 24/7 và vì vậy, họ không còn là quan sát viên nữa, mà thực sự trở thành người đồng hành cùng con trong học tập và thực hiện sứ mệnh cao cả là trở thành một nhà giáo dục cho chính các con”, PGS.TS Nguyễn Văn Biên nói.
Từ các nguyên tắc phát trên, chúng ta có thể thấy lời giải cho bài toán phối hợp giữa cha mẹ học sinh và nhà trường sao cho hiệu quả, đặc biệt ở giai đoạn giáo dục trực tuyến này.
Thứ nhất, các hoạt động phối hợp giữa gia đình - nhà trường cần được xây dựng trên nền tảng niềm tin. Tức là giữa cha mẹ và giáo viên cần có sự tin tưởng, tín nhiệm từ đó tạo ra sự sẵn sàng hành động, phối hợp cùng nhau trong hoạt động hỗ trợ học trò.
Thứ ba, gia đình - nhà trường cần ủng hộ những nỗ lực của nhau. Cha mẹ, giáo viên có sự thấu hiểu, khích lệ và ủng hộ những đóng góp, nỗ lực phối hợp của các bên. Điều này sẽ tạo động lực lớn cho gia đình và nhà trường cùng tiếp tục thực hiện các công việc hàng ngày.
Thứ tư, phụ huynh và giáo viên cần đồng hành trong hoạt động học tập của học sinh. Theo đó, cha mẹ cần cùng con tham gia vào các kế hoạch, hoạt động học tập và rèn luyện hàng ngày, như hướng dẫn con lập mục tiêu, thời gian biểu hoạt động, thay vì chỉ là người giám sát.
Việc này không những gia tăng sự gắn kết giữa cha mẹ và các con, mà còn tạo động lực, niềm vui cho trẻ thực hiện tốt các hoạt động. Giáo viên cũng tương tự cần kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ học trò hoàn thành các nhiệm vụ học tập của mình.
Cuối cùng, để sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình đạt hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn học từ xa này, việc cung cấp thông tin phản hồi 2 chiều là cực kỳ quan trọng. Học sinh ít tích cực tham gia học tập hay cha mẹ đôi khi lúng túng trong hỗ trợ các con, cũng bởi thông tin phản hồi nhận được từ giáo viên ít và gián tiếp.
Bình luận