Năm học mới 2022-2023 sắp bắt đầu trong bối cảnh số ca COVID-19 tăng trở lại tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó là dịch cúm A diễn biến bất thường hay số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết gia tăng tại một số địa phương phía Nam.
Chị Hà Lê có con trai năm nay vào học lớp 6 trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Long Biên, Hà Nội) cho biết, sau khi làm hồ sơ thủ tục nhập học, nhận lớp, cô giáo chủ nhiệm đã lập nhóm lớp trên Zalo và lấy ý kiến thăm dò phụ huynh học sinh về việc tiêm vaccine COVID-19.
Tuy nhiên, chị Hà Lê cũng khá băn khoăn trước quyết định cho con tiêm vaccine, bởi lo lắng về những phản ứng phụ có thể xảy ra sau tiêm với trẻ. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh có con nhỏ tuổi.
“Con tôi đã mắc COVID-19 và tôi cho rằng đây là một “mũi vaccine tự nhiên”. Bên cạnh đó, biến chủng mới hiện nay cũng có biểu hiện bệnh nhẹ hơn và COVID-19 cũng ít ảnh hưởng tới trẻ nhỏ nên tôi khá yên tâm. Điều tôi và người lớn trong gia đình chú trọng là hướng dẫn con các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi cần thiết, thường xuyên rửa sạch tay… để con bước vào môi trường cấp 2 có thể hòa đồng với các bạn và vẫn an toàn chống dịch”, chị Hà Lê chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thủy có con gái đang học tại trường Tiểu học Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) lại có suy nghĩ khác. Khi được nhà trường vận động, lấy ý kiến tiêm vaccine COVID-19, chị Thủy và gia đình đã nhất trí cho con gái đi tiêm. Theo chị Thủy, thời gian trước khi dịch giảm nhiệt, các hoạt động đời sống trở về “bình thường mới”, gia đình không có ý định cho con tiêm vaccine. Song thời gian qua khi số ca mắc có xu hướng tăng trở lại chị đã thay đổi quyết định.
“Con gái tôi tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 trong khoảng 3 tuần trước khi vào năm học mới. Khi thấy dịch có dấu hiệu tăng trở lại, tôi khá lo lắng, để an toàn cho con, tôi đã quyết định cho con đi tiêm. Nhà trường có công văn và đề nghị các lớp thông báo, vận động phụ huynh cho con đi tiêm. Qua quan sát tôi thấy, số lượng phụ huynh đưa con đi tiêm lần này nhiều hơn những lần trước. Hầu hết các phụ huynh đều lo ngại khi dịch bệnh tăng trở lại”, chị Thủy nói.
Trong những ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam có dấu hiệu tăng mỗi ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một phần con số này là những ca mắc tích luỹ mới được cập nhật lên hệ thống thống kê. Báo cáo mới nhất của Bộ Y tế ngày 16/8 cho biết, trong ngày có hơn 5.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Cả nước có 90 ca đang điều trị phải thở oxy, không có trường hợp nặng phải chạy ECMO.
Đến nay, trên cả nước đã tiêm hơn 21 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, trong đó, hơn 3,8 triệu liều tiêm mũi 3. Với trẻ từ 5-11 tuổi, đã tiêm hơn 13,6 triệu liều vaccine, gồm hơn 8,5 triều liều mũi 1 và hơn 5 triệu liều mũi 2.
Điều kiện cần để năm học mới khai giảng an toàn
Để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023, bên cạnh cơ sở vật chất, các nhà trường tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như COVID-19, cúm A, sốt xuất huyết… Cô Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhà trường luôn bám sát chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, đồng thời phối hợp với cơ quan y tế cơ sở để vận động và tổ chức tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh.
“Từ trong Hè, nhà trường đã liên tục lấy ý kiến và vận động phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm vaccine COVID-19. Tình hình dịch đã hạ nhiệt, song trong nhà trường vẫn hướng dẫn học sinh các biện pháp cần thiết như sát khuẩn tay, đeo khẩu trang khi cần thiết để đảm bảo 2K… Ngoài COVID-19, dịch cúm A cũng lây qua đường hô hấp theo đó các biện pháp này vẫn rất cần thiết”, cô Hạnh nói.
Cũng theo cô Hạnh, nhà trường thông qua giáo viên chủ nhiệm đã tăng cường truyền thông, gửi video tuyên truyền về tầm quan trọng của việc tiêm vaccine COVID-19, cũng như lịch tiêm tới các gia đình.
Theo đó, các thầy cô giáo đã lập danh sách học sinh và theo dõi chặt chẽ số lượng học sinh đã tiêm các mũi 1, 2, 3 hay học sinh bị mắc COVID-19. Với những trường hợp học sinh có bệnh lý nền, nhà trường cũng đã có danh sách và phối hợp chặt chẽ với Trạm y tế phường để giải đáp các thắc mắc về tiêm chủng tới các bậc phụ huynh còn băn khoăn, đồng thời tư vấn thời điểm tiêm cho các trường hợp học sinh bị dị ứng, vừa mắc COVID-19 hay một số trường hợp đang dùng kháng sinh...
“Nhà trường, Trạm y tế phối hợp với gia đình theo dõi sát tình hình sức khoẻ của các học sinh để đảm bảo khi tiêm vaccine phải đạt tỷ lệ an toàn cao nhất. Theo kế hoạch, hôm nay (17/8), trường THCS Bế Văn Đàn sẽ là điểm tiêm vaccine COVID-19 cho gần 1.000 học sinh của 16 trường THCS công lập, 4 trường THCS ngoài công lập và 8 trường THPT trên địa bàn quận Đống Đa”, cô Hạnh cho biết thêm.
Đến nay có hơn 60 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, với vaccine Pfizer được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép chính thức tiêm cho trẻ em. Theo các chuyên gia, việc tiêm vaccine không những giúp bảo vệ trẻ mà còn giúp giảm đi sự lây nhiễm với những đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng, giảm nguy cơ lây cho bạn học tại trường, cho người cao tuổi trong gia đình... Đồng thời, tiêm vaccine cũng giúp trẻ có thể tự tin, thoải mái tham gia các hoạt động ngoài trời.
“Đến thời điểm này, đã có rất nhiều trẻ em được tiêm vaccine COVID-19 và không có nhiều trường hợp ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm, cũng như kết nào về phản ứng lâu dài. Trẻ mắc COVID-19 thường ít có triệu chứng và triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn nhưng, trẻ có thể mắc có hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Do vậy tiêm vaccine cho trẻ em để phòng bệnh là cần thiết. Với những trẻ có bệnh nền, có yếu tố nguy cơ cần tham khảo ý kiến bác sĩ, khám sàng lọc kỹ trước khi tiêm”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo.
Bình luận