Video: Cô giáo đồng ý bán suất học trái tuyến vào lớp 1 với giá 15 triệu
“Do chuyển nhà xa không có người đưa đón, mình muốn nhượng lại suất học trái tuyến vào lớp 1 Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội). Thật sự rất tiếc vì cơ sở vật chất và chất lượng trường quá tốt. Mẹ nào có nhu cầu inbox hộ mình”, chị P.Th. viết trên fanpage "Hội các mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1".
Trong vai người nhà có con chuẩn bị vào lớp 1 nhưng chưa tìm được “cửa chạy”, phóng viên liên hệ với P.Th. Người nhận là phụ huynh này cho biết nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội, xin học trái tuyến vào trường Trung Tự với giá 15 triệu đồng/suất, đã bao gồm phí chạy KT3. Tuy nhiên, gia đình chuyển sang quận Long Biên nên muốn nhượng lại suất.
Theo P.Th., đây là suất của giáo viên nên chắc chắn, đồng thời hướng dẫn cách liên hệ, "cứ bảo chị Th. giới thiệu". Người phụ nữ đề nghị chúng tôi sớm qua trường gặp trực tiếp giáo viên vì “chốt danh sách vào 31/5”.
Trên diễn đàn mạng khác, một người đàn ông muốn nhượng lại suất học lớp 1 Tiểu học Nguyễn Du (Hàng Tre, Hà Nội). Anh nói đã mua suất vào trường giá 25 triệu đồng nhưng do chuyển nhà nên đồng ý "sang tên" giá 22 triệu.
Người này hứa sẽ hẹn trước giáo viên, khách có nhu cầu chỉ cần mang theo hồ sơ (bản sao giấy khai sinh, hộ khẩu, mã số học sinh...), anh sẽ dẫn đến gặp cô giáo để làm việc. Trước nghi ngờ của phóng viên, anh khẳng định mình là phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 chứ không phải “cò” chạy học.
Giáo viên ra giá 15 triệu đồng/suất học
Trong vai phụ huynh đi xin học trái tuyến cho con, phóng viên Zing.vn liên hệ với cô giáo A. (tên nhân vật đã thay đổi). Khi biết được chị P.Th. giới thiệu, cô A. đồng ý gặp và hẹn đến Tiểu học Trung Tự trao đổi.
Nữ giáo viên cho biết mình đã vào biên chế, làm việc lâu năm tại trường nên được một suất học. Xin cho con vào trái tuyến thường có mấy cách: Quan hệ từ phòng, sở giáo dục và giáo viên. Nếu nhờ trên phòng và sở, giá cao hơn và giờ đơn trái tuyến cũng hết. Còn làm việc với giáo viên, cô giáo sẽ lo cho học sinh khi vào trường.
Nói về suất học được rao bán trên mạng, cô A. cho hay đã bán từ tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, người mua chuyển nhà sang quận khác, xa trường nên con không thể theo học. Với những trường hợp như vậy, phụ huynh sẽ mất tiền hoặc tự đi tìm người khác để "sang tên". Vì chỗ thân quen, cô đã trả lại tiền cho phụ huynh và tìm mối để bán lại.
Nữ giáo viên cho biết xin trái tuyến vào Tiểu học Trung Tự năm nay rất khó vì trường mới xây "trông như khách sạn", tất cả phòng học đều có điều hòa, máy chiếu... Do đó, với giá 15 triệu đồng, “không người này sẽ có người khác mua”.
Nếu đồng ý mua, phụ huynh trả một lần 15 triệu đồng và chuẩn bị bản sao hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú dài hạn - KT3), bản sao giấy khai sinh, mã số học sinh.
"Thông thường, học sinh phải có hộ khẩu Hà Nội nên em nào chỉ có KT3, tôi phải trích ra 2 triệu đồng để lo liệu. Chỉ có đơn học theo giáo viên mới xin theo KT3 được, đi theo "cửa" phòng, sở sẽ bị gạt hết", cô A. cho biết thêm.
Theo lời nữ giáo viên, do trường có ngày tuyển sinh riêng cho trái tuyến nên sau 31/5, cha mẹ học sinh đưa giấy tờ gốc đối chiếu và chờ nhập học vào ngày 15/8.
Trường khẳng định không có việc bán suất?
Làm việc với Zing.vn ngày 29/5, bà Nguyễn Thị Hồng Điệp - Phó hiệu trưởng Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) - cho biết hiện trường chưa có chỉ tiêu hay kế hoạch tuyển sinh cho năm học mới. Ban tuyển sinh nhà trường chưa họp, chưa phân nhiệm vụ nên không có chuyện phát đơn trước hay có ngày tuyển sinh riêng cho trái tuyến.
Việc tuyển sinh đúng tuyến sẽ được thực hiện theo hình thức online như quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội vào đầu tháng 7. Nếu còn chỉ tiêu, trường sẽ xét trái tuyến.
“Ví dụ, trường có 200 chỉ tiêu vào lớp 1, sau khi tuyển đúng tuyến được 180 cháu, còn lại 20 cháu là tuyển trái tuyến”, bà Điệp nói và khẳng định tuyển sinh trái tuyến cũng phải theo quy định của Sở GD&ĐT.
Theo bà phó hiệu trưởng, trường không hề có tình trạng mua bán suất học trái tuyến như lời cô A. Nếu nhận được đề nghị muốn mua suất học cho con, ban giám hiệu cũng từ chối, bởi chưa có kế hoạch tuyển sinh.
"Con, cháu giáo viên trong trường sẽ được ưu tiên trong đợt tuyển sinh bổ sung nếu còn chỉ tiêu nhưng cần giấy khai sinh để chứng minh mối quan hệ", bà Điệp nói thêm.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, bà Bùi Thị Diệu Ngọc - Hiệu trưởng Tiểu học Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - cho hay trường đang lập kế hoạch tuyển sinh, phải báo cáo, lập tờ trình gửi Phòng Giáo dục để tuyển sinh theo kế hoạch của UBND quận Hoàn Kiếm và Sở GD&ĐT Hà Nội.
Bà Ngọc khẳng định trường chưa tuyển sinh nên không thể có đơn, suất để bán như thông tin được đăng trên mạng.
Quá tải lứa "rồng vàng", phụ huynh xin học từ trước Tết
Tiếp tục trong vai phụ huynh tìm chỗ học cho con vào lớp 1, phóng viên đã đến Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn (quận 7, TP.HCM). Vừa vào trường, bảo vệ cho biết một số phụ huynh cũng đang vào xin học cho con. Khi biết chúng tôi muốn xin cho con suất học trái tuyến, lễ tân hướng dẫn lên gặp hiệu trưởng.
Vừa thấy có người vào phòng, Hiệu trưởng Phạm Thanh Nam đã hỏi hộ khẩu ở đâu, vì sao muốn xin sang trường này và có quen biết ai không? Khi chúng tôi nói không có mối quan hệ, không có hộ khẩu ở quận 7, ông cho biết không thuộc diện ưu tiên trong danh sách trái tuyến.
Theo ông Nam, năm nay, trường có 250 chỉ tiêu tuyển sinh, khoảng một nửa là trái tuyến. Đối tượng tuyển sinh được ưu tiên là con giáo viên trong trường, rồi đến con em cán bộ của phường, quận, thành phố, sở; tiếp đến là phụ huynh đang có con học ở trường; thứ ba là đúng tuyến và cuối cùng đến trái tuyến.
Vị hiệu trưởng này nói có hơn 250 người đến đăng ký xin cho con suất trái tuyến. Rồi ông ghi lại thông tin học sinh, phụ huynh và cho biết đến thời điểm tuyển sinh trường sẽ gọi điện thông báo.
Còn bà Nguyễn Đoàn Thúy Hiền - Phó hiệu trưởng nhà trường - nói năm nay lứa "rồng vàng" - sinh năm 2012 - vào lớp 1. Biết trước tình hình tuyển sinh căng thẳng, nhiều phụ huynh đăng ký từ trước Tết Nguyên đán, bây giờ mới đến xin học là quá muộn.
Bà Hiền nói phụ huynh có thể tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí cho quỹ hoạt động, xây dựng trường (áp dụng cho cả đúng tuyến và trái tuyến). Đây là khoản đóng góp chính đáng, có phiếu thu và sẽ được dùng để phục vụ nâng cao điều kiện học tập của học sinh.
Khi được hỏi đóng góp bao nhiêu để được ưu tiên, nữ hiệu phó bảo hỏi trực tiếp hiệu trưởng, chứ nghe người ở ngoài không chính xác. Tuy nhiên, ông Nam nói khi nào học sinh đi học, phụ huynh mới đóng góp tự nguyện, chứ đóng trước khác gì "chạy trường" và không nhận.
Năm 2018, lứa học sinh "rồng vàng" - sinh năm Nhâm Thìn, 2012 - vào lớp 1; Đinh Hợi - "lợn vàng", 2007 - vào lớp 6 và Quý Mùi - "dê vàng", 2003 - vào lớp 10.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số trẻ vào lớp 1 trên địa bàn tăng khoảng 20.000 em, học sinh vào lớp 6 tăng 11.000 em và lớp 10 tăng khoảng 24.000 em so với mọi năm.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đưa ra các số liệu, năm học 2018-2019, thành phố tăng 60.000 em từ tiểu học đến THPT. Trong đó, tiểu học và THPT là bậc học có tỷ lệ tăng cao, trung bình hơn 20.000 học sinh. Bậc tiểu học tăng gấp đôi năm ngoái.
Để con được vào trường tốt, nhiều phụ huynh sẵn sàng chi hàng nghìn USD để "lót tay". Tuy nhiên, nhiều trường hợp tiền mất, tật mang.
Bình luận