Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh lớp 6, tiểu học, mầm non sẽ trở lại trường. Khác với khối đã trở lại trường trước đó, đây là những học sinh trong lứa tuổi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nhiều phụ huynh cho biết họ không quá lo lắng vấn đề trẻ có thể nhiễm bệnh ở trường. Các quận cũng ghi nhận tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cao với phương án trở lại trường sau Tết.
Quay lại trường học là chuyện cấp bách
Thời gian qua, chị Lê Thị Trang (Thủ Đức, TP.HCM) nóng lòng chờ quyết định cho trẻ đi học của thành phố, bởi thời gian dài học online khiên con chị nảy sinh nhiều vấn đề.
Đầu năm học, chị Trang gửi con trai lớn (lớp 4, trường Tiểu học Lê Văn Việt, Thủ Đức) về quê ngoại học online vì vợ chồng phải đi làm, không có thời gian quản lý. Thời gian đầu, bé học tốt nhưng gần đây, người thân phát hiện bé mở phim hoạt hình xem ngay trong giờ học online, mắt cũng có biểu hiện yếu đi.
“Nghe người thân ở quê báo tình hình, tôi rất nóng ruột, mong sớm đón con vào đi học. Tôi vừa về quê ăn Tết vừa để đón con lên thành phố. Lớp của bé cũng có hơn 90% phụ huynh đồng ý cho con đi học lại", chị Trang nói.
Nữ phụ huynh cho hay trước đây con trai học tốt môn Tiếng Anh. Nhưng gần đây đến cả môn sở trường, con cũng không còn hứng thú; Toán, Tiếng Việt lại càng tệ hơn.
"Tôi thấy việc mất hứng thú học tập là vấn đề nghiêm trọng. Từ một bạn năng nổ, thường xuyên đặt câu hỏi ngoài lề mở rộng bài học, con bị cô giáo nhận xét trầm, không còn hứng thú học nên mong đón bé về rồi 'gò' lại theo nề nếp", nữ phụ huynh chia sẻ.
Chị Trang còn con gái út 5 tuổi, thời gian qua gửi người quen là bảo mẫu của trường tiểu học. Từ ngày 7/2, các cô cũng phải đi làm lại nên chắc chắn chị phải cho con đến trường.
Là người bỏ phiếu đồng ý cho con học lớp 3 trở lại trường từ sớm, chị Phạm Thu Thảo (quận Bình Thạnh) mong ngóng từng ngày. Con đầu của chị Thảo học lớp 3, hai bé sau lần lượt 5 tuổi và 2 tuổi. Sau kỳ nghỉ Tết, chị sẽ cho cả 3 con đến trường, lớp giữ trẻ.
"Vừa qua, bé 2 tuổi trở thành F0, thấy con cũng 'lướt' qua rất nhanh nên mình không quá lo sợ về vấn đề dịch bệnh hay nguy cơ lây nhiễm. Hơn nữa, thời gian qua, khi có các ca F0, các trường đều xử lý an toàn, không có lây nhiễm trong trường học nên mình cũng yên tâm phần nào", chị Thảo nói.
Con lớn học lớp 3 được chị đánh giá cần phải kèm thêm nhiều. “Đợt các trường khảo sát ý kiến phụ huynh để cho con đi học từ ngày 13/12/2021, chỉ 1/3 lớp đồng ý. Tôi nằm trong nhóm đồng ý cho con đi học vì học online ở nhà quá lâu rồi, sợ con hổng kiến thức", chị chia sẻ.
Thời gian trường học đóng cửa, con nhỏ 2 tuổi được chị gửi cô giáo mầm non gần nhà với chi phí 4 triệu đồng/tháng. Nếu con đi học lại, học phí mỗi tháng khoảng 2-2,5 triệu đồng. Gia đình chị sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí.
Chị Lương Định (quận Tân Phú) cho biết chị và gia đình đang phân vân tìm trường mầm non để gửi bé 14 tháng tuổi sau Tết.
"Cho bé đi học và chấp nhận nguy cơ lây bệnh từ bạn cũng tương tự mình đi làm, tiếp xúc nhiều người, có thể mắc COVID-19 và lây cho con. Hiện tại, TP.HCM là vùng xanh và mọi người đều đã tiêm vaccine nên mình không quá lo lắng. Thêm nữa, nếu chẳng may bé mắc bệnh, cơ thể sẽ xây dựng được hệ miễn dịch tốt hơn", chị chia sẻ về quyết định của mình.
Theo chị Định, khi trẻ mầm non đến trường, vấn đề tự tầm soát, phối hợp của phụ huynh là quan trọng nhất. Vì chắc chắn, trẻ mầm non phải vui chơi, tiếp xúc cô, bạn bè và không thể đeo khẩu trang suốt thời gian ở trường.
Phụ huynh đồng thuận cao
Thông tin tại cuộc họp giao ban Covid-19 của Sở GD&ĐT TP.HCM mới đây, đại diện phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho biết địa phương đang thẩm định phương án an toàn phòng chống dịch khi đón học sinh đi học trực tiếp của các trường tiểu học, mầm non. Trong đó, nhiều trường tiểu học có kế hoạch tổ chức hoạt động căng tin, bán trú với tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh cao.
Ông Đặng Nguyễn Thịnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận 7, thông tin để chuẩn bị đón học sinh các khối lớp còn lại đi học trực tiếp sau Tết, các trường đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh. Tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con trở lại trường ở bậc mầm non, tiểu học và khối 6 lần lượt là gần 50%, 79% và hơn 83%, cao hơn nhiều so với những lần khảo sát trước.
Tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh về việc tổ chức bán trú với tiểu học là 69,8%, mầm non là 60,08%.
“Trước đây chỉ có một vài trường tổ chức bán trú tuy nhiên sau Tết, các trường sẽ phải mở lại bán trú, tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh”, ông Thịnh nói.
Theo bà Trần Đức Hạnh Quỳnh, Phó trưởng phòng GD&ĐT quận 1, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con đi học ở quận này lần lượt là 59% với bậc mầm non, 81,15% với bậc tiểu học và 50,7% với khối 6.
“Các trường THCS cũng đã chủ động lấy ý kiến phụ huynh về tổ chức bán trú, tỷ lệ đồng thuận trên 60%. Trong suốt 2 tuần tổ chức dạy học trực tiếp từ khối 7 đến 12, quận 1 không xuất hiện F0 trong trường học. Đây là một trong những cơ sở để phụ huynh thêm tin tưởng, các trường cũng thuận lợi khi tổ chức đón học sinh”, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh chia sẻ.
Củ Chi - địa phương gặp khó trong những lần mở cửa trường học trước đây vì phụ huynh không đồng thuận - cũng ghi nhận tỷ lệ phụ huynh tán thành cao.
Ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, nói kết quả khảo sát của các trường cho thấy tỷ lệ này ở bậc tiểu học là 78,8%, mầm non 78,25%, lớp 6 tỷ lệ cũng tương đương. So với kết quả khảo sát trước đây, tỷ lệ đồng thuận lần này đã vượt trội.
“Tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh là thuận lợi để các trường đón học sinh trở lại trường. Trường nào có cơ sở vật chất tốt, đảm bảo tiêu chí phòng chống dịch khi tổ chức căng tin, bán trú thì sẽ thực hiện trước. Trường nào chưa hoàn thiện thì tổ chức sau, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh, học sinh khi đi học trực tiếp”, ông Toản thông tin.
Ngày 7/2, học sinh lớp 7-12 ở TP.HCM trở lại học tập bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Từ 10/2 đến 13/2, các trường tiểu học, mầm non họp phụ huynh, học sinh, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn; tập huấn phòng, chống dịch cho giáo viên, nhân viên.
Từ 14/2, các trường bắt đầu đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, trên tinh thần tự nguyện.
Bình luận