UBND thành phố Hải Phòng quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho khối trường công lập.
Các khoản thu theo định kỳ gồm: Mua sắm thiết bị phục vụ bán trú; học và thi nghề phổ thông; nước uống.
Các khoản thu theo tháng như: tiền ăn, hỗ trợ người nấu ăn; chăm sóc bán trú; quản lý trẻ/ học sinh ngoài giờ hành chính; trông ngày thứ 7, dạy học 2 buổi/ ngày…
Địa phương này yêu cầu các trường công lập phải sử dụng chứng từ thu (phiếu thu tiền mặt có ký xác nhận của cha mẹ học sinh hoặc ký xác nhận nếu thanh toán trực tuyến).
Sở GD&ĐT Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, thu đủ chi, sử dụng đúng mục đích khoản thu, tiết kiệm, hiệu quả. Các khoản thu phải được công khai rộng rãi đến toàn thể hội đồng sư phạm, tất cả phụ huynh và học sinh toàn trường.
Sở yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp không được phép thay mặt ban đại diện cha mẹ học sinh để thu quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu quỹ lớp.
Sở GD&ĐT nhấn mạnh, không sử dụng quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh để chi: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường. Không mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Sở GD&ĐT Tiền Giang quy định chi tiết các khoản thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú. Khoản thu chính, gồm: Học phí; thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; các khoản thu tiền của lớp bán trú (tiền ăn, xà phòng, giấy vệ sinh, khăn, nước…), tiền công bảo mẫu, cấp dưỡng; các khoản mua sắm đồ dùng học tập, phục vụ bậc học mầm non; quần, áo đồng phục, quần, áo thể dục.
Sở GD&ĐT Nam Định quy định chi tiết các khoản thu năm học 2022 - 2023. Cụ thể, tiền nước uống cho học sinh thu tối đa 10.000 đồng/tháng. Khoản thu dịch vụ vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học có mức thu tối đa 18.000 đồng/tháng.
Khoản thu dịch vụ như chăm sóc trẻ ngày thứ bảy và trong thời gian nghỉ hè: 30.000 đồng/ngày. Dạy kỹ năng sống trong trường mầm non và tiểu học là 4.000 đồng/học sinh/tiết với nông thôn và 5.000 đồng/học sinh/tiết với thành phố.
Về vấn đề dạy thêm, học thêm văn hoá; dạy kỹ năng sống trong các trường THCS quy định: nông thôn thu 4.000 đồng/học sinh/tiết; thành phố thu 5.000 đồng/học sinh/tiết. Với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên thu 5.000 đồng/học sinh/tiết ở nông thôn; còn ở thành phố thu 6.000 đồng/học sinh/tiết.
Tiền quản lý, chăm sóc trẻ buổi trưa ăn bán trú và ngoài giờ hành chính đối với trường mầm non và tiểu học: mức thu tối đa: 6.000 đồng/ngày.
Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu các trường phải xây dựng dự toán thu, chi đồng thời tổ chức công khai, thống nhất và thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh. Các trường cần cắt giảm tối đa các chi phí, tiết giảm các khoản thu dịch vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục chưa thực sự cấp bách và cần thiết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “lạm thu’’ đầu năm học.
Phòng GD&ĐT có trách nhiệm thống kê và tổng hợp các khoản thu đầu năm học của các trường trên địa bàn, báo cáo UBND các huyện, thành phố và Sở GD&ĐT trước ngày 1/10. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lạm thu.
Sở GD&ĐT Đắk Lắk cũng ban hành văn bản hướng dẫn các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học này. Sở này quy định chi tiết từng khoản thu, kể cả thu hộ; quy định mức chi và khấu trừ đối với các khoản. "Nếu thủ trưởng các đơn vị tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định", Sở GD&ĐT nêu rõ.
Ngày 29/8, Bộ GD&ĐT gửi công văn yêu cầu Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu, chi đầu năm học. Mặc dù ngành GD&ĐT quy định rất rõ về các khoản nhà trường được phép và không được phép thu nhưng tình trạng lạm thu vẫn luôn là vấn đề khiến phụ huynh trăn trở mỗi đầu năm học mới.
Ngày 30/8, nhiều phụ huynh có con học tại trường THPT Lê Chân phản ánh việc nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp xây trạm biến áp khoảng 1 tỷ đồng phục vụ trực tiếp cho giáo viên, học sinh.
Ngày 17/9, phụ huynh có con học tại trường THPT dân lập Văn Lang (Hà Nội) phản ánh việc nhà trường yêu cầu học sinh nộp 1,5 triệu đồng/tháng tiền học phí và thêm 4,5 triệu đồng/học kì cho các khoản thu như: Phí phát triển trường hàng kì (2,5 triệu đồng); quỹ phụ huynh trường (200.000 đồng); tiền điện, nước uống tinh khiết (300.000 đồng); quỹ phụ huynh lớp (1 triệu đồng)…
Phí phát triển trường hàng kì được chia nhỏ nhiều mục khác nhau bao gồm: Tiền hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường, hỗ trợ vệ sinh, an ninh khuôn viên trường “xanh-sạch-đẹp” (1,5 triệu đồng/học sinh/học kì); phí trông giữ xe học sinh phải nộp nếu đi xe máy sẽ 500.000 đồng/em/học kì và 350.000 đồng/học sinh/học kì với xe đạp.
Tiếp đó ngày 18/9, phụ huynh lớp 1 trường Tiểu học Thạch Linh (phường Thạch Linh, Hà Tĩnh) phản ánh nhà trường thông báo mỗi học sinh phải đóng 1.680.000 đồng bao gồm tiền bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng, tivi, tủ đựng tài liệu của giáo viên... Ngoài ra, mỗi em đóng 28.000 đồng/ngày tiền ăn bán trú và 200.000 đồng/tháng tiền phục vụ ăn bán trú. Tổng các khoản bao gồm quỹ lớp là 2 triệu đồng, trừ học sinh nhà nghèo đóng ít hơn.
Bình luận