• Zalo

Phụ huynh đánh đập, ép giáo viên quỳ có thể bị phạt tù 3 năm

Giáo dụcThứ Năm, 29/03/2018 12:22:00 +07:00Google News

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, phụ huynh đánh đập, xúc phạm giáo viên có thể bị phạt 3 năm tù, ngược lại, thầy cô bạo hành học sinh cũng sẽ bị xử lý như công dân khác.

Thời gian gần đây, 3 vụ việc mâu thuẫn giáo viên và phụ huynh xảy ra trong trường học. Trao đổi với Zing.vn, luật sư Vũ Tiến Vinh - Công ty luật Bảo An, Hà Nội, chia sẻ góc nhìn về hành vi giáo viên ép quỳ học sinh, phụ huynh đánh đập giáo viên dưới góc nhìn pháp luật. 

Lo ngại còn tiếp diễn bạo lực học đường

- Ông đánh giá thế nào về hiện tượng giáo viên đánh học sinh và ngược lại phụ huynh xúc phạm, bạo lực với giáo viên thời gian gần đây?

Có lẽ chưa bao giờ chúng ta chứng kiến nhiều sự việc phụ huynh đánh đập, làm nhục giáo viên nghiêm trọng trong thời gian ngắn như vậy.

Những sự việc này đã làm rạn nứt truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Nó làm cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh nhìn nhận các vấn đề mà trước đây vốn là bất thường, mang tính cá biệt, thì nay trở thành bình thường.

Các em sẽ khó mà cảm nhận một cách sâu sắc truyền thống tôn sư trọng đạo là thế nào. Các chuẩn mực ứng xử với thầy cô giáo đang bị chà đạp, phá vỡ một cách khủng khiếp.

Để hình ảnh thầy cô trở về vị trí cao quý, được tôn kính thì pháp luật chỉ là công cụ giải quyết phần ngọn. Nhà nước và xã hội cần có giải pháp mang tính chiến lược, có tính hệ thống, phù hợp nhận thức, điều kiện kinh tế xã hội trong thời đại ngày nay. Nếu chúng ta không làm được điều đó, e rằng trong nhiều năm tới, những hiện tượng này sẽ còn tiếp diễn.

luat-su-vu-tien-vinh

Luật sư Vũ Tiến Vinh - Công ty luật Bảo An, Hà Nội. Ảnh: NVCC.  

- Pháp luật quy định hành vi đánh đập, xúc phạm giáo viên sẽ chịu mức phạt như thế nào?

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi hành hung, xúc phạm thầy cô giáo có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích và/hoặc tội làm nhục người khác.

Trường hợp vì những nguyên cớ nhỏ nhặt mà hành hung, xúc phạm thầy cô giáo thì có thể bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội có tính chất côn đồ.

Mức hình phạt trong các trường hợp này không lớn (đến 3 năm tù), và nếu phạm tội ở khoản 1, người vi phạm cũng chỉ bị khởi tố khi có yêu cầu của bị hại.  

Trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính.

Thực tế, một số thầy cô cũng muốn sự việc sớm kết thúc do nhận thấy mình cũng có một phần lỗi và mong muốn được sớm tiếp tục giảng dạy nên không yêu cầu pháp luật khởi tố. Do vậy, trên thực tế, chưa nhiều những hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Ngược lại, giáo viên tát học sinh, bắt học sinh quỳ gối, sẽ bị xử lý ra sao?

Những hành vi này cũng rất cần lên án bởi rõ ràng với những chuẩn mực mới hiện nay, việc tát, bắt học sinh quỳ… là bạo lực học đường, phản giáo dục, vi phạm các quy định của ngành, cũng như vi phạm các quy định của pháp luật.

Xét về khía cạnh nào đó, đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ việc hành hung của phụ huynh đối với giáo viên. Giáo viên trong các trường hợp này vô tình đóng vai trò “châm ngòi” cho vụ việc.

Trên phương diện pháp luật, thầy cô giáo vi phạm cũng sẽ bị xem xét trách nhiệm bình đẳng như các công dân khác. Tuy nhiên, hành vi của thầy cô cũng chỉ ở mức độ nhất định và thông thường là chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

phu-huynh-danh-giao-vien

Lớp học nơi xảy ra việc phụ huynh đánh giáo viên thực tập tại trường Mầm non Việt - Lào, Nghệ An. (Ảnh: P.H.)

Pháp luật cần được bổ sung

- Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều sự việc giáo viên bị đánh xảy ra trong trường học. Phải chăng mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe hay người dân thiếu hiểu biết pháp luật?

Luật pháp đã quy định rất đầy đủ về trách nhiệm pháp lý đối với hành vi hành hung, làm nhục người khác. Những sự việc xảy ra đối với thầy cô giáo trong thời gian gần đây không có yếu tố pháp luật đóng vai trò là nguyên nhân chính.

Tuy nhiên, có lẽ, pháp luật cũng cần bổ sung tình tiết tăng nặng nếu người bị hành hung, làm nhục là thầy cô giáo đang dạy dỗ con của người phạm tội. Có như vậy, pháp luật mới bám sát được cuộc sống.

- Nhiều vụ việc giáo viên bị phạt quỳ, đánh đập, xúc phạm nhân phẩm ngay trong trường học. Nhà trường cần bảo vệ giáo viên như thế nào để họ có môi trường làm việc an toàn?

Phần lớn vụ việc gần đây đều cho thấy giáo viên còn rất hạn chế, non kém về phương pháp sư phạm nên mới dẫn đến việc phụ huynh bức xúc.

Do vậy, biện pháp căn bản là thầy cô giáo phải tự rèn luyện, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để có đủ khả năng đứng lớp, xử lý hiệu quả vấn đề khó trong lớp học. Nhà trường cần phải tổ chức tập huấn để thầy cô có điều kiện nâng cao trình độ, khả năng đáp ứng trong môi trường mới.

- Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT sau hàng loạt vụ việc trên như thế nào? Bộ GD&ĐT nên có hướng đi gì để giảm thiểu sự việc bạo hành trong giáo dục?

Những sự việc nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, lỗi không hoàn toàn thuộc về Bộ GD&ĐT. Đơn cử, sĩ số lớp học có khi lên đến 60 cháu, phòng học chật chội, áp lực thành tích vẫn còn đè nặng, mức đãi ngộ thấp… thì khó có thể yêu cầu giáo viên hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kèm cặp, dạy dỗ chứ không thể ỷ lại vào nhà trường. Thói quen của trẻ được hình thành từ gia đình. Do vậy, nếu trẻ đã hình thành những thói quen xấu, thiếu tích cực, thầy cô khó có thể uốn nắn để trẻ trở nên tiến bộ hơn với những điều kiện hiện nay.

Trước mắt, Bộ GD&ĐT cần chỉ thị, quán triệt đến từng trường, thầy cô những việc không được làm để hạn chế vụ việc tương tự. Về lâu dài, chúng ta cần có những giải pháp để khắc phục phần gốc của vấn đề như tôi đã nêu trên.

Ngày 28/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, dẫn đầu đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ GD&ĐT và tiến độ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.

Một trong 6 vấn đề Thủ tướng lưu ý Bộ GD&ĐT là nhức nhối của xã hội liên quan đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên.

“Bộ lên tiếng thế nào, cảnh báo thế nào, thái độ thế nào để việc này chấm dứt? Chúng ta rất buồn khi học sinh lớp 8 ở Bến Tre lên bục giảng hành hung giáo viên, xưa không có chuyện đó, mặc dù trước đây giáo viên dạy dỗ, rèn luyện học sinh rất khắt khe. Rồi các vụ việc ở trường Tiểu học Bình Chánh, giáo viên phạt học sinh quỳ rồi phụ huynh bắt giáo viên quỳ lại; rồi vụ việc bắt giáo viên đang có thai phải quỳ… Đây là những câu chuyện mà xã hội không thể chấp nhận được với một nghề cao quý là nhà giáo”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Video: Phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối bị đề nghị kỷ luật

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn