Thời gian qua tại Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước, vào đầu giờ sáng hoặc cuối buổi chiều hằng ngày, người đi đường thường xuyên bắt gặp những hình ảnh phụ huynh đưa đón con nhỏ đến trường hoặc về nhà thản nhiên không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, thậm chí vượt đèn đỏ,…vi phạm luật giao thông.
Nếu chỉ là những lỗi hiếm gặp, phụ huynh có thể ngụy biện rằng do vội vàng không để ý, hay lâu ngày quên luật. Thế nhưng những lỗi cha mẹ rất thường xuyên mắc phải trước mặt con như những hành vi trên thì rất khó để biện minh cho hành vi của mình được.
Theo quy định của pháp luật, trẻ em từ 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thế nhưng rất ít phụ huynh thực hiện điều này. Tại các cổng trường học, có thể thấy nhiều bậc phụ huynh vô tư đèo con kẹp 3, kẹp 4, và không hề đội mũ bảo hiểm cho cả người điều khiển và người ngồi đằng sau phương tiện. Bên cạnh đó, ngay tại các cổng trường học cũng thường diễn ra tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông. Nguyên nhân xuất phát từ việc phụ huynh đến đón con đã dừng, đỗ phương tiện lộn xộn, sai quy định, lấn chiếm lòng đường.
Em Nguyễn Thị Tuyết, học sinh trường THCS Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Em thường xuyên thấy người lớn đi sai luật, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Đặc biệt là khi đến trường đưa đón các bạn, nhiều phụ huynh chẳng hề đội mũ cho các bạn, thậm chí cứ đi ngược chiều, vượt đèn đỏ trước mặt CSGT. Nhiều bạn còn nói với em, việc không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều hay vi phạm luật trên đường là chuyện bình thường”.
Theo ông Bùi Trọng Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội), đối với trẻ nhỏ, việc tiếp thu và bắt chước thực hiện hành vi của người lớn là vô cùng nhanh chóng. Về lâu về dài, sự tương tác đó lặp đi lặp lại, thì sẽ ăn sâu vào ý thức của trẻ, các bước xử lý đối với các tính huống thực tế cũng nhanh hơn, tạo nên tính cách của chúng sau này. Có thể nói rằng con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ.
"Hiện nay, tại trường học của các con tôi kiến thức về an toàn giao thông đã được đưa vào giảng dạy thường xuyên trong nhà trường, nhiều khi chúng tôi còn được yêu cầu ký cam kết nhưng hiệu quả đôi lúc không đủ bù đắp cho suy nghĩ lệch lạc của trẻ em khi chứng kiến phụ huynh vi phạm giao thông. Nhiều khi tôi đưa đón con trong lúc dừng đèn đỏ, con tôi hồn nhiên nói, cần gì phải dừng chờ đèn đỏ, bố em mẹ các bạn vẫn vượt qua có sao đâu. Nhà trường có dày công bao nhiêu cũng không thể xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh nếu gia đình, phụ huynh cứ "vô tình phá" như hiện nay", ông Bùi Trọng Thắng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, Thượng tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục CSGT (C08 - Bộ Công an) cho biết, vi phạm các quy tắc an toàn giao thông có thể dẫn tới những hậu quả đau lòng. Theo thống kê, hàng năm, tại Việt Nam, trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông là rất lớn, trong đó nguyên nhân xuất phát đều từ những hành vi vi phạm luật giao thông. Ngày nay, việc giáo dục con cái tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông không chỉ để hướng các con trở thành những công dân tốt, mà hơn hết còn là để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Theo Thượng tá Phạm Quang Huy, thanh thiếu niên, trẻ em là nhóm dễ bị tập nhiễm các thói hư tật xấu nhất do chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm sống, tính trẻ ham học hỏi, hay bắt chước. Đối với các em, môi trường sống đóng vai trò quan trọng nhất, cha mẹ, người thân chính là những tấm gương gần gũi, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất. Phụ huynh có văn hóa giao thông, các em sẽ coi đó là mục tiêu để phấn đấu đạt được; phụ huynh hay vi phạm, ích kỷ khi tham gia giao thông, các em sẽ coi đó tất yếu của cuộc sống, cần học theo.
“Việc phụ huynh đưa đón con vi phạm luật giao thông trước tiên sẽ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và dễ dẫn đến tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho chính phụ huynh, ảnh hưởng đến sự an toàn cho con trẻ và nguy hiểm cho những người xung quanh tham gia giao thông. Dù tâm lý phụ huynh thường vội vàng và tuỳ tiện, tuy nhiên hệ luỵ rất lớn vì gieo vào đầu cho thế hệ trẻ một hành vi xấu, một thói quen xấu, một hình ảnh xấu khi báo chí, nhà trường và cả xã hội dạy các con một quy tắc giao thông, kỹ năng tham gia giao thông theo quy định mà phụ huynh làm lại kiểu khác việc này dẫn đến tư duy nhận thức của các con cũng sẽ không chấp hành pháp luật giống phụ huynh và làm hỏng cả tương lai con trẻ.
Một hệ luỵ khác nữa cho xã hội là khi các con đều tuỳ tiện nên khi không có người lớn bên cạnh các con dễ vi phạm và thiếu kỹ năng nếu xảy ra tai nạn giao thông gây nên những hệ luỵ cho gia đình và xã hội. Các gia đình, các bậc phụ huynh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu với thế hệ tương lai của đất nước. Nếu cha mẹ, người thân không giáo dục kiến thức về ATGT cho con trẻ sẽ gây ra nguy cơ con em mình sẽ nhiễm thói xấu trên đường, cần phải khắc phục ngay để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng cũng như bảo vệ chính các em và gia đình mình”, Thượng tá Phạm Quang Huy chia sẻ.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức, phụ huynh ai cũng muốn làm điều tốt nhất cho con nhưng đôi khi do vô tình, cha mẹ đã phạm phải những thói quen dễ làm hư con cái. Trong đó, hành vi vi phạm luật giao thông trước mặt trẻ là phổ biến nhất. Đây cũng chính là một phần lý do khiến học sinh Thủ đô và một số nơi luôn “ngây thơ vô số tội” khi tham gia giao thông.
Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng văn hóa giao thông văn minh là hình thành ý thức chấp hành luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho trẻ nhỏ - thế hệ tương lai. Thế nhưng, mục tiêu đó sẽ khó có thể đạt được khi mà chính các bậc phụ huynh lại đang tập nhiễm cho con em mình những thói hư, tật xấu trong giao thông.
Thực tế có rất nhiều bậc phụ huynh chở con em mình vừa vi phạm luật giao thông, lại văng tục, chửi bậy, buông lời nguyền rủa hoặc xô xát với người khác trong khi tham gia giao thông. Không ít người lớn suy nghĩ đơn giản, việc vi phạm này chỉ là những việc “nhỏ”, hành động bộc phát trong lúc người lớn đang muộn giờ. Thế nhưng, hậu quả đằng sau là chính trẻ em lại “bắt chước, sao chép” đúng hành vi của người lớn.
“Nếu cha mẹ, người thân trong gia đình tham gia giao thông không phù hợp với quy định thì sẽ ảnh hưởng tới trẻ nhỏ và học sinh thường hay bắt chước bố mẹ và người thân. Ngược lại nếu nhà trường và xã hội giáo dục tốt thì chính con cái sẽ tác động lại bố mẹ. Nhiều trường hợp bố mẹ chở con vượt đèn đỏ hay đi sai luật con cái có phản ứng lại với bố mẹ. Vì vậy công tác tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông đóng vai trò rất quan trọng và cần phải làm thường xuyên liên tục. Nếu chỉ ngơi nghỉ một chút trong công tác này thì về sau sẽ rất khó khắc phục”, chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm.
Những thói hư tật xấu trong giao thông của cư dân đô thị đã và đang tồn tại, gây ra nhiều hệ luỵ phức tạp cho cả giao thông và văn hóa xã hội. Trong đó đáng lo nhất sự tập nhiễm thói xấu cho thế hệ tương lai dù chỉ là vô tình hay cố ý.
Bình luận