Năm học 2017-2018 vừa kết thúc, cuộc đua trường lớp cho năm học tới trở nên "nóng" hơn. Thời điểm này, các trường tiểu học, THCS chưa thông báo tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 nhưng thực tế, nhiều trường đã kín chỗ.
Nhiều chiêu "lách" hộ khẩu
Dù năm sau con mới vào lớp 1, ngay từ bây giờ, chị Hồng (quận 4, TP.HCM) đã tính đến chuyện trường lớp cho con. Chị cho hay gia đình cân nhắc chuyển về quận 12 sinh sống nên đang tìm trường ở nơi này.
Chấp nhận chuyện chung chi để chuyển hộ khẩu về quận 12, chị Hồng vẫn lo lắng bởi nhiều trường yêu cầu phải có hộ khẩu tại địa bàn 3-4 năm trước khi nhập học, hoặc có hộ khẩu ngay từ khi mới sinh ra.
Trong khi đó, anh Thanh có có hộ khẩu ở quận 12 nhưng muốn cho con học ở trường tại quận 1. Cách đây một năm, anh chấp nhận bỏ tiền để làm sổ tạm trú dài hạn (KT2) ở quận 1. Để chắc suất, anh còn phải nhờ quan hệ gửi gắm con mình vào trường này kèm "phí cảm ơn".
Thế nhưng, công sức, tiền bạc anh Thanh bỏ ra có thể "xôi hỏng bỏng không" khi các trường "hot" của thành phố hiện nay yêu cầu trẻ phải có hộ khẩu từ khi mới sinh.
Không mong con mình được học trường top đầu, anh Tiến (quận Gò Vấp) phải "chạy" hộ khẩu để con gái được đi học đúng tuổi quy định, vì hiện anh chưa có hộ khẩu TP.HCM. Không có người thân quen, anh đành tìm đến dịch vụ. Biết anh muốn xin cho con học ở quận Phú Nhuận, họ đề nghị ghép hộ khẩu.
"Họ nói sẽ ghép hộ khẩu cho hai cha con với giá 36 triệu đồng/người. Chuyện ghép với ai họ lo, mình chỉ chuẩn bị giấy tờ, rồi có mặt đi công chứng với nhà được ghép là xong. Con đi học rồi thì sẽ tách khẩu", anh Tiến cho biết.
Hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng ở TP.HCM, cho biết không lo được cho con suất học trái tuyến, nhiều phụ huynh buộc phải "lách" hộ khẩu để trở thành đúng tuyến.
Nhiều trường quy định hộ khẩu phải có trước vài năm (tính tới thời điểm tuyển sinh) nhưng có trường không quy định. Dù có quy định thời gian hay không, phụ huynh vẫn có cửa "chạy" được. Họ thường tính toán ngay từ khi con mới lọt lòng hoặc ít cũng phải 1-2 năm trước khi bé vào lớp 1. Chiêu bài thường được phụ huynh áp dụng là nhờ người quen hoặc các đường dây dịch vụ gửi ghép hộ khẩu rồi chung tiền.
"Có lần, một người hỏi tôi năm nay trường nhận học sinh có hộ khẩu từ tháng mấy? Tôi nói quận mình chưa quy định thời gian hộ khẩu, anh ấy nói 'vậy là chắc ăn rồi'. Hỏi thì mới biết phụ huynh này vừa 'chạy' hộ khẩu xong", bà Ngân kể.
Cũng theo nữ hiệu trưởng, trường quy định nhận trẻ có hộ khẩu tại địa bàn từ trước tháng 1/2018, vì thế học sinh có tên trong sổ hộ khẩu từ tháng 5/2018, đương nhiên không đủ điều kiện. Nhưng nếu không quy định thời gian, cứ có hộ khẩu là được, dù mới làm trong tháng 5, có tên trong danh sách điều tra của phường gửi lên quận, thì đương nhiên sẽ đúng tuyến.
Chính vì "chạy" hộ khẩu là cách lách luật "được việc", không phải xin duyệt trái tuyến nên được nhiều phụ huynh lựa chọn. Một trường hợp chạy hộ khẩu thường 20-30 triệu đồng, tùy các quận khác nhau. Ở những quận trung tâm của thành phố, số tiền này sẽ lớn hơn rất nhiều.
Giá nghìn USD và những mối quan hệ khó từ chối
Theo lời nữ hiệu trưởng này, mùa tuyển sinh đầu cấp luôn là nỗi ám ảnh. Rất nhiều người tìm gặp bà trong mùa tuyển sinh: Phụ huynh từng có con học ở trường; người quen từ các mối quan hệ; con, cháu của giáo viên, lãnh đạo...
"Họ thường gây phiền hà, bởi ai cũng muốn chọn môi trường tốt cho con nhưng khả năng nhận của mỗi trường có hạn. Có những mối quan hệ rất khó từ chối dù biết đó là cơ hội để họ làm ăn mùa tuyển sinh", nữ hiệu trưởng than thở.
Bà cũng cho biết từ nhiều năm nay, giá một suất "chạy" vào lớp 1 ở các trường trung tâm quận 1 phải hơn 80 triệu đồng. Còn giá cho những người rất thân quen, gần gũi cũng phải 40-60 triệu đồng.
Cách đây một tháng, chị Mai (quận Thủ Đức) chi 50 triệu đồng để đổi lấy một suất học cho con ở trường tiểu học "hot" của quận 1. Theo nữ phụ huynh, đây là mức giá "mềm". Một đồng nghiệp trong công ty chị phải chi 25 triệu đồng để đổi lấy một suất học ở trường tiểu học "thường thường bậc trung" ở quận 3.
Chị Thanh, giáo viên trường chuyên nổi tiếng ở Sài Gòn, cho hay Sở GD&ĐT TP.HCM hoặc phòng giáo dục ở mỗi quận quản lý số lượng học sinh được tuyển mỗi năm nhưng vẫn để chỗ cho các mối quan hệ ngoại giao.
Xác nhận điều này, nữ hiệu trưởng nói các trường luôn có suất tuyển trái tuyến theo quy định, nhưng phụ huynh bình thường không có cơ hội. Các trường tuyển đủ trong tuyến nếu còn chỉ tiêu sẽ lấy trái tuyến. Các suất trái tuyến thường được để dành cho quan hệ ngoại giao.
"Thật sự là con của cán bộ công chức gửi vào thì không có vấn đề nhưng nhiều người lợi dụng vị thế, bảo lãnh nhận là cháu chắt, họ hàng, khi hỏi ra toàn phụ huynh phải tốn tiền thì ức lắm, mà ức cũng làm được gì, chỉ ngại mang tiếng nhà trường, mang tiếng mình thôi. Phụ huynh chỉ biết vào trường đó phải tốn bao nhiêu chứ có biết chi tiền đó cho ai vì khi ra giá họ nói là phải chi cho hiệu trưởng, phòng giáo dục", nữ hiệu trưởng kể.
Nữ hiệu trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, bản thân từng giúp đỡ người thân quen, gần gũi vì đó là những quan hệ không thể từ chối. Nhưng những trường hợp đó phụ huynh sẽ tự nguyện đóng góp vào quỹ hoạt động của trường, thông thường 5-10 triệu đồng.
* Hiện nay, các trường chưa có chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2018-2019 nên chưa thể có số liệu thống kê cụ thể.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2018-2019 được Sở GD&ĐT TP.HCM trình Thường trực UBND thành phố ban hành, ở bậc tiểu học, trẻ 6 tuổi trong diện đi học sẽ được gọi vào lớp 1 theo tuyến do Ban tuyển sinh quận huyện quy định.
Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu không được nhận học sinh học sớm tuổi và không nhận học sinh trái tuyến. Thời gian tuyển sinh bắt đầu từ ngày 1/7 và công bố kết quả đồng loạt vào ngày 31/7.
* Theo quy định của quận 1 năm học 2017-2018, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng nhận học sinh có giấy khai sinh lập tại phường Đa Kao, nhập hộ khẩu năm 2011.
Trường Tiểu học Đuốc Sống nhận trẻ có hộ khẩu tại phường Đa Kao nhập hộ khẩu từ năm 2012. Trong khi đó, trường Tiểu học Trần Khánh Dư nhận trẻ có hộ khẩu tại phường Đa Kao từ năm 2013.
Bình luận