"Cân não"
Thời tiết Hà Nội sáng 29/6 bất ngờ nắng to sau hai ngày mưa mát. Từ 4h, hơn chục phụ huynh có mặt ở khu vực thu hồ sơ tuyển sinh của Trường THPT Đào Duy Từ để xếp hàng ghi danh chờ nộp hồ sơ.
Đến gần 7h, các phụ huynh đứng kín khoảng sân trước hội trường. Bóng mát của cây xà cừ cổ thụ lớn ở sân trường không đủ để che nắng cho số lượng ngày càng nhiều học sinh và phụ huynh trước giờ làm việc.
Cái nắng nóng gắt gao của những ngày sau mưa cộng với tâm trạng lo lắng của phụ huynh đã khiến cho không khí ở đây vô cùng căng thẳng. Trường THPT Đào Duy Từ yêu cầu nộp hồ sơ gốc (gồm cả học bạ) chỉ vài tiếng trước khi điểm chuẩn được công bố. Nếu trong buổi sáng không nộp, sẽ không còn chỉ tiêu nữa.
Nhà trường đưa ra một bản cam kết nêu rõ: Tính đến ngày hôm nay (29/6), số học sinh lớp 9 đăng ký nguyên vọng vào học lớp 10 năm học 2018-2019 đã lên đến 4.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 405. Nhà trường đề nghị các phụ huynh “cân nhắc kỹ” trước khi nộp hồ sơ, cộng với học phí tháng đầu tiên và tiền hỗ trợ cơ sở vật chất trong cả năm học (tổng cộng 3.300.000 đồng ).
Trường yêu cầu: Khi đã nộp hồ sơ rồi, đề nghị gia đình không rút hồ sơ và cam kết sẽ học ổn định tại trường trong ba năm học.
Tại bàn hướng dẫn, các nhân viên cho biết nếu phụ huynh không ký cam kết này thì mời về, trường không nhận hồ sơ. Nhiều phụ huynh vừa ký hồ sơ vừa mếu máo vì chưa biết điểm chuẩn công lập.
Phụ huynh tên T, nhà ở Hà Đông mắt đỏ hoe cho biết, con ông thi nguyện vọng 1 vào trường Lê Quý Đôn (Hà Đông) và được 50 điểm. Nhưng ông “nghe đồn” trường sẽ lấy 50,5 điểm và nhiều khả năng con sẽ bị trượt, vì vậy ông đành tìm cơ hội thứ hai cho con ở Trường THPT Đào Duy Từ.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là đồn. Sớm nhất đến chiều tối nay, điểm chuẩn mới được công bố hoặc rò rỉ, con của ông T vẫn có thể còn cơ hội học trường Lê Quý Đôn, ngôi trường mà cả nhà đều mong muốn và hy vọng.
Vì vậy, nếu nộp hồ sơ vào Đào Duy Từ và trường bắt cam kết như trên, thì cháu có thể sẽ bị mất cơ hội. Nhưng nếu không nộp ngay thì trường Đào Duy Từ cũng sẽ hết chỉ tiêu, không lẽ con sẽ phải… ra đường?
“Từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ gặp phải tình huống oái oăm và cân não như thế này. Từ hôm con biết kết quả thi đến giờ, cả nhà mất ăn mất ngủ. Giờ phút này, chúng tôi vẫn không biết phải làm thế nào”, ông T. nói và thở dài. Đứng loay hoay giữa nắng cả nửa tiếng đồng hồ, ông vẫn không thể tìm ra đáp áp cho bài toán thực tiễn trở trêu của giáo dục.
Ông thở dài, giá như trường dành thêm thời gian cho phụ huynh và các con đến ngày mai, khi điểm chuẩn đã được biết, để gia đình nào cũng có thể thoải mái lựa chọn cho các con mình thì tốt biết mấy. Đằng nào thì trường cũng đã có những 4.000 hồ sơ, tại sao phải tuyển sinh kiểu gây khó cho phụ huynh và thí sinh như vậy?
“Cải cách ở đó chứ đâu nữa, cần gì to tát đâu” – một phụ huynh khác hùa vào. Con chị thi được 47,5 điểm và
cũng đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Hầu hết các vị phụ huynh có mặt ở đây, mỗi người đều có một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng. Không khí dưới gốc cây xà cừ sôi nổi như một diễn đàn… cải cách giáo dục. Trớ trêu là trong lúc này, những thí sinh nào điểm thấp hơn thì lại… vui, bởi họ coi như trượt và không có nhiều lựa chọn. Những thí sinh điểm cao hơn, nhưng ở thế chấp chới thì vô cùng “đau đầu”.
Có phụ huynh không chịu nổi “nhiệt” đã thiếu kìm chế và mắng thêm con mình: “Mày thấy chưa, cố gắng học một tí có phải đỡ khổ không”.
Thỉnh thoảng, các phụ huynh lại nhao lên bàn tán, xôn xao, xuýt xoa, vò đầu bứt tai, khi ai đó nhận được tin nhắn từ đâu, thông báo điểm chuẩn trường này là x, trường kia là y, tin chuẩn đấy… Không khí càng rối ren và hỗn loạn hơn.
Đem những băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh hỏi những người có trách nhiệm trong bộ phận tuyển sinh của Trường Đào Duy Từ, chúng tôi được một người không chịu xưng danh, ngồi trong phòng ghi biển “Ban Giám hiệu” tiếp chuyện. Hỏi những người gần đó, được biết cô tên là Hòa.
Trả lời câu hỏi về việc “Nếu hồ sơ đã nộp, nếu ngày mai biết điểm chuẩn, phụ huynh có thể rút hồ sơ cho con học công lập được không?”, cô Hòa quả quyết: Không thể rút hồ sơ được, việc này đã nói trước rồi. Thắc mắc thêm là tiền đã đóng thì có được lấy lại, cô nói: “Hồ sơ đã không rút được thì tiền sao mà rút được”.
Liệu cách thức tuyển sinh như vậy của Trường Đào Duy Từ có o ép thí sinh quá hay không? Một cơ sở giáo dục có uy tín mà cách tiếp cận trong việc thu hút học sinh như vậy đã thuyết phục chưa?
"Cố tình"... đi nghỉ
Tại một cơ sở dân lập khác, Trường THCS &THPT Lương Thế Vinh, không khí yên ắng hơn nhiều. Trường thông báo đã thu đủ chỉ tiêu (từ ngày 24/6) và Ban tuyển sinh lớp 10 của trường nghỉ làm việc cho đến ngày mùng 2/7.
Phụ huynh nộp hồ sơ vào đây sẽ phải nộp các khoản gồm: Học phí (2 triệu đồng/tháng), xây dựng trường (2 triệu đồng/năm), đồng phục (1,5 triệu đồng ), lệ phí tuyển sinh (300.000 đồng), tiền vở (270.000 đồng), tổng cộng là 6.070.000 đồng.
Một phụ huynh cho biết trường hứa sẽ cho rút lại hồ sơ nếu các con trúng tuyển trường công lập, nhưng phần kinh phí nhập học (gồm cả tiền học, tiền xây dựng trường, tiền đồng phục…) sẽ chuyển vào Quỹ khuyến học của nhà trường.
Sáng 29/6, một phụ huynh tên N. đứng bên ngoài cổng trường hốt hoảng cho biết, con bà đã đỗ Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ nhưng đã nộp hồ sơ vào Trường Lương Thế Vinh. Hôm nay bà đến rút hồ sơ thì trường cho biết Ban Tuyển sinh đi nghỉ mát tuần sau mới về.
Khi Ban Tuyển sinh kết thúc kỳ nghỉ và đi làm, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cũng sẽ đóng sổ kết thúc nộp hồ sơ tuyển sinh.
“Tôi thật sự không biết phải làm thế nào”, bà N. hoang mang cho biết. Bà đã phải chầu chực, xin xỏ từ sáng đến tận trưa mà không được kết quả gì.
Một phụ huynh khác nói: “Tôi cũng chung cảnh ngộ như vậy. Trường chơi khó cho phụ huynh”.
Kể cả trong trường hợp thí sinh được rút hồ sơ về, họ vẫn phải đóng tiền đồng phục, tiền xây dựng trường, và cả tiền học phí một tháng cho ngôi trường mà mình không học. Thật là vô lý. Không thể đem tiền đó để đóng vào cái gọi là Quỹ khuyến học của trường. Đây là một cách làm sai, tận thu cần phải lên án.
“Hãy đến thẳng Sở Giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội), làm cái đơn kêu cứu”, một phụ huynh hướng dẫn. “Môi trường giáo dục mà lại “chơi bẩn” như thế này”.
Như lời của vị phụ huynh trên, phóng viên đã đến hỏi quan chức Sở GD-ĐT Hà Nội.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay ông không hề hay biết gì về việc các trường dân lập tranh thủ lúc phụ huynh và học sinh đang lo lắng chờ điểm chuẩn để đưa ra những cách thức tuyển sinh o ép. Ông cho biết thông tin cần phải được …xác minh thêm.
“Sở chưa hình dung ra là họ o ép thế nào vì chưa được mắt thấy tai nghe. Việc phụ huynh nộp hồ sơ vào trường là do… tự nguyện”, ông Toản nói.
Nhiều phụ huynh cho rằng, Sở GD-ĐT Hà Nội không phải không biết những hiện tượng này. Việc Sở chậm công bố điểm chuẩn chính là một trong những “kẽ hở”, không biết vô tình hay hữu ý, tạo điều kiện cho các trường dân lập thực hiện những cách thức tuyển sinh phản giáo dục.
Sở GD-ĐT Hà Nội không thể phớt lờ những hành vi phản cảm này trước những lo lắng và bức xúc của hàng trăm ngàn thí sinh và phụ huynh.
Bình luận