• Zalo

Phớt lờ cảnh báo, kem Trung Quốc giá 'bèo' vẫn bán tràn chợ mạng

Kinh tếThứ Ba, 18/06/2019 17:26:00 +07:00Google News

Gần đây, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ các lô kem giá rẻ nhập lậu từ Trung Quốc song sản phẩm này vẫn rất đắt hàng trên thị trường online.

Theo thông tin trên Zing, sáng 17/6, tại khu vực đường Đăng Châu, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, Đội Quản lý Thị trường số 7 phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Lào Cai phát hiện lô hàng 8.000 que kem nhập lậu.

Qua kiểm tra, lô hàng gồm 8.000 que kem các loại được xác định do Trung Quốc sản xuất, đóng trong 200 hộp các tông (40 que/hộp). Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa. Ngay lập tức, chủ lô hàng bị xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng. 8.000 que kem nhập lậu trị giá 28 triệu đồng bị tịch thu tiêu hủy.

Đây không phải lần đầu kem Trung Quốc bị thu giữ. Trước đó khoảng một tháng, Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng bắt giữ lô hàng hơn 3.700 cây kem hương vị các loại do Trung Quốc sản xuất, phạt chủ lô hàng 8 triệu đồng do không xuất trình được giấy tờ nhập khẩu, kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm. 

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo liên quan đến nguồn gốc và chất lượng của kem Trung Quốc nhưng trên thị trường online, sản phẩm này vẫn đang được chào bán rất phổ biến. Qua khảo sát, có thể thấy giá của các cây kem này khá rẻ, chỉ từ 2.750 - 5.000 đồng/que. Thông thường, người bán sẽ rao bán cả thùng gồm khoảng 40 que kem. Kem được quảng cáo "vừa ngon vừa rẻ", nhiều hương vị khác nhau và đặc biệt là "kem nội địa Trung Quốc". 

Chính vì tin những lời mời chào hấp dẫn này nên rất nhiều người đã hồ hởi, đổ xô mua, đinh ninh đó là hàng "nhập xịn". Theo chị Oanh, chủ một cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội: “Những ngày nắng nóng, chị có thể bán 300-400 chiếc kem Trung Quốc, vừa bán online vừa bán trực tiếp tại cửa hàng. Vì là hàng order nên không phải gọi cái là có luôn được. Nhiều khi hàng về, sắp đơn của những người đặt là đã bán được cả nghìn que rồi”.

kemnoidia 3

 Chủ shop online luôn khẳng định loại kem này cũng được người dân Trung Quốc ưa thích. (Ảnh chụp màn hình facebook)

Tuy nhiên, theo quan sát thì những chiếc kem Trung Quốc rao bán trên chợ mạng được đóng gói, in chữ Trung Quốc với màu sắc bắt mắt, chứ không hề có tem nhãn phụ là tiếng Việt đi kèm. Người mua chỉ biết rằng đây là kem được sản xuất và bán tại thị trường Trung Quốc, được các chủ kinh doanh đặt hàng và vận chuyển về Việt Nam. Còn những thông tin liên quan đến sản phẩm như đơn vị sản xuất, thành phần nguyên liệu… thì không phải ai cũng biết. Thậm chí, có khi đến chính những người bán hàng cũng không thèm quan tâm.

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa, quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt trên bao bao bì sản phẩm mới được phép lưu hành. Nhãn phụ là nơi thể hiện thể hiện các thông tin đầy đủ, chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, nhà nhập khẩu và phân phối hàng hóa. Tem phụ giúp cho các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, kiểm tra sản phẩm nhập khẩu, phân biệt được với sản phẩm nhập lậu, đồng thời giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng, rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm.

Vì vậy, việc kem nội địa Trung Quốc đang bán tràn lan trên "chợ mạng" nhưng lại thiếu nhiều thông tin thiết yếu làm dấy lên nghi ngờ đây chính là những sản phẩm nhập lậu thiếu an toàn. Người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng trước khi mua.

Bình luận
vtcnews.vn