• Zalo

Phóng viên VTC kể chuyện tác nghiệp vùng tâm thảm họa

Thế giớiChủ Nhật, 11/03/2012 05:59:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hồi ức của một phóng viên VTC tại Tokyo trong lần tác nghiệp không thể nào quên 1 năm về trước, ở chính nơi thảm họa kép xảy ra kinh hoàng nhất.

(VTC News) - Tokyo, nửa đêm 10/3/2012. Đang ngồi đọc tin mới trên NHK News về việc lần đầu tiên sau năm 1993, Nhật Bản lại phải nhập khẩu gạo nhằm đối phó với giá gạo trong nước tăng kỷ lục do nguồn cung tại một số tỉnh phía Đông Bắc sụt giảm, tôi chợt cảm thấy một trận động đất nhẹ. 
Rung, lắc vốn dĩ là chuyện hết sức bình thường ở Tokyo, thế nhưng ngay trước ngày kỷ niệm 1 năm thảm họa động đất, sóng thần năm ngoái thì trận động đất vốn dĩ "chỉ" có 5,5 độ richter này không khỏi khiến người ta giật mình nhớ tới 1 năm trước...


"Động đất thôi, không sao đâu!"
Chiều 11/3/2011, tôi và ba người bạn cùng trường bắt tàu điện đến sở thú Ueno để ngắm cặp gấu trúc mới mượn từ Trung Quốc. Đến nơi, biết phải một tuần nữa khu trưng bày gấu trúc mới mở cửa; dù thất vọng nhưng đã lỡ đến nơi nên cả nhóm đành vào công viên xem các loại động vật khác. 
Mãn nhãn với gấu trắng Bắc cực, khỉ đột Châu Phi, chúng tôi rời công viên để về ký túc xá của trường tại quận Shinjuku. 
 

Từ ga Ueno về ga Shinjuku sẽ phải đỗ tại 12 ga nhỏ với chính xác 23 phút ngồi tàu. Trên khoang, vài viên chức Nhật đóng khung với vest đen, cặp da vừa đứng đọc báo vừa liếc đồng hồ. Hai cô gái trẻ với trang phục kiểu harajuku sặc sỡ đang tỉ mẩn trang điểm. Hệ thống loa tự động nhắc nhở hành khách kiểm tra hành lý trước khi rời khỏi tàu... Tất cả mọi thứ đều rất bình thường, trong một chuyến tàu bình thường như bao ngày tại Tokyo.
Sau gần 20 phút, tàu dừng ở ga Takadanobaba tại quận Shinjuku, nơi các sinh viên thường chuyển sang tàu điện ngầm để tới trường đại học tư nổi tiếng Waseda. Hành khách đã lên hết nhưng tàu vẫn chưa đóng cửa chạy tiếp, một việc khá lạ với hệ thống tàu điện Nhật vốn nổi tiếng là chính xác. Ngay sau đó, một loạt các thông báo với giọng khá gấp gáp vang lên trên loa. 
Một phụ nữ người Nhật khoảng 40 tuổi (hoặc có thể đã 50 vì đa số người Nhật trông trẻ hơn tuổi) quay sang cười với tôi: “Jisin da, daiyobu yo!” (Động đất thôi, không sao đâu!)
Vốn cũng đã trải qua hơn chục lần rung, lắc trong gần 1 năm ở Tokyo nên tôi cũng mỉm cười, chuyện bình thường thôi mà - khi có cảnh báo động đất, tàu điện sẽ tự động ngừng hoạt động. 
Nhưng 2 phút, rồi 3 phút mà tàu vẫn chưa đóng cửa để tiếp tục hành trình, một số hành khách bắt đầu tỏ ra sốt ruột. Người phụ nữ Nhật lại tiếp tục quay sang trấn an chúng tôi - những người nước ngoài chưa quen với tình trạng động đất xảy ra như cơm bữa tại đất nước này. 
Thế rồi, đột nhiên cả đoàn tàu như bị một bàn tay khổng lồ túm ngang, lắc đi lắc lại lại liên tục. Rất may tôi vẫn đang ngồi tại chỗ của mình nên bám được vào tay vịn ghế, quay sang bên cạnh thì những người khác đã ngồi trên sàn tàu, đầu chúi vào gầm ghế tự lúc nào. Trên sân ga, những bóng đèn điên đảo chao qua, chao lại, tất cả mọi người đều ngồi thụp xuống, lấy cặp, tay hay bất cứ thứ gì có thể để che lên đầu, một vài tiếng nức nở bắt đầu bật ra... 
 

Nhìn ra đường phố, những toà cao ốc có vẻ như đang nhún nhảy. Từng dòng người bắt đầu lũ lượt kéo ra đứng tràn cả phố, ngó nghiêng, chỉ trỏ đầy lo lắng... 
Tất cả các chuyến tàu buộc phải ngừng hoạt động, chúng tôi rời ga tìm phương tiện khác để đi về - cũng may mà từ đây về khu ký túc xá chỉ khoảng 20 phút đi bộ. Ra khỏi cửa soát vé, thấy hành khách đang đứng đông nghịt để xem bản tin mới nhất về động đất; lúc này tôi mới lờ mờ nhận thức rằng trận động đất vừa rồi thực sự rất, rất lớn. 
Khi chúng tôi rời khỏi ga Takadanobaba, đồng hồ chỉ 15h10’, tức 24 phút sau khi trận siêu động đất 9 độ Richter xảy ra vào lúc 14h46’ ngày 11/3/2011.
Tác nghiệp bằng máy nghiệp dư second-hand

Tiếp sau đó là những ngày buồn chán. Kỳ kiểm tra tiếng Nhật cuối năm bỗng trở thành hoạt động không bắt buộc bởi du học sinh đến từ Châu Âu thì đã "nhanh chân" về nước theo khuyến cáo của đại sứ quán, sau đó là các bạn học người Ả rập và lác đác vài bạn học Đài Loan, Trung Quốc cũng bắt đầu râm ran kế hoạch về nước. 
Tôi thì vẫn bình chân như vại, không tích trữ đồ ăn hay nước uống vì chỉ sau 1-2 ngày đầu lên cơn sốt nhẹ, việc cung cấp nước đóng chai, rau xanh, thịt... tại các siêu thị đã trở lại bình thường. Điện thoại không thể liên lạc được nhưng rất may, internet với facebook, chat là nơi tôi có thể liên lạc với gia đình và bạn bè ở Nhật. Căn phòng ký túc 9m2 của tôi trở thành nơi tụ tập để theo dõi các tin tức mới về động đất, sóng thần. 
 Người Tokyo đổ ra đường trong trận động đất 11/3

Máu nghề nghiệp nổi lên, nhưng tôi chưa thể biết mình sẽ làm gì bởi tại Tokyo, ngoại trừ việc điện bị cắt luân phiên dẫn đến các sinh hoạt bình thường đảo lộn thì không có gì để phản ánh, trong khi việc tiếp cận khu vực Đông Bắc - vùng tâm chấn chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi động đất và sóng thần dường như bất khả thi. 
Đúng lúc này - ngày 13/3, từ bên nhà liên lạc sang đề nghị tôi phối hợp với nhóm biên tập viên Ban thời sự Đài truyền hình Việt Nam sang Nhật Bản thực hiện tin, bài phản ánh về động đất sóng thần. 
Trưa 14/3, khi nhóm phóng viên, quay phim đặt chân đến Nhật Bản, tôi được biết trong chiều tối 14/3 Đại sứ quán Việt Nam sẽ tổ chức đưa xe buýt đến đón du học sinh và kiều bào đang còn bị kẹt tại Sendai, Fukushima và Iwate về Tokyo. Nhóm phóng viên này sẽ thuê xe riêng đi cùng, sau đó tách đoàn đi tới thành phố Sendai - địa danh có lẽ chỉ được nhiều người biết đến sau trận siêu động đất, sóng thần. 
Đây quả là một cơ may để tôi có thể cùng đồng nghiệp đi đến những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Với vỏn vẹn 2 tiếng đồng hồ để chuẩn bị trước khi có mặt ở Đại sứ quán Việt Nam tham gia đoàn, tôi cũng kịp chuẩn bị cho mình bento (cơm hộp) và… một chiếc máy quay cá nhân handy cam mua vội tại cửa hàng bán đồ điện tử cũ để sẵn sàng tác nghiệp.
Đi vào tâm thảm họa
Đại sứ quán Việt Nam lúc này cũng trở nên vắng vẻ hơn bởi một số thành viên gia đình của cán bộ sứ quán đã trở về nước từ những ngày trước đó. Cuộc họp đoàn diễn ra khẩn trương, không rườm rà – mỗi cán bộ đại sứ quán chịu trách nhiệm kết nối với cộng đồng du học sinh và kiều bào tại các thành phố Sendai, Fukushima và tỉnh Iwate điện thoại liên tục để nhắc nhở mọi người có mặt tại điểm tập trung theo thời gian quy định. 
Người tị nạn nằm la liệt trong những trạm trú ẩn được dựng lên sau thảm họa 

Lúc này, những thông tin cần thiết về chuyến đi cũng đã được đưa lên một số tờ báo điện tử và được cộng đồng du học sinh truyền tin cho nhau trên mạng. Qua điện thoại, Đại sứ Nguyễn Phú Bình trao đổi với đại sứ một số quốc gia khác tại Nhật Bản về việc các bên cùng phối hợp giúp đỡ nhằm đảm bảo an toàn cho công dân nước mình...
Việc tiếp cận vùng tâm chấn lúc này rất khó khăn bởi chính phủ Nhật Bản đã thiết lập một "barie chắn" tại đầu các tuyến đường cao tốc nối Tokyo với các tỉnh phía Đông Bắc. Hơn 6h, ba chiếc xe buýt cắm cờ Việt Nam với giấy thông hành đặc biệt rời Tokyo để bắt đầu tiến lên vùng Đông Bắc. Sau gần 3 tiếng đồng hồ lao qua những vết nứt gãy trên bề mặt đường cao tốc, chúng tôi tạm nghỉ tại một điểm dừng chân ven đường, lúc này tôi mới biết rằng các đồng nghiệp từ Thông tấn xã Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tokyo cũng đang có mặt cùng đoàn. 
Đến đoạn đường nhánh rẽ về phía Fukushima, một chiếc xe buýt bắt đầu tách ra để đi đón người Việt ở thành phố này. Đoàn còn lại hai chiếc xe buýt và một xe bốn chỗ tiếp tục hành trình đến thành phố Sendai, tỉnh Iwate. 
Tuyết lúc này cũng bắt đầu rơi nhiều, báo hiệu một đêm lạnh lẽo hơn cho những nạn nhân của thiên tai đã mất hết nhà cửa và đang tạm trú ngụ tại các phòng tập, bệnh viện... rải rác tại vùng Đông Bắc. 
2h sáng 15/3, chúng tôi có mặt tại thành phố Sendai - nơi đã rơi vào tình trạng cắt điện thường xuyên và thiếu chất đốt, gas, lương thực từ sau khi thảm hoạ xảy ra. Điểm tập trung đầu tiên là tại bệnh viện đại học Tohoku. Đợi khoảng 10 phút thì một chiếc ô tô gia đình loại nhỏ đi tới, trên xe là hai mẹ con với vài chiếc va li nhỏ, sau đó là những người khác... 
Tiếp tục tới điểm tập trung thứ hai, nơi có hơn 30 người nữa đang trú tại một khu nhà gần đó, nhóm phóng viên chúng tôi tập trung ghi hình, chụp ảnh và tranh thủ phỏng vấn các bạn du học sinh tại Đại học Tohoku, thành phố Sendai. 
Một tay hỗ trợ che ô và đi dây micro phỏng vấn cho đồng nghiệp, tay còn lại tôi tranh thủ ghi hình bằng chiếc máy quay handy cam vừa mua lúc chiều. Mưa nhỏ và tuyết rơi dày khiến ánh sáng không đủ, không có micro để phỏng vấn nhưng có hề chi, quan trọng là những hình ảnh ghi lại được lúc này. 
Hơn 3h sáng, một chuyến xe buýt với hơn 40 du học sinh, kiều bào Việt sinh sống tại Nhật Bản đã quay đầu để trở lại Tokyo, chiếc xe còn lại tiếp tục đi đến tỉnh Iwate ở phía Bắc. 
Các đồng nghiệp từ Thông tấn xã Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam đã quay về, chỉ còn nhóm phóng viên truyền hình chúng tôi tiếp tục ở lại thành phố Sendai. Tòa thị chính thành phố - giờ trở thành nơi trú ngụ dã chiến cho các nạn nhân sau thảm họa - là địa điểm đầu tiên chúng tôi tiếp cận. 
Hình ảnh làm bàng hoàng cả thế giới 

Bác bảo vệ tóc bạc trắng, tỏ ra ngạc nhiên khi biết chúng tôi là những nhà báo đến từ Việt Nam, nhưng với cái nhiệt tình đặc trưng của người Nhật, bác hướng dẫn chúng tôi tìm đến những căn phòng đang có người tạm trú. Trong lúc chờ trời sáng, mấy anh em mở cơm hộp ra ăn, uống nước và tranh thủ viết bài, dựng tin để hôm sau khi về đến Tokyo gửi về nước cho kịp phát sóng trong bản tin Thời sự trong ngày. 
Sáng sớm hôm sau, mặc dù vẫn còn e ngại nhưng với sự “khích tướng” của chúng tôi và có lẽ cũng một phần cảm mến các nhà báo đến từ Việt Nam, anh tài xế Tasaki cuối cùng cũng chịu chạy xe đến tận sát bờ biển của thành phố Sendai, nơi bị tàn phá nặng nề nhất bởi sóng thần. 
Những két bia bị sóng thần cuốn trôi, những con đường ngập tràn đủ các loại vật liệu rúm ró, những chiếc tàu và ô tô điềm nhiên đậu trên tận nóc nhà... Không phải trong một bộ phim bom tấn kiểu 2012, đây là hiện thực, hiện thực bi tráng mà cho đến mãi về sau, có lẽ mỗi người trong chúng tôi vẫn đều bàng hoàng khi nhớ lại.
Nguyễn Hồng Sơn 
BTV Ban biên tập Thời sự, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC
Hiện là học viên cao học Khoa Quản trị, trường Đại học Tổng hợp Minh Trị, Tokyo, Nhật Bản


Bình luận
vtcnews.vn