• Zalo

'Phóng viên thường trú cần có ba điều: Tâm, Thế và Nghề'

Thời sựThứ Năm, 05/11/2015 12:11:00 +07:00Google News

Tôi có mấy ngày theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ở Quảng Bình, hiếm gặp ai cởi mở với anh em báo chí như vậy, đi với anh tha hồ tranh luận.

Tôi có mấy ngày theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ở Quảng Bình, hiếm gặp ai cởi mở với anh em báo chí như vậy, đi với anh tha hồ tranh luận, và mọi cuộc nói chuyện cuối cùng vẫn xoay về chuyện phóng viên thường trú tại các địa phương.

Gần đây, nhiều tai tiếng của các phóng viên thường trú đang xảy ra, "hóng hớt" thông tin rồi đưa tin sai cũng có, dễ dãi trong việc tuyển chọn phóng viên cũng có, hời hợt trong việc cấp giấy giới thiệu cho người không phải là… phóng viên để làm việc của phóng viên cũng có, vi phạm đạo đức phóng viên cũng có, bị địa phương cô lập hay hành xử không đúng cũng có, bao nhiêu tâm tư nói với nhau cả, buồn vui đắng cay đủ chuyện.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn 

Rồi chúng tôi tách ra, ngồi với nhau bên biển Nhật Lệ, nhìn cát, nhìn biển, nhìn vào nhau để cạn lòng một cuộc trao đổi…

- Xã hội rất ủng hộ Đề án quy hoạch báo chí, ủng hộ về tổng thể, thấy đã tới lúc cần phải quy hoạch, cần phải sắp xếp lại, sắp xếp không chỉ các cơ quan báo chí mà cả chất lượng đội ngũ. Nhưng không có tờ báo nào sống được nếu không có đội ngũ phóng viên giỏi. Và không có tờ báo nào nhanh nhạy kịp với hơi thở cuộc sống nếu không có đội ngũ phóng viên thường trú mạnh. Báo chí đang phải chịu sức ép thị trường, sức ép tự trang trải, vì thế  qua rồi cái thời báo chí viết cái báo chí cần, giờ thì phải viết cái bạn đọc cần. Muốn thế, không thể không trông cậy vào đội ngũ các phóng viên thường trú. Nhưng có vẻ như tính hấp dẫn của báo chí hay nói chính xác hơn mục tiêu lôi kéo bạn đọc về báo mình đang hiểu sai, hay cố ý hiểu sai hoặc bị lạm dụng…

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Trước hết, mục tiêu của Đề án Quy hoạch báo chí là nhằm phát triển báo chí theo kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại và để phát triển báo chí, nhất thiết phải sắp xếp lại để tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, tránh để lãng phí nguồn lực trong hoạt động báo chí, để báo chí thực hiện tốt hơn tôn chỉ mục đích của mình.

Thứ hai, chả ai hiểu sai đâu, người ta biết hết, các Tổng biên tập khôn ngoan biết cách đưa tin gì, viết bài gì để thu hút người đọc, họ phải khôn ngoan vì đó là sự sống còn của một tờ báo, thu nhập, lương thưởng, cuộc sống anh chị em đặt hết lên vai Tổng Biên tập.

Nhưng trong sự khôn ngoan ấy tất nhiên sẽ có sự khôn mà chưa ngoan, thế nên mới liều lĩnh chạy tin bài câu khách, hoặc hấp tấp đưa tin nóng, đưa tin sai, thậm chí vi phạm pháp luật, hoặc cố gắng lôi kéo bạn đọc bằng những vụ việc nổi cộm…tất cả đều nằm trong chiến thuật làm báo…

Tôi cho rằng làm báo hiện đại cũng cần có chiến thuật, ganh đua tin tức không phải theo ngày mà theo giờ, thậm chí theo từng phút, anh nào đưa tin trước, tin “hot”, anh ấy thắng về độc giả, tức là thắng về doanh thu…

Vấn đề là ở chỗ này, trách nhiệm của báo chí là biết cách điều tiết dung lượng, biết cách định hướng dư luận, biết cách cân bằng thông tin của mình, phải xác định thật chính xác với trách nhiệm xã hội cao hai chữ “hấp dẫn”.

- Vâng, chính xác là báo chí cần hấp dẫn, nhưng như thế nào là hấp dẫn?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Hấp dẫn trước hết phải là tin mới đã, tin nóng và mới, ngay và luôn. Điều này là rất quan trọng.

Độc giả người ta cần cập nhật thông tin và báo chí cần đáp ứng. Anh nào lười biếng, chậm chạp cung cấp thông tin cho độc giả, người ta không đọc anh nữa. Hấp dẫn còn là cách làm tin. Cũng  một sự kiện, người làm báo giỏi là biết cách nhìn sự kiện đó ở góc nào, nếu anh chỉ ham hố tìm kiếm những chi tiết bỏng mắt, đắng lòng, cướp, giết, hiếp để tả, để kể, có thể anh lôi kéo được một lượng độc giả nào đó dễ dãi, nhưng phần đông độc giả, sau những tin có vẻ giật gân, câu khách đó bạn đọc cần một góc nhìn sâu hơn, nhân văn hơn, một nhận định chẳng hạn, một dự báo chẳng hạn, một tổng kết để răn đe, để giáo dục chẳng hạn….

Hấp dẫn không chỉ nhanh mà còn phải sâu. Phần lớn tôi thấy báo chí chỉ đưa tin, đưa phỏng vấn, đưa sự vụ, rồi thả nổi cho người đọc bàn tán, “chém  gió” bình luận trên mạng xã hội mà không chịu đào sâu vấn đề, không chịu phản biện chính vấn đề mình đưa nếu mình cảm thấy không đồng tình, giữa việc phản biện của công chúng và việc phản biện của báo chí ở cùng một vấn đề thì chắc chắn phản biện của báo chí cần sâu hơn và hay hơn chứ, đó chính là vai trò báo chí định hướng dư luận khi có một sự việc xảy ra…

Vấn đề là anh phải nhìn nhận sự việc khách quan, trung thực, minh bạch, trong sáng thì người đọc sẽ theo anh, sẽ ủng hộ. Hấp dẫn của báo chí còn nằm ở sự thật thông tin. Với báo chí chỉ có một sự thật thôi, duy nhất sự thật, nếu anh thông tin mà anh cố ý làm méo mó thông tin, thiên vị, thiếu trung thực, hoặc gian lận, hoặc vu khống, hoặc bi kịch hoá, hoặc bơm thổi quá… đều rất có hại, mới đầu cũng có vẻ hấp dẫn nhưng đó là sự hấp dẫn của bóng tối khiến bạn đọc mất niềm tin đã đành mà còn khiến cho đối tượng phản ánh bị lên bờ xuống ruộng vì oan khuất, vì  bịa đặt. Tuy nhiên ở đây báo chí cũng phải cân nhắc, không phải bất cứ sự thật nào cũng đều được phơi lên mặt báo.

Hấp dẫn của báo chí còn là cách làm sao để biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên văn bản thành những tin, những nhân vật, những hành động cụ thể chân thực ở đời sống rồi từ đó chính là tấm gương phản ánh lại xem chủ trương đó, chính sách đó tốt không, có ảnh hưởng xấu tốt đến cuộc sống thế nào, cho nên báo chí còn phải có chức năng tham vấn giúp Đảng, Nhà nước về các chính sách thông qua hoạt động nghiệp vụ…cái này chúng ta đang ít làm hoặc làm chưa đủ tầm…

- Bây giờ thì trở lại đề tài phóng viên thường trú. Ai cũng biết các báo mà không có anh em phóng viên thường trú thì sẽ không thể có tin hay, tin nóng, tin cập nhật. Nhưng có một sự thật là, đội ngũ phóng viên thường trú của các báo đang có vấn đề về chất lượng, cả về đạo đức nghề nghiệp. Phóng viên tại toà soạn theo khả năng được phân công theo dõi ngành, lĩnh vực, nhưng phóng viên thường trú thì anh lại phải biết hết các lĩnh vực. Nhưng có vẻ như các phóng viên thường trú vừa yếu về kỹ năng làm báo, vừa nông về chuyên môn tổng hợp…

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Tôi đã đi nhiều địa phương, về đâu tôi cũng gặp anh chị em thường trú các báo, đa phần họ đều là người địa phương tại nơi cơ quan báo chí cử làm thường trú hoặc đặt văn phòng đại diện, điều đó là hợp lý thôi, chỉ có như thế mới thường trú được. Họ ở đó, quê hương của họ, quanh họ là bạn bè, bà con…thậm chí lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương cũng là bạn bè, người thân quen cả, đây là yếu tố rất thuận lợi, nhưng cũng tiềm ẩn không ít khó khăn, bất trắc vì báo chí không chỉ phản ánh cái tốt, còn phải điều tra vạch mặt cái xấu, khen thì không sao, chê là đụng chạm… nói như thế để biết làm cái anh phóng viên thường trú đúng nghĩa rất cơ cực, rất bị sức ép, đòi hỏi anh em phải rất bản lĩnh và tâm huyết, tôi chia sẻ rất nhiều với anh em điều này.

- Như thế họ phải có những phẩm chất đặc biệt nếu muốn làm phóng viên thường trú đúng với ý nghĩa tốt đẹp nhất của từ này?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn:  Đúng vậy. Anh là phóng viên thường trú tại quê hương anh, chắc chắn anh phải yêu thương mảnh đất và con người ở đấy đã. Tình yêu thương này nó rất quan trọng, người ta chỉ có thể mạnh mẽ vạch mặt cái xấu, cái ác, mạnh mẽ bảo vệ chân lý, bảo vệ cái tốt bắt đầu từ tình yêu thương, dứt khoát là như vậy. Khi anh thường trú ở địa phương đó, vùng đất đó, tình yêu giúp anh vượt qua mọi trở ngại, mọi sức ép, và làm cho tâm thế của anh trong sáng, góc nhìn của anh minh bạch, chữ anh viết ra nó đàng hoàng. Anh làm phóng viên thường trú thì anh phải rất khách quan, trân quí những điều địa phương, con người ở đấy cống hiến, trân quí cái tốt, phát hiện những việc xấu, tiêu cực, chứ không phải anh chỉ hăm hở săm soi tìm kiếm toàn cái xấu để “hot” tin hoặc tệ hơn, khi tìm kiếm ra cái không tốt thì anh lại dùng thủ thuật à ơi kiếm chác…

Rất nhiều địa phương kêu than về phóng viên thường trú về điều này, họ bảo, sao địa phương của họ làm được nhiều việc tốt thế, nhiều cố gắng thế mà anh em ít viết, lại chỉ toàn nhăm nhăm đưa thông tin về việc sai, việc xấu. Tôi không tuyệt đối ủng hộ  theo hướng là anh em chỉ toàn khen và khen, cái gì đáng khen tất nhiên phải khen, nhưng cái gì xấu, hỏng, sai, vi phạm dứt khoát không dung thứ. Vấn đề là ở cái tâm cầm bút của mình thôi.

Cho nên như tôi đã nói, anh viết  mạnh mẽ về cái xấu mà tâm anh trong lành, trái tim anh yêu thương mảnh đất và con người ở đó nên anh phải lên tiếng cảnh báo hoặc vạch mặt cái xấu bằng toàn bộ tâm thế đàng hoàng của một người làm báo, không khoan nhượng, không thoả hiệp, không nể nang, tốt chứ. Đáng tiếc là một số anh em đã hành động như địa phương phàn nàn, cứ hễ ra đường là chỉ nhăm nhăm tìm kiếm cái xấu thì không nên, thậm chí làm quá, làm sai, thậm chí đưa thông tin xấu dày đặc trong khi cái tốt thì không phản ánh, hoặc nếu có phản ánh thì hời hợt, lười biếng; cách làm báo như vậy đúng là cần phải ngăn chặn.

- Nếu phải nói thật gọn phẩm chất  hay giản đơn hơn là điều kiện của một phóng viên thường trú?


Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Cố nhà báo Hữu Thọ đã từng nói: Làm báo là phải có tâm, có tầm và có tài. Với tôi, thiết nghĩ cũng trên cơ sở đó, phóng viên thường trú cần có ba điều thôi: Tâm, Thế và Nghề.

Tâm thì như tôi đã nói ở trên rồi, tâm anh làm báo suy ra chính là đạo đức của người làm báo. Nếu anh làm báo vì sự đau đáu cho tiến bộ và văn minh của xã hội, vì chính sự lớn mạnh từng ngày nơi địa phương anh thường trú thì tôi tin, anh em sẽ biết cách đưa tin tốt, biết mạnh mẽ phản ánh cái xấu mà chính địa phương đó họ phải nể phục và kính trọng, thậm chí cảm ơn anh.

Thế là vị trí xã hội của phóng viên thường trú. Điều này rất quan trọng. Phóng viên chỉ là phóng viên, không chức tước nhưng anh vẫn có thể tạo lập một tư cách, một vị thế, một uy tín xã hội lớn nếu anh là cây bút chín chắn, viết sâu sắc, phát hiện vấn đề nhanh nhạy, có cá tính mạnh mẽ, có tâm thế lành mạnh, địa phương người ta sẽ vì thế mà nể trọng, sự nể trọng này sẽ giúp cho anh rất nhiều trong tác nghiệp báo chí. Nhưng thế của anh phóng viên thường trú không chỉ riêng cá nhân anh ta xác lập nên, quan trọng vô cùng là thế của một tờ báo mà anh ta làm việc. Một tờ báo có thương hiệu mạnh chắc chắn phóng viên thường trú sẽ có thế đứng chân mạnh. Nói thật, địa phương nhiều khi nói tên báo ra người ta còn không biết báo nào, xa lạ, thế thì làm sao chỗ đứng làm việc của phóng viên thường trú đủ sức mạnh.

Thứ nữa là rất và rất nhiều phóng viên thường trú của các báo, đa phần là các báo điện tử, họ còn quá trẻ, non nớt, kinh nghiệm sống, hiểu biết xã hội còn hạn chế, rất khó tiếp xúc, rất khó tác nghiệp, đặc biệt khi đụng chạm những vấn đề lớn, những vụ việc gay cấn sẽ rất khó xông pha, chưa nói tới thái độ làm báo của không ít phóng viên trẻ nông nổi, hoặc là quá “bặm trợn”, hoặc là quá non yếu, hoặc là quá hời hợt, điều này ảnh hưởng không chỉ cho cá nhân họ, cho bài viết, mà cho cả uy tín của một tờ báo. Số phóng viên trẻ mới vào nghề này đa phần lại không có hoặc chưa có thẻ nhà báo, chỉ có giấy giới thiệu của toà soạn hoặc thậm chí là văn phòng đại diện, vì thế càng rất khó khăn khi xông vào những sự vụ nhạy cảm.

Nhưng để khắc phục điều này, tạo thế cho phóng viên thường trú là không dễ, cần lâu dài, cần một bước đi mạnh, chắc, chuyên nghiệp ở các toà soạn, cần một sự trưởng thành phấn đấu rất cao của chính cá nhân các phóng viên. Cuối cùng là nghề. Phóng viên thường trú phải giỏi nghề, nghề ở đây ngoài nghề viết, thì còn phải giỏi các lĩnh vực, giỏi tổng hợp, nhanh nhạy, sắc sảo, nếu không anh sẽ rất lúng túng hoặc nông nổi khi phản ánh tin tức, bình luận, điều tra…

- Nhìn vào ba  phẩm chất của phóng viên thường trú là tâm, thế và nghề thì có vẻ như các báo đã rất khó khăn hoặc dễ dãi khi  tuyển chọn phóng viên thường trú?

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn:  Đúng rồi. Khó khăn trong tuyển dụng thì sinh ra dễ dãi. Tôi vẫn tự hỏi, ơ kìa, sao làm phóng viên dễ thế nhỉ? Có những cháu tôi gặp, nói chuyện, không tin được đó là nhà báo. Có cháu thật thà khoe, chú ơi, cháu làm phóng viên chủ yếu là đi lấy quảng cáo, đi hợp đồng giới thiệu thông tin cho các đơn vị thôi ạ, không có lương đâu ạ, nếu có lương thì cũng chả đủ tiền xăng xe đâu ạ, tự sống thôi ạ…Thế thì chết. Ai đời nhiều cháu giới thiệu phóng viên thường trú báo này báo kia oai lắm nhưng mòn mỏi ngày đêm đi kiếm tiền cho tòa soạn thông qua quảng cáo là sao? Đây là vấn đề lớn. Chính đội ngũ phóng viên thường trú “quảng cáo” này đã làm nhiêu khê ra nhiều việc và thậm chí là đang làm mất uy tín nhiều tờ báo. Anh làm báo thế nào khi chỉ hăm hở tới và xin quảng cáo thì viết lách, chữ nghĩa làm sao đây?

 Lại có nhà báo thường trú bị kỷ luật vì vi phạm đạo đức ở báo này ngay lập tức xin sang báo khác, khơi khơi như tuyển  lao động công xưởng thế thì làm sao bảo đảm đầy đủ hai chữ phóng viên? Có những địa phương rất bé mà có tới mấy chục phóng viên thường trú của 3, 4 chục tờ báo, đông như thế nhưng mỗi tháng chỉ có vài tin bài giống nhau…là nghĩa làm sao?

Biết là cho người ta thành lập tờ báo thì người ta có quyền hoạt động, nhưng có vẻ không ổn nếu đội ngũ phóng viên thường trú của một số tờ báo lại chỉ chuyên đi săn quảng cáo…Chưa nói chuyện một số văn phòng đại diện còn sử dụng một đội ngũ các cộng tác viên rất lớn đi lấy quảng cáo, tệ hơn là để tạo thuận lợi cho các cộng tác viên này, người ta ngang nhiên cấp giấy giới thiệu là …phóng viên…Anh em địa phương nói vui, khi xảy ra vụ việc gì, ví dụ có vụ lãn công của một số công nhân chẳng hạn, nhà báo còn đông hơn người lãn công, nhìn trong ảnh thấy ùn ùn người…. Có lẽ phải nghĩ tới việc đào tạo kỹ năng làm báo cho các phóng viên thường trú, vì đa số họ không phải ai cũng được học báo chí, khi kỹ năng làm báo kém mà được làm phóng viên thì hệ lụy nhiều thứ.

- Nhưng cũng phải nhanh chóng sắp xếp, thậm chí rút giấy phép một số tờ báo điện tử….

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn:
Cái này chúng tôi đang làm quyết liệt.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: Infonet
Bình luận
vtcnews.vn