• Zalo

Phòng the lên múa và nghệ thuật tử tế

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 23/01/2013 11:48:00 +07:00Google News

(VTC News) – Bất ngờ, xúc động và đáng ngưỡng mộ là cảm xúc của những người được thưởng thức vở múa đương đại Sương sớm vào tối qua (22/1) tại Hà Nội.

(VTC News) – Bất ngờ, xúc động và đáng ngưỡng mộ là cảm xúc của những người được thưởng thức vở múa đương đại Sương sớm vào tối qua (22/1) tại Hà Nội.

Giữa một ngày đông, Hà Nội như ấm hơn bởi chút nắng, chút tình phương Nam đem đến bởi đoàn múa Arabesque của ông thầy phù thủy, biên đạo múa Tấn Lộc qua vở múa Sương sớm.

Không gian của Rạp Công nhân được các nghệ sỹ dựng lên khiến người ta hoài niệm, nhớ về một nông thôn Việt Nam yên bình vô cùng và những giá trị văn hóa của cha ông còn sống trong lòng người mạnh mẽ.

Hình ảnh trong vở múa Sương sớm tối qua (22/1).

Cái hay của vở này là khán giả được tiếp xúc với một không gian ngập tràn cảm xúc, mà ở đó người ta được sốc lại tình cảm của mình bằng thị giác, thính giác, khướu giác. Một ai đó tiếc là thiếu phần xúc giác, tức là được chạm vào, ôm lấy những thân hình nghệ sỹ chảy tràn mồ hôi và cảm ơn.

Ngay từ cửa của rạp, công chúng được nghe tiếng côn trùng, thưởng thức những món quà thơm thảo của miền Nam, được ngửi đâu đó ngàn ngạt mùi của xả, của hương lúa non.

Khách vừa như tò mò, thích thú ngắm nhìn những tàu lá dừa vừa nhâm nhi chút bánh ngòn ngọt và cứ như thế, đi vào câu chuyện của Sương sớm.

Một cái gì đó rất Việt Nam. Đến nỗi, một Việt Kiều đi xem phải thốt lên, xem vở múa này, yêu Việt Nam quá đỗi, muốn trở về để sống trên mảnh đất cha anh mình, nơi quê hương chưa bao giờ phai nhòa trong ký ức.

Với kết cấu 7 phần Ra đồng; Hương Chùa; Mùa; Đêm; Được mùa; Lụa; Gạo, Sương sớm-The Mist” khắc họa một cách nhẹ nhàng và chân thực bức tranh toàn cảnh về buổi sớm lao động của người nông dân.

Vở múa đương đại này nhằm đề cao và tôn vinh vai trò của người nông dân Việt trong cuộc sống. Chính vì vậy, những hình ảnh về công việc của họ  được tái hiện một cách sâu sắc, đậm chất truyền thống bằng những hình ảnh vô cùng mộc mạc.

Buổi sáng mờ sương của người nông dân chất phác với những công việc quen thuộc: làm đồng, xay gạo, chuẩn bị cho phiên chợ sớm... được lột tả bằng ngôn ngữ của múa đương đại, được thực hiện bởi nhóm múa Arabesque cùng sự dàn dựng của biên đạo múa Tấn Lộc.

Ngoài những động tác vũ đạo hình thể được chăm chút, “Sương sớm” gây ấn tượng với phần trang phục, đạo cụ đậm chất truyền thống như quang gánh, vách tre, tán dừa, lúa gạo...

Cuộc sống của vùng thôn dã sẽ trở nên sinh động hơn khi những tiếng kêu của hơn 60 loài động vật được thu âm trực tiếp tạo hiệu ứng âm thanh sống động và chân thực. Bên cạnh đó, người ta được nghe hò đối đáp, cải lương, nghe Dạ cổ hoài lang, đàn tranh.

Có gì đó nghẹn ngào, có gì đó mênh mông buồn, những đấu tranh tưởng như không ngừng nghỉ để vươn lên cuộc sống. Và tất nhiên, cả niềm vui của ngày được mùa, những đôi bàn tay xinh xắn hứng lấy những trận mưa gạo.

Kết thúc buổi diễn, nghệ sỹ của đoàn cùng với khán giả đã ngồi lại với nhau, để chia sẻ và ai đó nghẹn ngào, rưng rưng.

Một khán giả, người từng sống ở Nga nhiều năm, ngưỡng mộ vở ballet Hồ thiên nga đã rất xúc động phát biểu, trong hành trình sống của bà, đây là lần đầu tiên thấy nghệ thuật múa đẹp đẽ đến vậy, đôi chân thiên nga sải bước trên đồng ruộng Việt Nam.

Ấy là tài năng của nghệ sỹ múa Tố Như, người kiệm lời đến kỳ lạ. Khi được hỏi, chị chỉ nói mình múa thì giống như cảm giác là lụa, là thứ gì đó bay bổng, rồi nhoẻn miệng cười. Tấn Lộc phải đỡ lời, múa giỏi nhưng nói không giỏi.

Trong đoạn múa ấy, Tố Như đã sử dụng kỹ thuật đi bằng mũi chân và những động tác hết sức dẻo dai, đẹp mắt cùng với bạn diễn Ngọc Khải với cảnh phòng the được miêu tả hình tượng.

Dù là ở hai thế hệ khác nhau nhưng họ có cùng điểm chung là đam mê với bộ môn nghệ thuật này và vì thế, phân cảnh múa này đầy cuốn hút. Nó đánh thức khán giả bằng cả thị giác và thính giác. Tiếng đàn tranh của nghệ sỹ Hải Phượng vẫn réo rắt trên những cảnh múa ấy.

Biên đạo múa Tấn Lộc cho hay: Bản thân anh cùng ekip đã phải xuống tận những vùng quê sông nước Nam bộ để tìm hiểu và cảm nhận đời sống lam lũ nhưng tràn đầy lạc quan, sức sống thôn dã của bà con nơi đây, nhằm đưa đến cho công chúng một bức tranh sinh động nhất về nông thôn.

Chia sẻ về quyết định có phần liều lĩnh khi đưa cả ekip trình diện khán giả ở Hà Nội, biên đạo múa tài năng này cũng cho hay anh không đặt nặng vấn đề kinh doanh, mà muốn đưa nghệ thuật múa đương đại đến gần hơn với công chúng.
Nghệ sỹ múa Ngọc Khải và Tố Như.

Trên thực tế, việc bán vé cho show diễn này cũng có phần khó khăn, chỉ vài trăm tấm vé được bán ra. Nhưng cũng chẳng sao, cái mà Tấn Lộc đem đến cho công chúng thủ đô là hiểu về múa, yêu múa và trân trọng nghệ sỹ, trân trọng những giá trị văn hóa của ông cha. Thứ mà đôi khi, lớp trẻ trong nhịp sống hối hả quên đi.

Khán giả của buổi diễn là những người thực sự yêu múa và rất nhiều trong số đó là khách nước ngoài. Họ bất ngờ vì được ngập tràn trong cảm xúc đầy Việt Nam ấy. Xem vở múa, thấy yêu những người làm nghệ thuật tử tế, những giọt mồ hôi đổ ra để cống hiến.

Giữa lúc gần Tết nguyên đán, khi người ta còn đang mạn bàn về sự hội nhập, về sự chuyển hay không chuyển ăn Tết ta theo Dương lịch, thì Tấn Lộc, đạo diễn Việt Tú đã làm được một việc đáng trân trọng. Và tất nhiên, làm việc này, họ sẽ không có kinh tế, món quà duy nhất là niềm vui, được làm điều mình thích, điều tử tế cho khán giả.

Chuyết Nhi
Ảnh: Thế Dương

Bình luận
vtcnews.vn