Phát hiện trên 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp ở địa phương
Tại hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính đảng năm 2022 diễn ra ngày 4/1, báo cáo của các địa phương cho biết, ngay sau khi được thành lập, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương đã có nhiều hoạt động bài bản, nề nếp, đang dần khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Trên toàn quốc, Ban chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy đã rà soát đưa vào diện Ban chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, xử lý trên 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp ở địa phương.
Qua đó cho thấy, việc các Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập và nhanh chóng triển khai hoạt động đã thể hiện quyết tâm cao của các tỉnh ủy, thành ủy trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khẳng định chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đến nay, TP Hà Nội đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban chỉ đạo của thành ủy thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện đầy đủ các chức năng, quyền hạn, chế độ làm việc theo quy định.
“Sau khi thành lập, Ban chỉ đạo đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ đạo thành phố đã ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương, kết luận của Thường trực Ban Bí thư về công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng”, bà Nguyễn Thị Tuyến cho biết.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, đến nay, Ban chỉ đạo thành phố đã tổ chức 5 phiên họp, tập trung chỉ đạo xử lý 28 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
“Ban chỉ đạo đã chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm”, bà Nguyễn Thị Tuyến cho biết.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho rằng, từ kết quả công tác Nội chính Đảng của Đảng bộ thành phố năm 2022, Thành ủy Hà Nội rút ra 4 bài học kinh nghiệm. Trong đó, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đề cao tính kỷ cương, trách nhiệm, thượng tôn pháp luật, tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu trong hệ thống chính trị.
Cùng với đó, chú trọng đổi mới công tác tham mưu của Ban Nội chính Thành ủy, các cơ quan nội chính Thành phố và Văn phòng các quận, huyện, thị ủy về lĩnh vực nội chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thường trực Thành ủy, Ban Chỉ đạo Thành phố quyết liệt trong chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ rệt trong chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án….
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm
Nêu thực tế tại địa phương sau khi Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh An Giang, ông Lưu Vĩnh Nguyên - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang cho biết, địa phương đã đưa ra xét xử phúc thẩm 1 vụ, chuẩn bị xét xử sơ thẩm 3 vụ, 1 vụ đang trong quá trình truy tố, 1 vụ đang trong quá trình tiếp tục điều tra thuộc diện Ban chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo; đề xuất Ban thường vụ, Ban chỉ đạo cấp tỉnh thống nhất theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc 6 vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương, 2 vụ thuộc diện Ban thường vụ và thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.
“Nhìn chung, năm 2022, Ban đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy đã tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, tạo hiệu quả cao trong công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Đồng thời phối hợp với các cơ quan tố tụng chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm”, ông Lưu Vĩnh Nguyên cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, mặc dù mới 6 tháng đi vào hoạt động, nhưng Ban chỉ đạo của tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định vai trò thực tiễn mạnh mẽ, tạo niềm tin cho người dân và tạo sự răn đe đối với cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, số lượng đơn thư gửi Ban chỉ đạo cấp tỉnh tăng lên, việc xử lý trở nên bài bản hơn, hiệu quả, chặt chẽ hơn.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Ban chỉ đạo tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã chỉ đạo các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực và chủ động nắm thông tin, tình hình về hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn. Đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực như đấu giá, đấu thầu tài sản công…
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực; tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng theo quy định.
“Năm 2022, đoàn thanh tra tỉnh đã thực hiện hơn 430 cuộc, kiến nghị xử lý kinh tế 21 tỷ đồng, thu hồi được 18 tỷ đồng (đạt hơn 86%); cấp ủy, Ủy ban kiểm tra đã kỷ luật 153 đảng viên về các vi phạm tham nhũng, cố ý làm trái”, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, Thái Nguyên là tỉnh đi đầu trong thực hiện ứng dụng để có thể khai thác, phục vụ công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm” một cách hiệu quả; đồng thời thông tin kịp thời hoạt động của Ban chỉ đạo tới người dân mỗi phiên họp.
“Chúng tôi có quan điểm phòng còn hơn chống, làm sao cung cấp cho cán bộ, đảng viên nhiều kiến thức về thực tiễn, kiến thức về các quy định của Đảng, pháp luật để tránh xa những sai phạm. Đây được xem là những liều thuốc vaccine để làm sao cán bộ, đảng viên có khả năng phòng, chống tham nhũng".
Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết điều này, đồng thời lấy ví dụ trong tháng 12/2021, địa phương đã mời các báo cáo viên là những người trực tiếp làm án đến trao đổi, tập huấn cho các cán bộ về những vụ việc cụ thể, những sai sót, thủ đoạn che giấu của các đối tượng, từ đó rút ra kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá, đấu thầu, quản lý tài nguyên khoáng sản, tài sản công.
Qua việc phát hiện sai phạm trong các vụ án, vụ việc ở nhiều lĩnh vực, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng, cơ quan chức năng cần rút ra những điểm cần lưu ý về sự chồng chéo, bất cập, mâu thuẫn trong pháp luật, nhất là trong đấu giá, đấu thầu, quản lý đất đai và tài nguyên khoáng sản để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng tốt hơn; qua đó cán bộ, đảng viên cũng có hành lang pháp lý chặt chẽ để tự tin thực hiện công việc, bởi “thời gian qua cũng có hiện tượng cán bộ lo lắng, né tránh việc khó, việc phức tạp để giữ an toàn, thậm chí thận trọng quá mức”.
Bình luận