Mới chỉ đầu hè,thời tiết ngoài trời tại Hà Nội luôn vượt ngưỡng 40 độ C. Thời tiết nắng nóng kéo dài từ 5 giờ sáng cho tới 18 giờ tối đã khiến Thủ đô như một "chảo lửa". Nhiều ô tô phơi nắng ngoài trời có thể đạt nhiệt độ lên tới 60 - 70 độ C, thậm chí là 80 độ C.
Theo kỹ sư Lê Văn Tạch (Cty Toyota Việt Nam), nếu ô tô để ngoài nắng lâu thì nhiệt độ trong xe sẽ tăng rất cao do hiệu ứng nhà kính. Nhiệt độ có thể lên tới khoảng 90 độ C, nếu nhiệt độ ngoài trời khoảng 40 độ C. Tuy nhiên, các chi tiết trong xe được thiết kế để chịu được nhiệt độ đó.
Việc để ô tô phơi nắng quá lâu sẽ khiến cao su, nhựa và các dung môi bên trong xe sẽ hóa hơi, tan chảy và làm hỏng hóc phụ tùng xe. Ngoài ra, dầu bôi trơn trên núm điều khiển điều hòa, chân phanh,... sẽ kém hiệu quả do dầu bôi trơn bị khô lại.
Đặc biệt, hiện tượng quá nhiệt sẽ làm chết ác-quy do làm tăng hiện tượng phản ứng hóa học, đường ống dẫn khí, nước làm mát dễ bị hỏng, lốp xe dễ bị tăng áp suất, lớp sơn vỏ xe nhanh phai màu...
"Tất nhiên là khi nhiệt độ cao thì các chi tiết bằng vật liệu nhựa, cao su sẽ nhanh biến tính hơn nên tuổi thọ của chúng sẽ giảm", kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết thêm.
Để tránh các hiện tượng trên, chủ xe nên mua phông, bạt về che chắn cho "xế hộp" của mình. Trong trường hợp không thể tìm được chỗ đỗ xe có bóng mát, chủ xe nên đỗ ở những nơi xuôi với ánh sáng mặt trời và dùng tấm che nắng phản quang che kính sau, kính trước của xe.
Video: Đo nhiệt độ trên ô tô
Thường xuyên kiểm tra hệ thống dầu bôi trơn ở các linh kiện như chân phanh, hộp số,.... Ngoài ra, chủ xe có thể lắp thêm hệ thống quạt tản nhiệt cho xe để giảm thiểu các tác động xấu khi phơi xe ngoài nắng nóng.
Anh Hoàng Linh, chủ một salon ô tô trên đường Dương Đình Nghệ (Hà Nội) khuyến cáo, không nên để ô tô phơi nắng quá lâu: "Trong trường hợp để ô tô ngoài trời nắng, nóng quá lâu, chủ xe lên sử dụng các biện pháp an toàn như phủ bạt, che chắn cho xe hoặc thi thoảng dội nước lên xe để giảm nhiệt độ, gây ra các tác động xấu cho xe".
"Phơi nắng ô tô quá lâu cũng sẽ làm cho không khí bên trong xe rất độc, tạo ra các mùi khó chịu. Vì vậy, trong trường hợp để xe phơi nắng, chủ xe nên bật máy khoàng 5 - 10 phút để bay đi hơi độc trên xe", anh Linh nói.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo, nên thường xuyên rửa xe trong thời tiết nắng nóng, vừa để giảm nhiệt trên xe, vừa để phủi đi bụi bẩn bám trên bề mặt có thể khiến xe ô tô hấp thụ nhiều nhiệt hơn. Lưu ý, không nên rửa xe dưới ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, tìm nơi thoáng mát để rửa. Vì kim loại nóng sẽ làm khô xà phòng và hỗn hợp nước bám trên sơn,để lại vết bẩn trên bề mặt xe.
Nắng nóng cũng khiến đường ống làm mát dễ bị nứt, két nước bị rò rỉ. Nước bốc hơi tạo nhiều hơi trong đường ống, có thể làm liệt vị trí mối nối, thậm chí gây nổ đường ống. Nếu đường ống và mối nối tốt, nhiệt độ sẽ tăng lên nữa, piston bị giãn nở, dẫn đến hiện tượng "bó máy", gây thiệt hại. Nên kiểm tra tổng thể hệ thống làm mát.
Cùng với đó, còn phải kiểm tra cả dây đai. Dây đai có tác dụng làm chạy quạt, hỗ trợ phần nào quá trình làm mát động cơ.
Tránh các vật dụng gây cháy nổ như nước ngọt có gas, bật lửa và mỹ phẩm, dược phẩm,.... vì các vật dụng này sẽ gây cháy khi để trên xe. Thậm chí, bình cứu hỏa mini cũng sẽ là nguyên nhân trực gây cháy nổ vì chúng chỉ chịu được nhiệt độ trên dưới 55 độ C.
Để đảm bảo an toàn và làm tăng tuổi thọ của xe, ô tô nên được thường xuyên bảo dưỡng, chăm sóc định kỳ, đặc biệt là vào mùa hè.
Bình luận