• Zalo

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Hà Nội: 'Cướp' ở đền Gióng là 'cướp có văn hóa'

Thời sựThứ Ba, 03/03/2015 08:50:00 +07:00Google News

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long khẳng định cướp hoa tre ở lễ hội đền Gióng là một phong tục từ xa xưa, đó là 'cướp có văn hóa'.

(VTC News) – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chia sẻ quan điểm về một số lễ hội gây tranh cãi diễn ra đầu năm 2015.

Tại buổi họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 3/3, ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã chia sẻ quan điểm xung quanh một số lễ hội đầu năm 2015.

Ông Long cho rằng, khi bàn về các lễ hội, chưa nói đến việc phản ánh đúng hay không, thì nhiều khi báo chí lên tiếng phê phán lễ hội nhưng chưa có cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn.

Điển hình, vừa qua, báo chí có phản ảnh có xảy ẩu đả, đánh nhau trong lễ hội đền Gióng năm 2015. Tuy nhiên, ông Phan Đăng Long một lần nữa khẳng định, hình ảnh lộn xộn, đánh nhau tại lễ hội Gióng chuyện xảy ra từ những năm trước. Năm nay, các cơ quan chức năng cũng như Ban tổ chức đã vào cuộc kiểm tra và nhận thấy không hề có tình trạng đánh nhau.

 Ông Phan Đăng Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
“Không hiểu sao báo chí lại làm rất ghê gớm về việc đó. Ngay cả Đài truyền hình Trung ương cũng đem tư liệu từ năm 2014 để phát lên. Một số tờ báo cũng đưa ảnh của những năm trước. Cả ảnh ở lễ hội đình Giàn mà gần đây báo chí có nêu đoàn rước kiệu phá xe ô tô của người đi đường cũng là ảnh của năm trước,” ông Long nói.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, cướp hoa tre ở lễ hội đền Gióng là một phong tục từ xa xưa. 

“Trong lễ hội có tục cướp lộc. Đây là tục có từ xưa, quan niệm của dân làng là nếu ai cướp được lộc thì sẽ may mắn cả năm, sinh sôi nảy nở. Nhưng cũng cần lưu ý, chữ ‘cướp’ ở đây không phải là cướp giật mà cướp có văn hóa, cướp theo tục lệ giống như tục cướp vợ của người Mông,” ông Long cho hay.

Nói về một số lễ hội khác gây nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian gần đây, điển hình là lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, hay tục đập trâu đến chết ở Phú Thọ… ông Phan Đăng Long cho rằng, những tập tục này không còn phù hợp với xã hội hiện nay. Với những gì còn cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp như vậy thì chúng ta nên dần dần loại bỏ. 

“Nếu những lễ hội trên mang tính dã man, chúng ta nên góp ý theo cách tìm ra giải pháp phù hợp, nên tìm ra cách cải tiến, có sự ‘di phong dịch tục’ cho hợp lý, đừng phê phán theo kiểu nhổ bỏ tất cả sẽ động chạm đến tâm linh tín ngưỡng của người dân. Ví dụ như thay vì chém lợn hay đập chết trâu, chúng ta có thể tiến hành với một vật thay thế khác phù hợp hơn,” ông Long nói.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn