Thông tin được ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương chia sẻ tại hội thảo “Khơi thông dòng vốn trung, dài hạn cho phát triển kinh tế xã hội” – một trong 7 chuyên đề của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.
Ông Nghĩa nói: “Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn”.
Theo ông Nghĩa, những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn của kinh tế tư nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan và chủ quan, từ cơ chế chính sách và từ bản thân doanh nghiệp và các định chế tài chính, tính dụng, ngân hàng.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng những năm qua, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, khu vực tư nhân đã không ngừng phát triển, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Vẫn theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn theo năng lực tài chính, kinh doanh đồng thời mở rộng kênh cấp vốn tín dụng khác (bảo lãnh, thuê tài chính...) của tổ chức tín dụng cho nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa
Đồng thời chủ động, linh hoạt điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản cho tổ chức tín dụng, duy trì mặt bằng lãi suất thị trường ổn định nhằm cân đối vốn kịp thời hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng cân đối năng lực tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với mức độ rủi ro khoản vay và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động cấp tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có doanh nghiệp tư nhân; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay; cải cách quy trình và thủ tục hành chính trong cho vay nhằm giảm bớt phiền hà cho khách hàng trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về cấp tín dụng.
“Các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận được vốn tín dụng dễ dàng với lãi suất hợp lý”, ông Tú nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, sự mất cân đối giữa kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn còn rất bất cập. Trong khi nhu cầu vốn trung, dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh rất lớn, nhưng thị trường vốn chưa phát triển đủ cả về quy mô và chất lượng để có thể đáp ứng được nhu cầu này. Do đó, vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn phải dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 50,6% tổng dư nợ).
Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro rất lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng. Do đó, để đáp ứng nhu cầu vốn trung, dài hạn của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung thì phát triển thị trường chứng khoán là điều kiện tất yếu, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là các nhu cầu vốn trung, dài hạn.
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng thời gian qua, thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn trung - dài hạn cho đầu tư phát triển đã có sự phát triển đáng ghi nhận.
Thứ trưởng Bộ Tài chính dẫn chứng, những năm 1998, 2000, Việt Nam chỉ có trong tay một nghị định phát triển thị trường chứng khoán, cơ quan nhà nước làm hết tất cả mọi việc để hình thành và phát triển thị trường chứng khoán.
“Chúng tôi đánh giá cơ quan nhà nước của Việt Nam đã trở thành "bà đỡ" cho thị trường chứng khoán phát triển”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông, kết quả trên có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Trong đó, việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các công ty nhà nước trên sàn chứng khoán được đánh giá cao.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thêm, thị trường chứng khoán mới có từ năm 2000 song phát triển nhanh và tương đối bền vững. Mỗi năm, thị trường này tăng trưởng bình quân 25%. Nếu như năm 2010, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán chiếm 52,5% GDP thì đến năm 2018, quy mô thị trường vốn là 111% GDP.
“Hiện, trên 1.000 doanh nghiệp niêm yết, tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa lớn. Huy động vốn qua thị trường chứng khoán tốt”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, thị trường này được chính phủ quan tâm, chú trọng phát triển. Nhà nước cũng đề ra khung pháp lý phù hợp để các doanh nghiệp phát triển.
“Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp là thị trường mới, non trẻ. Các doanh nghiệp lấy tiền vay ngân hàng để phát triển nguồn vốn thì gặp nhiều rủi ro nên việc huy động vống qua chứng khoán có thể hạn chế điều này”, ông Sơn nói.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra từ 2 - 3/5 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì.
Phiên toàn thể với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, gần 50 ủy viên trung ương Đảng, gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng và lãnh đạo các tỉnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư TP.HCM và ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội tham dự với tư cách khách mời.
Bình luận