- Thưa ông, tôi quan tâm về phát biểu của ông tại Diễn đàn Tổng Biên tập: “Ở tầm vĩ mô, các cơ quan báo chí không thể tự thân giải quyết được khi gặp những khó khăn, bắt buộc các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ xứng đáng...”. Trong vấn đề chuyển đổi số báo chí, bài toán chính sách nào theo cách nhìn nhận của ông là sự “hỗ trợ xứng đáng” trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của toàn xã hội nói chung và báo chí nói riêng. Ở Việt Nam trừ một số cơ quan báo chí lớn, một vài đơn vị báo chí được hình thành trên cơ sở những công ty công nghệ lớn đứng sau, có thể chủ động ở mức độ nào đó xây dựng kế hoạch chiến lược chuyển đổi số cho riêng mình, và tự triển khai thực hiện, còn lại phần lớn là đang đứng trước những khó khăn trong việc xác định hướng đi, cách làm, công nghệ, nguồn lực cho chuyển đổi số.
Trên thực tế, theo quan sát của tôi, có một số cơ quan báo chí đã đạt được những kết quả ban đầu nhưng hiệu quả kinh doanh từ các nền tảng số cũng chưa như kỳ vọng. Ngay cả những cơ quan báo chí chủ lực, có vai trò vị trí hết sức quan trọng, thì cũng cần những hỗ trợ về nguồn lực công nghệ, tài chính, chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, đảm bảo tránh những rủi ro có thể xảy ra. Những vấn đề lớn như an toàn an ninh thông tin, bảo vệ bản quyền, chia sẻ các nền tảng kỹ thuật, công nghệ chung trong điều kiện nguồn lực hạn chế, chính sách quản lý quảng cáo, chính sách khuyến khích về thuế… là những vấn đề mà các cơ quan báo chí không thể tự mình giải quyết được, cần sự đồng hành của thể chế, chính sách.
Tôi nhận thấy trong những năm gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện rất tốt vai trò dẫn dắt định hướng của mình và có nhiều hỗ trợ đối với báo chí. Chúng tôi mong muốn các bộ ngành khác cũng dành sự quan tâm thỏa đáng cho việc hỗ trợ chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí.
- Hỗ trợ từ chính sách cũng cần có thời gian mà sự chuyển động nhanh chóng của thông tin, của công nghệ, của thị hiếu công chúng khiến chúng ta không thể cứ chờ và bỏ lỡ cơ hội. Chuyển đổi số ở góc độ nào đó thì quan trọng nhất vẫn là câu chuyện “tự thân” của mỗi cơ quan báo chí, không có một mô hình chuẩn cho tất cả. Thưa ông, với Đài Tiếng nói Việt Nam, hành trình chuyển đổi số ấy đang bắt đầu từ đâu và diễn ra như thế nào?
Đúng như vậy. Nhưng tận dụng cơ hội nhanh mà làm không đúng cũng thất bại hoặc không đi đến đâu. Nỗ lực tự thân của các cơ quan báo chí là quan trọng nhất nhưng phải dựa trên chiến lược, chính sách đúng đắn. Thật ra là đại đa số các cơ quan báo chí đang chủ động nắm bắt xu hướng chuyển đổi và chọn cách làm vừa sức mình. Kết quả mang lại ban đầu rất tích cực.
Báo chí Việt Nam không còn xa lạ với môi trường số, cá biệt có những sản phẩm báo chí số rất chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu thông tin, giải trí của công chúng số. VOV cũng nằm chung trong dòng chảy trên, lợi thế của chúng tôi là chuyển đổi trên nền một cơ quan báo chí đa phương tiện, báo chí số là tích hợp được tính đa phương tiện trong mỗi tác phẩm, vì vậy ít nhiều cũng có những thuận lợi nhất định.
Hiện nay tất cả các đơn vị biên tập của VOV đã có mặt trên hầu hết các nền tảng số phổ biến. Bên cạnh những nền tảng do VOV tự đầu tư, phát triển như hệ điều hành cho các báo điện tử, các ứng dụng cho phát thanh (VOVmedia, VOVlive…), truyền hình (VTCnow, VOVTV), chúng tôi hầu như không bỏ qua nền tảng xuyên biên giới nào (Youtube, facebook, spotify, tiktok…).
Chúng tôi cũng bước đầu xây dựng được những nền tảng nội bộ để giúp các đơn vị biên tập, các phóng viên, biên tập viên có thể chia sẻ khai thác nguồn lực nội dung chung của hệ thống, tạo ra những sản phẩm báo chí riêng phù hợp với từng loại hình, từng kênh.
- Tạo ra những sản phẩm báo chí riêng phù hợp từng loại hình, chắc hẳn những đòi hỏi về kỹ năng, về con người triển khai thực hiện cũng là điều cần đặt ra, thưa ông?
Điều quan trọng nhất theo tôi, bên cạnh tiềm lực về khoa học công nghệ kỹ thuật, thì chúng ta phải có một đội ngũ phóng viên, biên tập viên nắm được kỹ năng số, có văn hóa số, có khả năng tạo ra những sản phẩm báo chí số, biết những kỹ năng đóng gói phân phối trên các nền tảng phù hợp. Có lẽ đấy là điều cần quan tâm nhất.
Chúng tôi nhận thấy, khó khăn nhất hiện nay chính là đội ngũ cán bộ công nghệ kỹ thuật có thể hỗ trợ quá trình sản xuất phân phối, quản trị hệ thống. Đây là khó khăn phổ biến, nằm trong cái thiếu chung về nguồn nhân lực kỹ thuật số cả nước. Chúng tôi cũng nhận thấy cần phải quy hoạch sắp xếp lại Hệ thống nội dung số của VOV sao cho hợp lý, bài bản, khoa học hơn nữa.
VOV được các cơ quan quản lý giao xây dựng nền tảng số chung cho ngành phát thanh Việt Nam; đồng thời xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể cho chính bản thân mình. Hai việc đó đang được chúng tôi bàn bạc, chuẩn bị.
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng, xác định được công chúng muốn gì đó là mục tiêu hướng đến của báo chí, công nghệ cũng chỉ là phục vụ cho việc đó. Là lãnh đạo phụ trách về mặt nội dung của Đài Tiếng nói Việt Nam, quan điểm của ông như thế nào về điều này?
Như tôi đã nói nhiều lần, đối với bất kỳ cơ quan báo chí nào, lượng công chúng là một tiêu chí hàng đầu đánh giá hiệu quả, uy tín, vị thế xã hội của cơ quan báo chí đó. Ở đâu có công chúng thì ở đó có báo chí. Công chúng ngày nay khác hoàn toàn so với trước đây. Họ tiếp cận thông tin, nội dung trên cơ sở chủ động chứ không bị động, đặc biệt là trên các thiết bị cầm tay thông minh, mà sự tích hợp điển hình nhất là điện thoại.
Tôi nghĩ rằng trong thời gian không xa, với thế hệ ô-tô điện, ô-tô thông minh phát triển, công chúng cũng rất dễ dàng tiếp cận thông tin nội dung khi ô-tô được kết nối thông qua mạng 4G, 5G… Như vậy có nghĩa rằng chúng ta không còn độc quyền mà phải đi tìm công chúng, sản xuất những nội dung đáp ứng nhu cầu của họ.
Trên môi trường số có một điểm thuận lợi là chúng ta đo đếm được công chúng một cách chính xác, thậm chí trí tuệ thông minh AI có thể giúp nắm bắt được công chúng đang quan tâm đến vấn đề gì, họ thích những loại thông tin nào. Các nhu cầu và thói quen tiếp cận thông tin của họ, từ đó có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất nội dung cho phù hợp. Vấn đề nằm ở khả năng thích ứng và chuyển đổi linh hoạt của các cơ quan báo chí.
Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, bên cạnh các đơn vị truyền hình, báo điện tử, thì các kênh phát hành thông qua môi trường số cũng đã và đang nắm bắt được tốt hơn nhu cầu của công chúng, nói cách khác là các đồng nghiệp phát thanh của chúng tôi thông qua môi trường số có thể hiểu hơn thính giả của mình.
Công nghệ đã mang đến cho những người làm báo các cơ hội phát triển tuyệt vời. Nhưng nếu chúng ta chỉ làm báo theo lối mòn, theo nếp nghĩ cũ kỹ thì nền tảng số hay môi trường số cũng không giúp ích gì. Công chúng luôn có lựa chọn khác!
- Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận