• Zalo

Phó Tổng giám đốc FPT: 'Người Việt lười suy nghĩ, dễ bị dắt mũi, đầy định kiến'

Thời sựThứ Bảy, 20/05/2017 07:26:00 +07:00Google News

Chia sẻ gần đây của Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo đã “gây bão” trên mạng xã hội khi ông phân tích và chỉ ra rằng người Việt đang lười suy nghĩ, dễ bị dắt mũi và đầy định kiến.

Bài viết “Lười suy nghĩ, dễ bị dắt mũi, đầy định kiến” của ông Đỗ Cao Bảo đã nhận được gần 2.000 like trên Facebook và gần 300 lượt bình luận và chia sẻ. Đa số các ý kiến bình luận đều có cùng nhận định với tác giả Đỗ Cao Bảo.

Hinh anh Pho Tong giam doc FPT Do Cao Bao: Nguoi Viet luoi suy nghi, de bi dat mui, day dinh kien

Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo.

Lười suy nghĩ, dễ bị dắt mũi, đầy định kiến

Tình cờ vào facebook của một bạn thấy một status với chủ đề “Hãy so sánh”, với nội dung như sau:

" Hãy so sánh

Cầu trên biển Mỹ - Cu Ba: 120 triệu usd/143 km. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: vốn đầu tư xây dựng 868,04 triệu usd/13,05 km. Nên nhớ điều kiện thi công trên biển khó khăn khắc nghiệt hơn nhiều. Tại sao đất nước này nghèo mạt là vậy. Nợ công cứ phình ra là vậy”.

Kèm theo là một đường link một bài báo tiếng Việt có đoạn: "Một hợp đồng trị giá 120 triệu USD vừa được ký kết trong thỏa thuận xây dựng do chính quyền Mỹ đề xuất vào năm ngoái...".

Chỉ sau 18 giờ status này có hơn 500 like, hơn 400 share, gần 100 comment, trong đó 90% comment đều nói giá thành xây cầu ở Mỹ rất thấp, giá thành xây cầu, đường ở Việt Nam quá cao, cao hơn hàng chục lần, tham nhũng thật khủng khiếp, nợ công cao, đất nước nghèo là ở đây.

Cây cầu Mỹ - Cuba có đúng giá chỉ 120 triệu USD?

Ông Đỗ Cao Bảo sinh ngày 18/06/1957, là cử nhân Toán điều khiển - Học viện kỹ thuật quân sự. Đầu năm 2016, tập đoàn này đã bổ nhiệm ông Đỗ Cao Bảo - vào vị trí Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh chung của FPT. Ông Cao Bảo phụ trách các khách hàng chiến lược, các dự án, đề án chiến lược, cấp bộ, nhà nước, phụ trách hoạt động đối ngoại chung và công tác truyền thông của tập đoàn FPT. Ông cũng là Uỷ viên hội đồng quản trị của tập đoàn.

Bằng hiểu biết của bản thân, ngay lập tức tôi cảm thấy giá thành xây cầu trên biển dài 143 km mà chỉ hết có 120 triệu USD là không đúng (840.000$/km).

Đọc kỹ bài báo thì tôi thấy: Trong bài báo chỉ nói 1 hợp đồng 120 triệu USD được ký kết trong thoả thuận xây dựng cây cầu nối Floria và Cu Ba chứ không hề nói hợp đồng xây dựng cây cầu hết 120 triệu USD.

Tìm hiểu kỹ thì tôi biết biển từ Floria đến Cu Ba có đoạn độ sâu lên đến 3.000 mét. Việc xây dựng cầu trên biển có độ sâu như vậy là rất tốn kém, không thể có giá 840.000$/km được.

Hơn nữa thông thường một thoả thuận đầu tư quốc tế được ký kết thì người ta cần làm các công việc sau: (1) Nghiên cứu tiền khả thi (2) Thiết kế kỹ thuật tổng dự toán (3) Đấu thầu (4) Thi công

Như vậy bây giờ cầu nối Cu Ba và Mỹ mới đang ở bước 1, bước nghiên cứu tiền khả thi, chưa thiết kế, chưa tính tổng dự toán nên chưa thể biết xây cây cầu ấy hết bao nhiêu tiền.

Cho nên rất nhiều khả năng số tiền 120 triệu USD chỉ là số tiền đầu tư để nghiên cứu tiền khả thi (đến tháng 4 năm 2016 vẫn nhiều chuyên gia tranh cãi cho rằng việc xây cầu ở độ sâu nước biển 3.000 mét là không khả thi và không hiệu quả).

Số tiền thiết kế chắc chắn còn lớn hơn nhiều lần, còn số tiền để thi công chắc chắc còn lớn hơn hàng chục lần.

Giá xây cầu trên biển hết bao nhiêu?

Đi tìm hiểu thông tin về giá thành xây dựng cầu trên biển hết bao nhiêu tiền một km tôi tìm được 2 tham chiếu là cầu Penang 2 Malaysia và cầu Oakland Mỹ.

Đây là một số thông tin tham khảo:

Penang 2 Malaysia là 91,6 triệu USD/km

Cây cầu Panang 2 của Malaysia nối Batu Kawan với Batu Maung dài 16,37 km với 2 làn xe ô tô, 1 làn xe máy, khởi công năm 2009, khánh thành năm 2014 với giá thành 4,5 tỷ RM tương đương 1,5 tỷ USD.

Như vậy giá thành cầu Panang 2 là 91,6 triệu USD/km, cao hơn 109 lần giá 840.000$ mà gần 500 bạn trong status trên tưởng tượng.

Cầu Oakland Mỹ: 272 triệu USD/km

Cầu trên biển Oakland Bay xây trên vịnh San Francisco (Mỹ) khánh thành năm 1936: (1) Cầu Oakland xây trên vịnh San Francisco (nông hơn biển Floria Cu Ba). (2) Cầu dài 14 km, trong đó 5,924 km 2 nhịp chính, 5 làn xe (3) Giá thành xây cầu là 79,5 triệu USD thời giá năm 1936 (5,68 triệu USD/km) (4) Giá vàng năm 1936 25$/ounce, năm 2017 1.200$/ounce (cao gấp 48 lần)

Như vậy giá thành cầu Oakland là 272 triệu USD/km, cao hơn 324 lần giá 840.000$ mà gần 500 bạn trong status trên tưởng tượng.

Video: Chủ tịch FPT Software tâm sự quyết định cho con nghỉ học trường chuyên Hà Nội Amsterdam

Bài học

Tại sao khi mà mới chỉ một bài báo tiếng Việt nói ký kết hợp đồng thoả thuận xây dựng mà chủ thớt đã suy luôn ra là giá thành xây cầu mà đến hơn 500 bạn tin, like, share.

Tại sao một thông tin giá thành xây cầu trên biển nối Cu Ba với Mỹ thấp hơn 109 đếm 324 lần giá trị thật mà hơn 500 bạn vẫn tin, like, share và gần 100 bạn (chiếm 95%) comment theo hướng kết luận giá thành cao như vậy là Việt Nam khi xây cầu tham nhũng khủng khiếp.

Tại sao không có bạn nào chịu khó tra cứu tin nguyên gốc từ tiếng Anh để biết chính xác thông tin.

Lưu ý rằng chủ thớt đăng bài khơi mào là kỹ sư kinh tế. Hầu hết 500 bạn có trình độ đại học, trong đó có cả kỹ sư giao thông.

Điều này thể hiện rất rõ nhiều người Việt chúng ta không có chính kiến, không có suy nghĩ độc lập, lười suy nghĩ, dễ bị người khác dắt mũi và đầy định kiến.

Tôi có mong muốn các bạn thấm nhuần một nguyên lý muốn thoát nghèo thì cần có cách tư duy, cách nghĩ đúng. Chỉ có tư duy đúng, nghĩ đúng thì mới có hành động đúng và hành động đúng thì mới cho ra kết quả tốt.

Đỗ Cao Bảo
Bình luận
vtcnews.vn