• Zalo

Phó tổng EVN phủ nhận lương sếp lớn 150 triệu đồng

Kinh tếThứ Sáu, 23/12/2011 12:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thẳng thắn công bố, quyết định tăng giá điện 5%, EVN sẽ thu thêm 500 tỷ đồng/tháng.

(VTC News) – Trong buổi đối thoại trực tuyến do báo điện tử Vnexpress tổ chức chiều 22/12, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thẳng thắn công bố, quyết định tăng giá điện 5% (tương ứng với 62 đồng/kWh) ngày 20/12 vừa qua, EVN sẽ thu thêm 500 tỷ đồng/tháng.

Ông Đinh Quang Tri khẳng định, với mức tăng giá điện 5%, EVN sẽ thu bình quân được khoảng 500 tỷ đồng doanh thu tăng thêm. Tuy nhiên, theo ông Tri, đợt tăng giá điện này được tính toán theo giá thành sản xuất kinh doanh điện dự tính cho năm 2012 đã được liên Bộ Công Thương - Tài chính kiểm tra, rà soát và một phần phí dịch vụ môi trường rừng chưa được tính vào giá điện.

“Việc tăng giá điện đợt này chưa tính phân bổ khoản chi phí phát sinh tăng thêm của khâu phát điện và mua điện giá cao năm 2010 do hạn hán (khoản lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010) và các khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ đến 31/12/2010, chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2010 trở về trước, còn lại chưa phân bổ”, ông Tri cho biết.

  
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam 

Quyết định tăng giá vào ngày 20/12 vừa qua, theo ông Đinh Quang Tri là nhằm giảm áp lực lạm phát và nhằm tăng năng lực tài chính của EVN: “EVN đã tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh điện năm 2012 và cũng đã có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng và ngân hàng yêu cầu phải có điều chỉnh giá điện vào cuối năm 2011 để tăng năng lực tài chính của EVN. Nếu giá điện không điều chỉnh, một số tổ chức tín dụng thông báo sẽ dừng giải ngân các dự án đã ký hợp đồng vay vốn và không ký mới các khoản vay tiếp theo.

Để giảm áp lực lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, chúng tôi đã chọn giải pháp tối thiểu là tăng 5% vào thời điểm cuối năm. Và phương án này đã được Bộ Công Thương chấp thuận”, ông Tri cho biết.

Trước câu hỏi thẳng thắn của độc giả Quang Thái (23 tuổi, TP HCM), liệu EVN tăng giá điện để đảm bảo trả đủ lương cho nhân viên EVN, vì "lương trung bình 7,3 triệu không đủ sống”, ông Tri khẳng định, việc tăng giá điện đợt này không phải để đảm bảo đủ lương cho nhân viên EVN.

Chưa hết, theo ông Tri, tiền lương các đơn vị của EVN được thực hiện theo đúng chế độ quy định của Nhà nước. Kỹ sư công nhân ngành điện được hưởng một số chế độ riêng biệt so với các ngành nghề khác như phụ cấp an toàn điện, độc hại nặng nhọc, nơi miền núi khó khăn.

Mỗi nghề đòi hỏi một trình độ chuyên môn nhất định và điều kiện lao động khác nhau. Ông Tri cũng khẳng định, thông tin lương cán bộ cấp cao EVN là 150 triệu/tháng là không đúng. Đây chỉ là tin đồn, phỏng đoán.

EVN không lỗ khi đầu tư ngoài ngành?

Trong buổi giao lưu trực tuyến, ông Đinh Quang Tri khẳng định, số tiền EVN đầu tư ngoài ngành như bất động sản là 104 tỷ đồng, tổng đầu tư vào chứng khoán là 114 tỷ đồng. Đến 30/6/2011, lợi nhuận thư về từ đầu tư bất động sản là 3,78 tỷ đồng, cổ tức thu về từ đầu tư chứng khoán là 14,85 tỷ đồng.

“Như vậy là chúng tôi không lỗ khi đầu tư vào bất động sản. Hiện nay, chúng tôi đã có nghị quyết rút hết vốn tại các công ty bất động sản và chứng khoán”, ông Tri nói.

 
Hơn nữa, theo ông Tri, vốn để kinh doanh ngoài ngành dùng chủ yếu bằng vốn vay và vốn huy động. Việc kinh doanh điện bị lỗ là do chính sách giá điện chưa được điều chỉnh kịp thời khi các thông số đầu vào như tỷ giá, giá nhiên liêu và cơ cấu sản lượng điện biến động.

Trong thời gian tới, giá điện sẽ dần dần phản ánh theo cơ chế thị trường và các đơn vị sản xuất kinh doanh diện sẽ khắc phục được khoản lỗ khi thực hiện Quyết định 24 và Thông tư 31.

Chi phí lương EVN chiếm 5,04% trong giá thành sản xuất điện

Trả lời trực tuyến trên Vnexpress, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, chi phí lương tính trong giá thành sản xuất điện chiếm 5,04%.

Còn việc trả lương thực tế của EVN cao hay thấp có đúng chế độ quy định hay không, Chính phủ đã giao Bộ Lao động và Thương binh Xã hội phối hợp với các bộ ngành liên quan kiểm tra để có kết luận cụ thể.

Cục Quản lý Giá khi kiểm soát giá thành sản xuất của EVN đã kiểm tra rất kỹ định mức chi phí tiền lương trong giá thành và tiền lương trong giá thành điện được tính theo đúng định mức chứ không tính theo tiền lương thực tế hàng năm kết thúc năm tài chính EVN chi trả.
Chia sẻ thêm trước câu hỏi, tại sao EVN không bớt lương, nhận trách nhiệm các khoản lỗ đầu tư ngoài ngành mà bắt dân phải còng lưng ra gánh những điều bất hợp lý do những yếu kém trong quản lý gây ra, ông Đinh Quang Tri cho biết, Công ty mẹ EVN chỉ bao gồm các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc gồm: Thủy điện Hòa Bình, Trị An, Yaly, Đại Ninh, Tuyên Quang..., trung tâm điều độ Quốc gia, công ty mua bán điện.

Các công ty trực thuộc khác là những công ty hạch toán độc lập dưới dạng Công ty TNHH một thành viên, công ty cổ phần. Đối với các đơn vị hạch toán độc lập này, không ảnh hưởng đến khoản lỗ kinh doanh điện của EVN.

Việc lỗ của các đơn vị này (nếu có) sẽ do HĐQT của công ty đó chịu trách nhiệm theo Luật Doanh nghiệp quy định.

Người đại diện của EVN được cử tham gia tại công ty đó phải chịu trách nhiệm nếu công ty xảy ra lỗ và bị xử lý theo Quy chế của Tập đoàn. Lương của nhân viên sản xuất kinh doanh điện không phụ thuộc vào hoạt động của các công ty ngoài ngành.

Tăng giá điện để trả nợ

Trả lời câu hỏi về việc EVN sẽ giải quyết khoản nợ 35.000 tỷ bằng cách nào? ông Đinh Quang Tri cho biết, EVN sẽ giải quyết các khoản nợ bằng việc tăng giá điện để có nguồn bù đắp đối với những khoản cấp bách cần phải trả ngay như: tiền mua điện từ các công ty phát điện ngoài EVN như PVN, TKV... mà EVN đang nợ.

Thứ hai, về phía khách hàng sử dụng điện: đề nghị quý khách hàng sử dụng tiết kiệm điện. Thứ ba, về phía EVN sẽ phấn đấu tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh điện hết mức có thể, dự kiến khoảng 5% chi phí (không tính chi phí mua điện); giảm tổn thất điện năng.

Mặt khác EVN vận hành tối ưu hệ thống điện, phát huy tối đa các nguồn điện có giá thành và giá mua thấp hơn giá bán bình quân và hạn chế đến mức thấp nhất mua điện từ các nguồn điện có giá thành và giá bán điện cao. “Như quý khách hàng đã biết chính vì việc này mà phía Nhà máy điện Cà Mau đã yêu cầu EVN phải tăng sản lượng mua điện của họ như báo chí đã nêu gần đây”, ông Tri bày tỏ.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn