Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác Nội vụ năm 2018 do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 18/1, tại Hà Nội.
Tinh giản biên chế hơn 33.000 người
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến 31/12/2017, Bộ Nội vụ đã thực hiện tinh giản biên chế với tổng số là 33.459 người, thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập đối với 42 địa phương.
Sang năm 2018, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thẩm định đối với 21 tỉnh, thành phố trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả mà Bộ Nội vụ đã làm được trong năm 2017 và nhấn mạnh, năm 2018, Bộ Nội vụ phải nghiên cứu, đề xuất sửa Luật Cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo thống nhất, liên thông, đồng bộ với các quy định của Đảng.
Cùng với đó, ngành Nội vụ nghiên cứu đề xuất mô hình cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, mô hình các cơ quan tổ chức theo ngành dọc để có đề án trình Chính phủ, đảm bảo tỷ tệ tinh giản đầu mối các đơn vị sự nghiệp.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ phải rà soát, sắp xếp kiện toàn, tinh gọn các đầu mối của các tổ chức trong hệ thống theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc nhưng một việc phải do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giảm người phục vụ, nhất là khối văn phòng, hành chính.
Phó Thủ tướng chỉ rõ Bộ Nội vụ chưa chủ động rà soát tổng thể biên chế công chức, viên chức, cơ cấu lại vị trí việc làm, chưa phát huy hết vai trò của cơ quan quản lý thống nhất về công vụ nên còn để xảy ra sai sót trong quản lý, sử dụng biên chế tại các cơ quan, địa phương.
“Phải quyết liệt hơn nữa, phải rà soát các quy định chặt chẽ về biên chế, số lượng công chức, viên chức. Xây dựng cơ chế cạnh tranh công khai, minh bạch trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc ở cơ quan hành chính nhà nước,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ ra những tồn tại, trong năm qua, ngành Nội vụ xây dựng, ban hành văn bản thể chế còn chậm, còn có tình trạng xin lùi thời hạn hoặc xin đưa ra khỏi chương trình công tác.
Đặc biệt, công tác kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước còn chưa kiên quyết, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Công tác kiểm tra, thanh tra về tuyển dụng quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức các ngành, địa phương chưa toàn diện.
Trước tình trạng vừa qua phát hiện một số cán bộ đề bạt không đúng quy trình, rất nhanh mà báo chí gọi là “siêu tốc”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị ngành Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, khẩn trương thành lập tổ công tác về kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Nội vụ làm tổ trưởng để thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Để đổi mới công tác thi nâng ngạch công chức, khắc phục tính hình thức, hạn chế tiêu cực, gây bức xúc dư luận, Phó Thủ tướng cũng đặt ra vấn đề “có nhất thiết phải thi nâng ngạch công chức, để rồi các địa phương kéo về Hà Nội thi hay không, trong khi chuyên viên ở các địa phương công việc rất nhiều, làm bù đầu? Có người kinh nghiệm qua thực tiễn thì rất giỏi nhưng khi thi lại rớt.”
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng cần đánh giá lại hiệu quả thực tế của việc thi nâng ngạch công chức và đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu theo hướng có xây dựng hệ thống tiêu chí rõ ràng, khoa học về trình độ, đạo đức, kinh nghiệm, cống hiến... để nâng ngạch.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý Bộ Nội vụ rút kinh nghiệm trong công tác thi đua, khen thưởng, khen thưởng đúng người, đúng thành tích, không cào bằng: “Ai đăng ký thì được, không đăng ký thì thôi, đăng ký rồi thì ai cũng đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hết, còn chiến sĩ thi đua thì thay phiên nhau, năm nay anh nhường tôi, năm sau tôi nhường anh. Đó không phải là thực chất''.
Video: Những vụ bổ nhiệm người nhà làm quan gây xôn xao dư luận
Bình luận