Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị “Chuyên đề về huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL” trong sáng nay (22/8) tại Cần Thơ.
Tham dự và chủ trì hội nghị, gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, ông Nguyễn Nhật –Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Hiếu-Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong những năm qua vùng ĐBSCL đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với tình hình chung của cả nước thì kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vẫn còn kém phát triển.
Vấn đề liên kết vùng cũng chưa được chú trọng đầu tư, các trục giao thông chính nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế là nguyên nhân tác động mạnh mẽ đến các mục tiêu phát triển kinh tếxã hội của các địa phương trong vùng.
Ngoài ra, tình hình đầu tư cũng như thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu, chưa tạo sự đột phá. Đặc biệt với lợi thế về mật độ sông ngòi (đứng đầu toàn quốc- chiếm 70%) - là thế mạnh nhưng chưa được quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa, đường biển dẫn đến tình trạng tốc độ tăng trưởng của vận tải thủy nội địa, vận tải biển có xu hướng giảm so với vận tải đường bộ.
Trước những vấn đề trên, hội nghị ngoài vấn đề đánh giá hiện trạng hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL một cách toàn vẹn nhất còn cụ thể hóa các Chiến lược, Quy hoạch cũng như tìm “bài toán” để làm sao phát triển hạ tầng giao thông, kết nối phương thức vận tải, đồng bộ kết cấu hạ tầng…
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL phải phù hợp với Chiến lược, Quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch của ngành GTVT nói chung, đồng thời thực hiện tốt Quy chế thí điểm liên kết Vùng phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 nhằm tạo đồng lực phát triển KT-XH chung của các tỉnh trong vùng.
“Do vậy, cần phải ưu tiên đầu tư vào các công trình, dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng, có tính lan tỏa và giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics cũng như giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí trong bối cảnh vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư hiến kế về các cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển hạ tầng của khu vực.
Sau hội nghị này, các cơ quan sẽ trình tới Chính phủ về kế hoạch và giải pháp phát triển giao thông và dịch vụ logistic toàn vùng để Chính phủ bố trí nguồn lực vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Vùng ĐBSCL, hiện đường bộ hiện có 4.718,8km quốc lộ, 2.030,41km đường tỉnh, 72.851,8km đường huyện và giao thông nông thôn đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, an toàn. Về đường thuỷ nội địa với trên 13.000 km đường thủy (trong đó khoảng 7.000km đã được đưa vào cấp quản lý) được phân bổ đồng đều trên toàn vùng là lợi thế lớn về khai thác vận tải đường thủy nội địa tuy nhiên vẫn chưa phát huy được.
Về đường biển, hiện chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị bồi lấp, các tuyến vận tải sông pha biển cũng chưa được quan tâm phát triển, chưa hình thành các tuyến vận tải sông pha biển do đó ảnh hưởng lớn đến khả năng khai thác vận tải đường biển; Về hàng không: hiện có 02 cảng quốc tế là Cần Thơ, Phú Quốc và 02 sân bay Rạch Giá, Cà Mau với năng lực khai thác 5,05 triệu lượt hành khách, đáp ứng được nhu cầu vận tải đến sau năm 2020.
Video: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngẫu hứng hát tặng sinh viên Hà Tĩnh
Bình luận