Sáng 24/10, phát biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giải thích cụ thể về tình hình tăng trưởng kinh tế đầu năm.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết từ năm 2016 đến 2017, Việt Nam bắt đầu đối mặt với thực tế công nghiệp khai khoáng liên tục giảm sâu. Các mặt hàng quan trọng đều sụt giảm là dầu thô và than đá.
Với than đá, việc khai thác ở độ sâu -285 m so với mặt nước biển đẩy chi phí giá thành lên cao, khai thác ngày càng khó khăn.
Với dầu thô, kế hoạch khai thác năm 2017 chỉ là 13,28 triệu tấn. Giảm 3 triệu tấn so với năm 2016 và giảm 4,54 triệu tấn so với năm 2015. Phó thủ tướng nhấn mạnh, theo tính toán cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô giảm đi thì GDP giảm 0,25%. Theo đó, năm 2017, sản lượng giảm 3 triệu tấn khiến GDP giảm 0,75%.
Việc giảm sản lượng dầu thô cũng xuất phát từ việc khó khăn trong khai thác.
“Giờ muốn khai thác thêm để tăng trưởng cũng không được vì phải đi tới vùng biển xa và trữ lượng dầu thô giảm. Chúng ta cũng không có nhiều dầu thô có khả năng thương mại. Do đó không thể dựa vào dầu thô”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.
Lĩnh vực dịch vụ cũng bứt phá trong năm 2017, tăng trưởng đồng điều ở các tỉnh. Trong đó bán buôn bán lẻ tăng cao nhất, du lịch quốc tế tăng mỗi tháng thêm 1 triệu khách du lịch.
“Riêng du lịch, dịch vụ đóng góp 3,2% điểm tăng trưởng trong tăng trưởng GDP 6,7%, cao hơn xây dựng và hoàn toàn bù đắp được sụt giảm của dầu khí. Thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn tăng 1 triệu tấn dầu thô, vì vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Trong công nghiệp chế biến chế tạo, Samsung phục hồi sản xuất và tăng trưởng 45% trong quý III đóng góp quan trọng vào tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp của nhiều tỉnh thành cũng tăng. Trong đó, Bắc Ninh tăng 25,1%, Hải Phòng 20,1%, Thái Nguyên 18,1%, hải Dương 11,2%, Đồng Nai 8,3%...
“Nếu tình hình tiếp tục diễn ra như vậy thì công nghiệp chế tạo dự kiến đạt tăng 13,5%, cao nhất từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ bù đắp cho công nghiệp khai khoáng mà còn là động lực để tăng trưởng”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp 9 tháng tăng 2,78% gấp 4,3 lần năm 2016. Chính phủ phấn đấu đạt 3- 3,05% của cả năm nay. Toàn ngành trong 9 tháng đóng góp vào tăng trưởng 0,43 điểm %, gấp 4 lần cùng kỳ năm 2016 và khả năng đạt 30- 34 tỷ USD xuất khẩu nông sản.
Về xuất khẩu, Phó Thủ tướng cho biết trong nước phục hồi khi đạt cao nhất từ năm 2012 tới nay và thu hẹp khoảng cách xuất khẩu giữa FDI 21- 25% và trong nước là 15- 16%.
Thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn tăng 1 triệu tấn dầu thô, vì vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
"Trước đây trong nước tăng 2 con số khó lắm giờ được rồi. Nhập siêu 9 tháng chỉ còn 300 triệu USD so với 2,5 tỷ USD (nhập máy móc) của 6 tháng- đã rút ngắn lại, tỷ trọng xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu", ông Huệ dẫn chứng.
Về nguồn lực, yếu tố vốn rất quan trọng chiếm 53% trong tổng tăng trưởng.
"Vốn ngân sách giảm, nhưng vốn FDI cao giải ngân từ 15- 16 tỷ USD, vốn huy động xã hội cao. Đó cũng là 1 trong những yếu tố tạo nên tăng trưởng", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.
Tuy nhiên, cử tri băn khoăn tại sao ước thu ngân sách chỉ tăng 2,3% trong khi tăng trưởng tăng cao. Giải thích vấn đề này, ông Huệ cho rằng vì các nhà đầu tư nước ngoài mới đầu tư, thu chủ yếu là thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên thuế nhà thầu,…
"Bên cạnh địa phương, thu ngân sách trung ương năm nào cũng khó khăn. Thu ngân sách giảm cũng do trong Quý IV bà con không mua ô tô trong nước mà chông chờ đến 1/1/2018, thuế xuất bằng 0 để mua xe giá rẻ nên các tỉnh như Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hải Dương... sẽ có giảm sút thu thuế", Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Video: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ngẫu hứng hát tặng sinh viên Hà Tĩnh
Bình luận