Trong Hội nghị quán triệt Nghị Quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ năm học 2013 -2014 khối các Sở GD-ĐT, bên cạnh những chia sẻ quan trọng về đổi mới thi cử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn đưa ra nhiều bài học sâu sắc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đổi mới nhưng không có nghĩa là thay đổi hết (Ảnh: Phạm Thịnh)
Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này là việc không thể làm một lúc, không thể nóng vội nhưng không thể nào làm cầm chừng.
Phó Thủ tướng cho rằng việc đổi mới phải làm rất khẩn trương, quyết tâm, quyết liệt nhưng phải rất khoa học, thận trọng từng bước.
“Đổi mới căn bản, toàn diện tức là có những thứ rất căn bản phải đổi mới, ở tất cả các khâu nhưng không có nghĩa là thay đổi hết. Những gì từ trước đến nay là tốt thì chúng ta phải phát huy", ông Đam nhấn mạnh.
Mặc dù trong Đề án đổi mới đã nói nhiều, trong đó có nhiều khâu để đổi mới. Tuy nhiên, thay đổi toàn diện căn bản không có nghĩa là thay đổi hết, có những điều chúng ta phải giữ gìn, đó là những thứ tốt.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng nếu xem kĩ lại khi đất nước mới giành được chính quyền, từ lần cải cách đầu tiên thì mục tiêu dạy người đã được đặt ra.
Ông lấy ra ví dụ thực tế, hiện nay, hầu hết các trường cho học sinh chào cờ và hát quốc ca đều bật nhạc hát thay học sinh, giáo viên. Ngày xưa, hình ảnh học sinh tập thể dục giữa giờ là một hình ảnh rất đẹp. Tập xong thầy cô cho học sinh hô: Rèn luyện thân thể, bảo vệ Tổ quốc. Rèn luyện thân thể, thống nhất đất nước. Hô: Giải tán, học sinh đáp: Khỏe.
Hát quốc ca để bồi đắp tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc
“Thời đi học của học sinh ngày trước là phân công nhau trực nhật, hàng tuần có tham gia hoạt động trồng cây. Nhưng hiện nay công việc đó các trường thuê dịch vụ, như vậy con cháu chúng ta không biết lao động là gì. Quang trọng hơn, không biết lao động thì không yêu lao động, không yêu lao động thì không yêu người lao động. Vấn đề này Ngành GD-ĐT có làm được không? “ Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Đổi mới chương trình là nói đến rất nhiều đến việc phải theo chuẩn quốc tế, phải hiện đại, không nhồi nhét kiến thức, rồi đến đổi mới sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, thi cử...
“Nhưng có những thứ chúng ta không cần đợi Bộ, không cần đến nghiên cứu, không đợi kinh phí để làm chương trình. Mà cần phát huy sáng tạo, những gì chúng ta thấy có thể làm được thì phải làm”, Phó Thủ tướng đưa ra gợi ý.
Bình luận