Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì buổi làm việc về vấn đề cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ mong muốn Hãng phim truyện Việt Nam vẫn là nơi làm phim, góp phần tôn vinh điện ảnh, nghệ thuật.
"Họ mong qua lần cổ phần hóa này, giá trị truyền thống dân tộc được nhân lên, chứ không mất đi", ông Hải bày tỏ.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nêu ra nhiều băn khoăn của các nghệ sĩ.
"Thứ nhất, đất ở vị trí đắc địa sau này không được phục vụ mục đích làm phim. Thứ hai, truyền thống Hãng phim như thế mà thương hiệu định giá lại bằng không. Thứ ba, quá trình cổ phần hóa có những điểm chưa phù hợp. Thứ tư, qua hai tháng tiếp quản có những điểm hai bên chưa hiểu nhau nên có những bức xúc về chế độ lương, phòng làm việc...", ông Đặng Xuân Hải kiến nghị.
Cũng chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng, quá trình cổ phần hóa đều thực hiện theo đúng quy trình.
Tuy nhiên, ông Ái cũng cho rằng, việc định giá thương hiệu của hãng phim thì chưa có tiền lệ, nên chưa định giá được. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản sang Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính để xin ý kiến nhưng chưa nhận được hồi âm.
Chia sẻ với các đại biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đã trực tiếp đến thăm Hãng phim truyện Việt Nam vào sáng qua (20/9).
“Nhiều năm qua, hãng phim truyện Việt Nam hoạt động rất yếu kém. Hôm qua, tôi có trực tiếp đến. Nhà cửa có dọn nhưng còn rất bề bộn và rất khó hình dung”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Video: Hãng phim truyện Việt Nam - nơi nhà xưởng hoang tàn, cho thuê làm quán phở
Qua việc theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua buổi gặp gỡ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tất cả nghệ sĩ đều ủng hộ chủ trương cổ phần hoá, mong cổ phần hoá.
Tuy nhiên, hiện nay các nghệ sĩ đều băn khoăn về cách cổ phần hoá. Họ mong muốn cổ phần hoá nhưng phải đảo bảo dù ai đầu tư, cổ phần bao nhiêu thì đây vẫn là đơn vị làm phim truyện là chính để cho phim truyện Việt Nam phát triển tốt hơn những năm vừa qua. Rộng hơn, cổ phần hoá để giá trị lao động nghệ thuật của anh em nghệ sĩ có giá trị hơn, được tôn vinh hơn.
"Làm sao để qua cổ phần hoá, giá trị truyền thống của hãng phim truyện Việt Nam mấy chục năm qua được phát huy, không được mất đi", Phó Thủ tướng nói.
Video: Tranh cãi ở Hãng phim truyện Việt Nam là vì phim hay vì đất?
Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá chưa minh bạch, đầy đủ đến tất cả mọi người nên các nghệ sĩ rất băn khoăn.
"Đất ở khu vực đắc địa liệu có bị biến tướng không, phục vụ làm phim ảnh hay trở thành nhà hàng, khách sạn. Cái thứ hai, anh em nghệ sĩ cũng băn khoăn là truyền thống như thế mà thương hiệu tính bằng không. Quá trình cổ phần hoá vừa qua có một số vấn đề theo nghệ sĩ là chưa phù hợp. Qua 2 tháng tiếp quản thì vấn đề hai bên chưa hiểu nhau dẫn tới bức xúc dẫn tới việc anh em văn nghệ sĩ càng lo lắng", Phó Thủ tướng nêu ra băn khoăn của nghệ sĩ.
Hãng phim truyện Việt Nam có truyền thống mấy chục năm nhưng có sự thay đổi đột ngột nên có nhiều câu chuyện chưa được những người có trách nhiệm giải đáp tận tình.
"Đó là trách nhiệm của ban giám đốc cũ. Trong quá trình làm, các đồng chí không có giải thích cặn kẽ cho các anh em văn nghệ sĩ, rồi đến trách nhiệm của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Qua quá trình vừa rồi, tôi thấy rằng, quá trình giải thích của Bộ là chưa thấy thấu đáo", ông Đam nhấn mạnh.
Đại diện của Hội Điện ảnh vẫn lo lắng, thắc mắc vẫn chưa thấy yên tâm, vẫn thấy có vấn đề chưa hợp lý. Mặc dù đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch giải thích như vậy nhưng nghệ sĩ vẫn đề nghị mảnh đất này không được biến tướng để làm cái khác.
"Điều đặc biệt đó là câu chuyện thương hiệu. Đó không chỉ là vấn đề tiền mà còn là sự trân trọng. Vì vậy, những người có trách nhiệm xác định giá này như thế nào", Phó Thủ tướng lưu ý.
Năm trước, khi nhận được ý kiến của nghệ sĩ, Thủ tướng đã rất quan tâm đến vấn đề này. Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã có họp bàn. Sau đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch rà soát lại các quá trình và phải tính lại giá trị thương hiệu.
"Đến thời điểm này, các đồng chí báo cáo do chưa có tiền lệ nên chưa xác định được. Để làm được vấn đề này thì phải làm minh bạch. Tôi nghĩ rằng, văn nghệ sĩ rất muốn làm minh bạch", ông Đam nói.
Vì hiện nay, nhiều nghệ sĩ vẫn tiếp tục còn những thắc mắc và kiến nghị nên Phó Thủ tướng cho biết sẽ đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá.
"Vì còn thắc mắc nên tôi đề nghị sẽ cho thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá. Xem ai đúng sai thế nào. Cái gì đúng bảo đúng, cái gì sai bảo sai. Tôi đề nghị cho thanh tra lại", Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính cần nhanh chóng xác định giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam.
"Không để văn nghệ sĩ, nhân dân nghi ngại “cái gì nhà nước bán thì giá trị rất thấp, cái gì nhà nước mua thì chấp nhận giá trị xác định thương hiệu rất cao”. Khi người dân có nghi ngờ thì các cơ quan chức năng phải trả lời nghi vấn này", ông Đam nêu.
Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ báo cáo lại toàn bộ kết quả buổi làm việc này lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trả lời VTC News, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, bà rất vui mừng với kết quả làm việc. Bà Ngát cũng đồng tình với kết luận của buổi họp về việc sẽ thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hoá của Hãng phim truyện Việt Nam. Theo bà Ngát, đây là thông tin được nhiều nghệ sĩ đón nhận.
Bình luận