Sáng 20/11, nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2019), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm và tri ân các thầy cô giáo trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội). Đây là trường THPT dân lập đầu tiên ở Hà Nội có bề dày 30 năm phát triển với mô hình đặc biệt "không chọn lọc đầu vào", mục tiêu bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện, giúp đỡ những học sinh khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của tập thể giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong suốt 30 năm qua, khẳng định trường là minh chứng sống cho thấy với tâm huyết của đội ngũ thầy cô giáo, chúng ta sẽ làm được những điều mà bình thường cảm thấy rất khó khăn.
Dù trường không có lễ, không có bục, không khang trang bằng nhiều ngôi trường khác, nhưng điều đáng quý trường dám làm là mở vòng tay đón nhận tất cả các em học sinh, không phân biệt trước đây em đó học tập ở đâu, được nhận xét như thế nào. Đây là điều quan trọng hàng đầu của nền giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo dục phổ thông.
Phó Thủ tướng khẳng định, nguyên tắc đầu tiên của giáo dục phổ thông là phải bình đẳng với tất cả mọi người, tất cả công dân. Nhà nước phải bằng cơ chế, chính sách, kể cả bằng đầu tư để có đủ trường, đủ lớp và những thứ cần thiết để tất cả các em, các cháu đủ tuổi đi học đều có thể đến trường, ngày 2 buổi.
Phó Thủ tướng đánh giá thực tế không chỉ ở miền núi mới có các hoàn cảnh, trường hợp học sinh đặc biệt, mà ở đô thị cũng vậy. "Nếu các bậc phụ huynh chỉ nghĩ rằng phải lựa chọn môi trường tốt nhất cho con học tập, giáo viên lựa chọn những học sinh tốt nhất để dạy cho có thành tích cao nhất, nhàn nhất thì khi đó, những cháu, những em có điều kiện thiệt thòi hoặc có những tính cách đặc biệt sẽ ở đâu?", Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Đồng thời, Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn trường THPT Đinh Tiên Hoàng sẽ tiếp tục là tấm gương mẫu mực, để đây lan tỏa những điều tốt đẹp. "Một trường khó khăn như thế này, đầu vào như thế mà làm được, tại sao các trường thuận lợi không làm được?", Phó Thủ tướng.
Cũng trong buổi đến thăm hỏi, tri ân và động viên các thầy cô giáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc dạy làm người, thông qua tấm gương của người thầy. Thầy cô gương mẫu trong hành xử, ứng xử và phải gương mẫu trong việc tự học.
Tại buổi tri ân, NGƯT Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng tự hào chia sẻ thành tích đạt được sau hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển theo lối riêng.
Điều đầu tiên, trường khích lệ giáo viên được làm chủ, sáng tạo. Các thầy cô làm việc không vì khen thưởng hay áp lực, hướng về nhân văn và mang lại những điều tốt đẹp nhất cho học trò.
Thứ hai, trường xây dựng đội ngũ giáo viên với mục tiêu phải phù hợp với học sinh chứ không phải chọn học sinh phù hợp với giáo viên do tiêu chuẩn đầu vào học trò khác biệt. Giáo viên chủ nhiệm giống như một hiệu trưởng không chỉ quản lý tốt mà phải giúp học sinh phát triển nhân cách, là điểm tựa, niềm tin cho học sinh.
Thứ ba, khoa học giáo dục và khoa học quản lý được đưa vào nhà trường. THPT Đinh Tiên Hoàng là trường học đầu tiên của cả nước thực hiện quản lý chất lượng. Trường tự đánh giá chất lượng và sự thay đổi của từng học sinh theo quy trình quốc tế và không cần ai khen thưởng hay kiểm tra.
Bên cạnh đó, từ năm 2011, THPT Đinh Tiên Hoàng là trường đầu tiên có đưa vào thực hiện chương trình khoa học tâm lý giáo dục học đường.
Đến với buổi tri ân là nhiều thế hệ học trò cũ, trưởng thành nhờ sự rèn giũa, uốn nắn của các giáo viên nơi đây. Chị Nguyễn Thị Phương Lan - cựu học trò khóa 5 (1994-1997) bày tỏ sự xúc động, gọi Ths. Đặng Ngọc Trâm - Hiệu trưởng của trường bằng "mẹ" và gửi lời cảm ơn vì công ơn giáo dưỡng để thế hệ của chị có sự thành công ngày hôm nay.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng được thành lập năm 1989 nhằm thu nhận những học sinh yếu kém về văn hoá đạo đức, vi phạm kỷ luật bị các trường khác từ chối không cho học, theo mô hình giáo dục đặc biệt. Từ 136 học sinh trong năm học đầu tiên (1989-1990) đến nay trường đón trên 10.000 học sinh.
Những năm đầu tiên, lúc cao điểm nhất trường có gần 90% học sinh có khó khăn về học tập, ý thức kỷ luật, 87% học sinh có khó khăn về quan hệ gia đình cần giúp đỡ, nhiều em bị xem là “hết thuốc chữa”.
Từ năm 2006, nhà trường chuyển sang mô hình giáo dục "không chọn lọc đầu" vào với quan điểm không chạy theo thành tích, hội nhập và đảm bảo công bằng quyền trẻ em.
Mục tiêu của trường không bắt học sinh phải có học lực khá, giỏi để chen chân vào trường đại học mà trước hết là dạy các em nên người, thành người tử tế, thông qua truyền đạt kiến thức để giáo dục nhân cách cho học sinh. Với những học sinh đặc biệt này, các thầy cô phải chấp nhận mọi biểu hiện của học sinh để từ đó đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.
Với mỗi hành vi, thiếu sót của học sinh, giáo viên sẽ ghi nhận và tìm cách hiểu rõ bản chất, nguyên nhân. Trong quá trình tìm hiểu không được thành kiến, chụp mũ hoặc thờ ơ với thiếu sót của học sinh. Phương pháp kỷ luật tự giác được nhà trường ưu tiên và kiên trì thực hiện, giúp học sinh thấy rõ cái lợi, cái hại trong mỗi hành vi để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội.
Kiên trì với mô hình giáo dục không chọn lọc đầu vào có nghĩa là chấp nhận mọi học sinh, nhiều nhất là học sinh cá biệt, khó khăn mọi mặt nhưng đến nay đội ngũ giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng lại thu về những bài học kinh nghiệm về giáo dục đạo đức, lối sống học sinh đáng ghi nhận.
Bình luận