Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngày 10/3.
Phó Thủ tướng chia sẻ khi đến Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) được nhiều người cho biết quy trình, thủ tục đã thuận lợi, tiến bộ hơn rất nhiều.
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng ghi nhận năm 2016 có tới 84% doanh nghiệp (DN) đánh giá tích cực đối với các thủ tục trong thành lập DN, 75% hài lòng với những cải cách về thủ tục thuế.
“Nhưng ngay cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh Hà Nội và cả DN cũng cho rằng có thể làm tốt hơn nữa, bởi ngay trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) thì tiêu chí khởi sự kinh doanh ở Việt Nam đang đứng thứ 121, thuế đứng thứ 167.
Có nghĩa là trong một thời gian dài trước đây chúng ta quá kém và khi có sự cải thiện thì mọi người đều phấn khởi nhưng bây giờ chúng ta có thể làm tốt hơn rất nhiều”, Phó Thủ tướng nói.
Nhắc lại một số khuyến nghị trong Báo cáo Việt Nam 2035, Phó Thủ tướng cho biết để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng bền vững ở tốc độ 8-9% trong 15 năm tới nhằm đưa đất nước ra khỏi “bẫy” thu nhập trung bình thì một trong những điều kiện tiên quyết là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việc thực hiện Nghị quyết 19 phải tuân thủ 4 nguyên tắc là: "Tiếp cận theo thế giới; ngày càng cụ thể; giải quyết ngay những vấn đề trước mắt nhưng cũng phải có tính dài hạn; đo, đếm được, có giám sát".
Từ các kiến nghị, bức xúc của DN, các hiệp hội nêu lên trong hội nghị, Phó Thủ tướng nhận xét các DN đã có lòng tin là những ý kiến của mình sẽ được lắng nghe, tiếp thu.
Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng phải có cơ chế để tiếng nói của cộng đồng DN không chỉ đến được với chính quyền các cấp mà còn phải được trao đi, đổi lại trong ban hành, triển khai chủ trương, chính sách.
“Chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe và nghe không phải để đấy. Một số kiến nghị của DN đã nói rõ vướng mắc ở luật, nghị định, thông tư hay ở người thực thi, thậm chí là công văn của Bộ do cấp vụ ký cũng làm khó DN.
Nhưng quan trọng hơn DN không chỉ là kêu mà cần kiến nghị sửa cụ thể ra sao. Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành rồi thì rất khó sửa nên DN phải tiếp cận ngay từ đầu.
Và các DN lớn, các hiệp hội với thực tiễn, có đội ngũ luật sư, những người làm pháp chế thì hoàn toàn có thể làm được”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Về một số rào cản đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân từ hạn chế về năng lực, nhận thức; thói quen và nhất là tư duy cục bộ, lợi ích cá nhân.
Phó Thủ tướng dẫn lại thực tế dù đã có chính sách khuyến khích đăng ký qua mạng nhưng tại Phòng Đăng ký kinh doanh ở Hà Nội vẫn phải tuân theo "thói quen" lưu hồ sơ giấy, nên đăng ký qua mạng thì chậm hơn nộp trực tiếp.
Hay tại nhiều cơ quan nhà nước dù đã có quy định về chữ ký điện tử, chữ ký số nhưng “cứ bắt phải có văn bản giấy, phải có dấu đỏ”.
“Thay đổi thói quen không dễ nhưng rào cản lớn nhất là tư duy cục bộ, lợi ích cá nhân. Cơ quan nào cũng muốn ban hành chính sách ra, mình phải có quyền song nếu nhìn rộng ra tại sao thế giới người ta làm đơn giản hơn mà hiệu quả hơn?
Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, còn nếu né tránh sẽ không bao giờ sửa được. Cái này Chính phủ đặt ra rất cương quyết, phải xử lý nghiêm những nơi, những cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực”, Phó Thủ tướng nói.
Cuối phần phát biểu, Phó Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp, kiến nghị của các DN nước ngoài, tổ chức quốc tế cùng với các DN trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Video: Nhà hàng 'siêu khó tính', có bộ quy tắc dài hơn cả thực đơn
Bình luận