• Zalo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam muốn mỗi người dân được chăm sóc như có bác sĩ riêng

Thời sựThứ Bảy, 10/12/2016 20:22:00 +07:00Google News

Từ những kết quả đã đạt được trong điều trị, khám chữa bệnh, Phú Thọ cần quyết tâm, phát huy sáng tạo, xây dựng, triển khai cơ chế chăm sóc sức khoẻ để mỗi người dân như có bác sĩ riêng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ngành y tế Phú Thọ sau khi đến thăm, khảo sát trạm y tế xã Yên Tập (huyện Cẩm Khê), Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Khê, sáng 10/12.

DDN_5813

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế tại trạm y tế xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê.

Là địa bàn đặc biệt khó khăn, hiện 5 cán bộ y tế cùng 7 cộng tác viên y tế thôn bản của trạm y tế xã Yên Tập đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho trên 4.500 người dân.

Tuy nhiên, do Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Khê chỉ cách 3 km cộng thêm quy định thông tuyến huyện nên người dân đi thẳng lên tuyến huyện mà không qua trạm.

Những công việc chủ yếu mà 5 cán bộ y tế và 7 công tác viên thôn bản đang làm là liên quan tiêm chủng, tuyên truyền kiến thức, phòng chống dịch bệnh, khám sức khỏe cho học sinh…

Phó Thủ tướng đặt câu hỏi ngoài nhiệm vụ đang làm trạm có thể đảm nhận thêm công việc như: Khám sức khỏe định kỳ, lập sổ theo dõi sức khỏe, tư vấn và giới thiệu người dân khám chữa bệnh đúng nơi, đúng tuyến... được không.

Trạm trưởng Phan Kim Ninh khẳng định có thể làm được. Vấn đề là kinh phí cũng như cơ chế để trạm y tế có thể giới thiệu được bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên.

Trao đổi ngay với Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cùng lãnh đạo Sở Y tế Phú Thọ, Phó Thủ tướng chia sẻ: Khi trạm y tế xã thuộc trung tâm y tế huyện có nghĩa đây là “cánh tay nối dài” của trung tâm y tế huyện với đầy đủ bác sĩ để theo dõi, tư vấn người dân “ốm thế nào, uống thuốc gì, ăn uống ra sao và khi có bệnh thì giới thiệu lên tuyến trên”.

DDN_5848

 

“Bài toán đặt ra là làm sao để 100% người dân Phú Thọ có thẻ bảo hiểm y tế (hiện là trên 85%); tỷ lệ chi từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) cho y tế cơ sở phải tăng lên (hiện mới đạt khoảng 30%) và nhất là để mỗi người dân đều được chăm sóc sức khỏe như có bác sĩ riêng”, Phó Thủ tướng nêu lại vấn đề trong buổi làm việc sau đó với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho rằng những năm qua Phú Thọ rất mạnh dạn, sáng tạo tìm mọi phương thức đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, thu hút nhân lực y tế chất lượng cao cho các cơ sở khám chữa bệnh, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để có một mô hình hệ thống y tế hoàn chỉnh, Phú Thọ cần dành nguồn lực, đầu tư mạnh mẽ cho y tế cơ sở, dự phòng.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, y tế sơ sở là rễ, là gốc nhưng vì những điều kiện khác nhau, vì nhiều sức ép trước mắt về điều trị nên những năm qua y tế cơ sở, dự phòng chưa được quan tâm, đánh giá đúng vai trò. Vì vậy, dù sức khỏe của người dân Việt Nam được cải thiện nhiều nhưng tỷ lệ thấp còi, suy dinh dưỡng còn rất cao; gánh nặng điều trị bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm rất lớn”, Phó Thủ tướng phân tích.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của y tế cơ sở, dự phòng trong thực hiện công tác theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và cộng đồng. 

Nhiều ý kiến đồng tình với nhận định khi sức khỏe của người dân nâng lên, bệnh tật ít đi thì chi phí khám chữa bệnh, điều trị tổng thể sẽ giảm, tiết kiệm được rất nhiều. Cùng với đó, việc tin học hóa hồ sơ sức khỏe của người dân còn giúp ngành y tế phân tích, tổng kết mô hình bệnh tật ở từng địa bàn dân cư.

DDN_5832

Phó Thủ tướng trò chuyện với những người dân tại Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Khê.  

Quỹ BHYT sẽ “rót” nhiều hơn cho cơ sở

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết dự thảo nghị định mới về phân bổ quỹ BHYT sẽ hướng nhiều hơn về y tế cơ sở. Theo đó, kinh phí BHYT sẽ được sử dụng để trạm y tế xã/phường khám định kỳ, lập hồ sơ sức khỏe điện tử và tích hợp vào thẻ an sinh xã hội.

“Ngành y tế phải quy định phạm vi chuyên môn, danh mục kỹ thuật đối với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu ở trạm y tế xã/phường, nhưng đây không phải là phòng khám đa khoa và trạm y tế xã/phường phải có quyền giới thiệu bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên”, ông Sơn kiến nghị.

Qua những ý kiến trong cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trạm y tế xã/phường đã được quy định chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe, lập hồ sơ cho từng người dân trên địa bàn. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ chúng ta chưa hoàn thành và phải làm.

Để thực hiện được, Phó Thủ tướng cho rằng những năm qua đã ngành y tế, bảo hiểm xã hội đã có những bước chuẩn bị.

Về tổ chức, việc chuyển trạm y tế xã/phường về trực thuộc trung tâm y tế huyện cho phép điều động, luân chuyển bác sĩ có đủ trình độ để chăm sóc, theo dõi sức khỏe ban đầu cho từng người dân.

Cùng với đó, để mở rộng BHYT cần phải làm cho người dân thấy được ích lợi của thẻ BHYT ngay từ việc được khám sức khỏe định kỳ, tư vấn, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, được giới thiệu đến đi chuyên khoa nào, lên bệnh viện nào, thậm chí bác sĩ nào để chữa bệnh. 

Vấn đề cuối cùng là cần có cơ chế để sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ BHYT dành cho các hoạt động chăm sóc ban đầu, tư vấn, lập hồ sơ sức khỏe cho người dân để không chỉ người dân được hưởng thụ lợi ích mà cán bộ y tế cơ sở cũng tăng thêm thu nhập, nâng cao trình độ chuyên môn, gắn bó hơn với công việc.

Phó Thủ tướng cho rằng Phú Thọ nên là tỉnh đi đầu trong thực hiện cơ chế dành cho y tế cơ sở để người dân được theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện như có bác sĩ riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu cam kết sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất, tiến tới mở rộng đến tất cả các xã/phường trên địa bàn để hơn 1,3 triệu người dân đều được thụ hưởng.

Mục tiêu cuối cùng là xây dựng hệ thống y tế trong tỉnh hiệu quả, hoàn thiện cả điều trị lẫn dự phòng, cả tuyến trên lẫn y tế cơ sở, thôn bản, y tế học đường.

Video: 154 giáo viên Đà Nẵng bị đóng thiếu tiền bảo hiểm xã hội

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn