• Zalo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: 'Không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy hòa bình'

Thời sựThứ Bảy, 17/05/2014 06:00:00 +07:00Google News

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam kiên trì hòa bình và đúng theo tinh thần hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Các nhà khoa học phải làm khoa học tốt hơn, nhà quản lý phải làm quản lý tốt hơn, bất kỳ ai cũng phải làm tốt hơn công việc của mình thì đất nước sẽ mạnh hơn để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập đến vai trò, trách nhiệm của những nhà khoa học trong thời điểm hiện nay khi tham gia cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ với các nhà khoa học, tại lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Bên cạnh những câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, các đại biểu cũng đã thể hiện sự quan tâm đến tình hình thời sự của đất nước trong những câu hỏi đặt ra cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Việt Nam kiên trì hòa bình và đúng theo tinh thần hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Một sĩ quan quân đội-cán bộ giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự: Thưa Phó Thủ tướng, có câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Là một nhà khoa học hiện đang giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự nhưng đồng thời cũng là một người lính, tôi rất lo lắng cho những đồng đội của mình đang ngày đêm đấu tranh với Trung Quốc để yêu cầu nước này rút giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Giới khoa học chúng tôi có thể làm gì để hỗ trợ những lực lượng chấp pháp của Việt Nam đang đấu tranh với phía Trung Quốc?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu nói đồng đội theo nghĩa rộng có thể đồng chí nói đúng, các chiến sỹ bộ đội của chúng ta ngày đêm canh giữ đất, trời, biển. Còn tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đặt trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta chỉ có lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân, không có bộ đội. Chỉ có Trung Quốc là đem tàu quân sự sang. Việt Nam kiên trì hòa bình và đúng theo tinh thần hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bây giờ giới khoa học làm được nhiều lắm, đầu tiên làm sao nước phải mạnh. Đây là cả chiến lược, tất cả chúng ta đều phải cố gắng. Làm sao để trong điều kiện còn khó khăn như các nhà khoa học đã nói, những bất cập liên quan đến tiền lương, nhà ở, cơ chế… nhưng chúng ta không bi quan. Nếu người ta đầu tư hơn 30 lần và chúng ta phải đuổi kịp thì khẳng định rằng chúng ta không bao giờ kịp và chiến thắng được. Việt Nam có cách của Việt Nam.

Cụ thể về việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam, chúng ta có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước hết chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về vấn đề này, để chia sẻ với người thân, những người xung quanh mình. Ở đây có rất nhiều người có bạn học, bạn nghiên cứu tham gia các tổ chức nghiên cứu, cần làm sao để cả thế giới, mọi người hiểu luật pháp và hiểu rằng Việt Nam có chính nghĩa, có lẽ phải trong việc này.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế. Chúng ta kêu gọi mọi người hiểu vấn đề này. Ở đây, chắc chắn có các bạn làm nghiên cứu khoa học sâu về lịch sử và các ngành khoa học có liên quan thì phải tiếp tục nghiên cứu để khẳng định những chứng cứ lịch sử, tính pháp lý và tất cả các chứng cứ có liên quan đến vấn đề này, không chỉ như vậy mà còn cả Luật Biển của Việt Nam, và việc thực hiện theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Đương nhiên, mỗi khi đất nước có việc thì đó cũng chính là động lực lớn để chúng ta vượt qua khó khăn, vượt qua nhiều thứ cho mình và vượt qua chính mình để chúng ta làm việc tốt hơn, biến trách nhiệm, biến lòng yêu nước thành hành động. Nhất định Việt Nam phải giàu thì mới mạnh được. Chúng ta biết có những nước nhỏ luôn luôn bị đe dọa bởi các nước xung quanh nhưng họ có nền kinh tế mạnh và khoa học, kể cả khoa học quốc phòng, cũng rất mạnh. Các nước đó đứng vững và tự hào. Chúng ta có làm được như vậy không? Trả lời cụ thể là chúng ta phải làm gì thì các nhà khoa học ở đây chắc chắn đều biết mình phải làm gì. Tôi hy vọng như vậy.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Một đại biểu đến từ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh: Với tình hình phức tạp ở Biển Đông như hiện nay, xin Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết thực lực về mặt khoa học của chúng ta như thế nào và với tình hình như vậy, Phó Thủ tướng có tin tưởng rằng chúng ta đủ khả năng để đương đầu, giải quyết hay không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các bạn đã đánh giá khá sát về tiềm lực khoa học của Việt Nam, qua các câu hỏi mà các bạn đặt ra trong buổi đối thoại hôm nay và qua các câu trả lời. Tiềm lực khoa học, kinh tế hay quốc phòng của Việt Nam, nếu như đo đếm số công trình, vũ khí, tiền bạc… thì còn rất yếu. Nhưng lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm, nhất là trong thế kỷ 20 vừa qua, cho thấy chúng ta luôn phải đối phó với thiên tai, ngoại xâm, mà những kẻ ngoại xâm luôn mạnh hơn chúng ta nhiều lần, nhưng chúng ta vẫn trường tồn, vẫn đứng vững. Ngay trong thế kỷ 20, chúng ta đã chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.

Chúng ta có lòng yêu nước nồng nàn, vô song, chúng ta có chính nghĩa, hết sức anh dũng, nhưng cũng không nên quên chúng ta còn có trí tuệ, nhờ đó mà chúng ta chiến thắng.

Sự kiện lần này không phải lần duy nhất, trong quá khứ và tương lai chúng ta phải đối phó. Chúng ta đã đứng vững và nhất định sẽ đứng vững, nhất định sẽ bảo vệ được độc lập, chủ quyền. Tôi khẳng định như vậy. Tôi tin rằng tất cả chúng ta ở đây, các nhà khoa học, chín mươi triệu người dân Việt Nam, cả miền xuôi, miền ngược, cả trong Nam ngoài Bắc, cả người Việt Nam ở nước ngoài và thậm chí là rất nhiều người nước ngoài yêu chuộng hòa bình cũng tin như vậy.

Nhưng tiềm lực của chúng ta còn yếu, nên các nhà khoa học phải làm khoa học tốt hơn, nhà quản lý phải làm quản lý tốt hơn, bất kỳ ai cũng phải làm tốt hơn công việc của mình thì đất nước sẽ mạnh hơn.

Tôi là nhà khoa học chuyên ngành nghiên cứu tài nguyên sinh vật biển. Tôi đã làm 10 năm nay. Tôi bám biển đảo giống như đồng bào ngư dân của chúng ta. Hiện tại, trên lĩnh vực khoa học của mình, chúng tôi đang dùng ngòi bút của mình với những công bố quốc tế để chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa “sẽ là” của Việt Nam. Tuy nhiên, tôi muốn hỏi, hiện chúng tôi đang làm đề án 47, tiếp tục nghiên cứu và đánh giá đa dạng sinh học cũng như tài nguyên sinh học tại vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và toàn bộ vùng biển Việt Nam.

Nhưng hiện nay, khi Trung Quốc tiếp tục hung hăng như thế, các tàu cá bị tấn công và lực lượng tàu cảnh sát biển của chúng ta cũng đang bị nhũng nhiễu... thì liệu các nhà khoa học chúng tôi khi ra biển đảo để thu mẫu có được bảo vệ không? Chính phủ có chính sách gì? Ví dụ nếu Trung Quốc tiếp tục hung hăng, chúng ta có sử dụng biện pháp mạnh hơn để đối phó và bảo vệ cho các nhà khoa học cũng như bảo vệ cho ngư dân Việt Nam không?


Bộ trưởng KHCN: Hoạt động nghiên cứu khoa học là hoạt động mang tính dân sự thuần túy. Các công trình nghiên cứu khoa học của các đồng chí, nếu nghiên cứu ở vùng biển đang có những vấn đề phức tạp, các đồng chí cứ tiếp tục tiến hành, chúng tôi cùng các bộ, ngành liên quan sẽ kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, thậm chí cả Bộ Quốc phòng có thể hỗ trợ các đồng chí trong việc đưa tàu ra nghiên cứu, lấy số liệu, vật mẫu, nghiên cứu các vấn đề các đồng chí quan tâm… để có kết quả nghiên cứu.

Bởi những kết quả này khẳng định căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học khẳng định chủ quyền của chúng ta. Những nghiên cứu này sau mấy chục năm nữa sẽ là bằng chứng pháp lý rất quan trọng cho thấy chúng ta đã nghiên cứu, đã làm chủ và khẳng định chủ quyền của mình. Nếu có vấn đề phức tạp liên quan tới nước ngoài ở Biển Đông, các đồng chí có thể liên hệ, chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành liên quan, kể cả lực lượng Bộ Quốc phòng hỗ trợ các đồng chí, đảm bảo cho các đồng chí trong quá trình nghiên cứu trên biển. Đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm về vấn đề này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bạn nói rằng “Hoàng Sa sẽ là của Việt Nam” nhưng tôi nói lại Hoàng Sa là của Việt Nam. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, chúng ta nhất định phải đòi lại. Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi theo đúng luật pháp quốc tế. Tôi muốn nói thêm với bạn, biển của Việt Nam và theo đúng Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam có vùng lãnh hải, có vùng đặc quyền kinh tế của mình, có các ngư trường truyền thống. Ở đó không chỉ có các nhà khoa học, mà tất cả ngư dân của Việt Nam.

Chúng ta tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do, an toàn hàng hải không chỉ cho phương tiện của Việt Nam, mà còn cho phương tiện các nước. Nhưng với các phương tiện của người Việt Nam, dù là nhà khoa học hay không thì Việt Nam chúng ta bảo vệ tuyệt đối an toàn. Không có chuyện do dự cái đó. Bà con ngư dân không làm khoa học vẫn ngày đêm bám biển, bám ngư trường, mặc dù có chuyện này chuyện khác, bị quấy nhiễu, bị phá rối, thậm chí thiệt hại cả về tài sản, bà con vẫn bám. Bà con ngư dân bám được thì nhà khoa học chúng ta có bám được không ạ? (Hội trường vỗ tay)

Trong tình hình hiện nay, chúng ta biết Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam. Câu hỏi của tôi có 2 ý: Thứ nhất, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về cái được gọi là “16 chữ vàng” trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc? Thứ hai, theo Phó Thủ tướng, Việt Nam có nên xem xét thay đổi mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc không?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chính sách đối ngoại của chúng ta rất rõ. Chúng ta luôn nhất quán chính sách đối ngoại, đa phương hóa, đa dạng hóa. Chúng ta muốn xây dựng mối quan hệ hữu nghị với tất cả các dân tộc, tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam là thành viên tích cực của cộng đồng thế giới. Đối với nước bạn láng giềng Trung Quốc, phương châm quan hệ giữa hai nước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước hai nước đưa ra phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng.

Các bạn cũng biết 16 chữ vàng đó rất tốt đẹp và hai bên phải cùng nhau xây dựng, củng cố, hướng tới một mối quan hệ theo đúng 16 chữ. Trong quá trình xây dựng và củng cố mối quan hệ đó, đương nhiên sẽ có những khó khăn và thách thức. Phía Việt Nam luôn luôn thực tâm, chân thành và nỗ lực hết sức để phấn đấu xây dựng mối quan hệ dựa trên phương châm 16 chữ vàng. Và chúng ta cũng mong rằng phía Trung Quốc cũng như vậy.

Bây giờ chúng ta có thay đổi phương châm ấy không, thì tôi đã nói với các bạn là chúng ta phải phấn đấu hướng tới cái đó. Nói đó là những chữ vàng vì chắc có ý muốn so sánh là quý như vàng. Nhưng các bạn là nhà khoa học chắc biết hơn tôi, mà chẳng cần phải là nhà khoa học đâu, người dân cũng biết, vàng chưa phải là quý nhất, kim cương còn quý hơn vàng. Nhưng rồi có thứ còn quý hơn cả kim cương nữa, các bạn biết là gì không? Bác Hồ đã dạy, 4 chữ thôi, “độc lập, tự do”. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Vàng có kim cương quý hơn và có thế có nhiều thứ quý hơn kim cương. Nhưng mà trên hết, không có thứ gì quý bằng độc lập, tự do.

Chúng ta trân trọng, nâng niu tình hữu nghị giữa hai dân tộc và chúng ta chân thành, thực tâm và nỗ lực hết mình để xây dựng mối quan hệ dựa trên 16 chữ vàng ấy. Nhưng mà độc lập, tự do của dân tộc, đúng như lời Bác dạy, mới thứ là quý nhất. Chúng ta làm sao vừa xây dựng được mối quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt là với nước bạn láng giềng Trung Quốc trên tinh thần 16 chữ vàng ấy, nhưng đồng thời giữ được thứ quý nhất, vô giá của dân tộc ta chúng ta. Chúng ta phải làm đồng thời hai việc ấy. Đấy mới là cần.

Không chỉ với lòng yêu nước, không chỉ sẵn sàng hy sinh, đoàn kết mà như tôi đã nói với các bạn ban đầu, rất cần sự sáng suốt, tỉnh táo và trí tuệ. Tôi nhắc lại, trong tất cả các cuộc kháng chiến từ nghìn năm trước đây của Việt Nam, chúng ta chiến thắng bởi có nhiều yếu tố, mà chắc chắc phải có trí tuệ. Phải hết sức tỉnh táo, không thể bột phát, không thể quá khích. Có những thứ chúng ta làm tưởng là tốt, nhưng có khi lại có tác động không tốt. Các bạn hãy tin rằng Đảng và Nhà nước chúng ta đã có những bước đi rất khoa học, rất chắc chắn, rất chiến lược để làm được những điều như tôi vừa nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta có lòng yêu nước nồng nàn, vô song, chúng ta có chính nghĩa, hết sức anh dũng, nhưng cũng không nên quên chúng ta còn có trí tuệ, nhờ đó mà chúng ta chiến thắng. 

Đại biểu Võ Xuân Vinh (Viện KHCN Đông Nam Á, Viện KHCN Việt Nam):Ở đây tôi xin mạn phép kết hợp vấn đề khoa học công nghệ với vấn đề tham vấn chính sách hiện nay. Như quý vị đã biết trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, 2 cuộc chiến tranh biên giới chúng ta có những người bạn chí tình. Hiện nay chúng ta có nhiều đối tác chiến lược, nhiều đối tác chiến lược toàn diện, nhưng chúng ta không có đồng minh.

Theo nghiên cứu của chúng tôi thì các nước nhỏ và các nước lớn khi ứng xử các vấn đề theo luật pháp quốc tế thì họ có các quan hệ đồng minh và trong bối cảnh hiện nay các quan hệ đồng minh đó đã mang lại cho họ lợi thế nhất định trong các mối quan hệ quốc tế. Với tư cách là nhà nghiên cứu, chúng tôi mong  muốn hỏi là chúng tôi đang nghĩ đến chuyện có những tham vấn về xây dựng mối quan hệ đồng minh cho Việt Nam. Xin hỏi Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam là Việt Nam có ý định xây dựng mối quan hệ đồng minh với nước nào không và nếu có thì là quốc gia nào?


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Đường lối đối ngoại của chúng ta thì tôi đã nói rồi. Còn đường lối quân sự của Việt Nam thì chúng ta cũng đã công khai hết. Nếu các bạn còn nhớ thì rõ nhất và rất cô đọng là tại diễn đàn Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã có quan điểm công khai, không phải là mới mà là chúng ta hệ thống lại, chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Chúng ta không có liên minh quân sự với ai, chúng ta không cho bất kì nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, chúng ta không liên minh với bất kì nước nào để chống lại nước thứ ba. Đấy là điều nhất quán.

Vừa qua ta đã mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều nước. Các bạn cũng biết là giống như quan hệ  giữa mình với hàng xóm trong một làng thì cũng có những mức độ khác nhau. Chúng ta có quan hệ hết sức đặc biệt với nước bạn Lào, Campuchia, Cuba. Còn quan hệ với Trung Quốc là 16 chữ vàng như các bạn vừa nói. Chúng ta cũng xây dựng quan hệ hợp tác đối tác toàn diện với một số nước, quan hệ hợp tác chiến lược một số lĩnh vực với một số nước, quan hệ hợp tác toàn diện với một số nước. Những nước còn lại không có nghĩa là chúng ta không chú trọng quan hệ, chúng ta cũng mong muốn tăng cường về diện và chiều sâu với tất cả các nước.

Còn tôi khẳng định lại là chúng ta không liên minh quân sự với bất kì nước nào, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba.

Tôi cũng phải nhắc lại với các bạn một lần nữa là trong quá khứ hàng ngàn năm dân tộc ta dù nhỏ hơn về kích cỡ, số tiền, số vũ khí, số quân… so với các thế lực xâm lăng Việt Nam. Nhưng chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có bản lĩnh, chúng ta có trí tuệ, dân tộc chúng ta đoàn kết nhất trí một lòng nên chúng ta luôn chiến thắng.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Đối với vấn đề Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam, đứng về luật pháp quốc tế chúng ta hoàn toàn có căn cứ và cơ sở pháp lý, có những bằng chứng để có thể kiện Trung Quốc ra tòa theo Luật Biển quốc tế. Xin Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam có chủ trương kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không? Chúng tôi mong có câu trả lời của Phó Thủ tướng để chúng tôi có thể chuẩn bị cho công việc của mình.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta đã biết, một đất nước như Việt Nam phải luôn luôn phải xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ nghìn đời nay đã như vậy. Như vừa nãy chúng ta đã trao đổi, độc lập tự do, chủ quyền của đất nước là quý hơn tất cả. Đương nhiên đối với Đảng và Nhà nước ta, tất cả chủ trương, chính sách, đường lối trước hết là để bảo vệ cho được nền độc lập của dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tất cả các biện pháp chúng ta đã làm từ trước đến nay và từ nay về sau luôn luôn vì mục đích đó và dựa theo luật pháp quốc tế. Chúng ta có chính nghĩa vì chúng ta chỉ giữ gìn những gì của mình. Giải quyết tranh chấp có rất nhiều giải pháp nhưng đều theo luật pháp quốc tế. Nhưng trước hết chúng ta phải dùng biện pháp hòa bình. Trước đây trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, nếu không thể dùng giải pháp hòa bình thì mới phải chiến đấu. Nhưng trước hết chúng ta phải bằng biện pháp hòa bình, kiên trì giải pháp hòa bình.

Chúng ta nhớ năm ngoái, thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng phát biểu trước Liên Hợp Quốc rằng bất kỳ hành vi nào có thể dẫn đến xung đột, dẫn đến chiến tranh đều phải lên án và nỗ lực ngăn chặn, dù còn cơ hội nhỏ nhoi nhất của hòa bình thì chúng ta cũng phải tận lực.

Trong việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đặt trái phép vào thềm lục địa của Việt Nam cũng như nhiều sự cố khác, chúng ta kiên định dùng giải pháp hòa bình. Trong giải pháp hòa bình, chúng ta có nhiều giải pháp, nhưng trước hết bằng con đường ngoại giao, trao đổi với nhau. Hiện nay chúng ta vẫn thường xuyên trao đổi.

Có bạn nói kiện ra tòa cũng là giải pháp hòa bình, điều đó hoàn toàn đúng. Hai láng giềng với nhau, anh lớn hơn tôi, anh không phải với tôi, nhưng cần nói chuyện với nhau đã, rồi nhờ hàng xóm, mọi người cùng có ý kiến. Còn cùng cực không thể nói chuyện với nhau được mới mang nhau ra tòa. Hai nhà hàng xóm đã mang nhau ra tòa rồi thì “bát nước đổ xuống” như người Việt ta nói sẽ rất khó lấy lại. Vì thế chúng ta kiên định, kiên trì, bằng con đường trao đổi ngoại giao để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Tôi cũng muốn nói tất cả các giải pháp theo luật pháp quốc tế để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đều được Đảng và Nhà nước hết sức chú trọng và được các cơ quan nghiên cứu. Chúng ta đều có chuẩn bị tất cả mọi phương án, lúc nào làm phương án nào chúng ta phải tính toán rất kỹ, rất trí tuệ.

Như tôi nói ban đầu chúng ta phải hết sức tỉnh táo, trí tuệ. Bằng giải pháp hòa bình, bằng thực tâm, bằng tấm lòng, chúng ta trao đổi với nhau. Chúng ta phải vừa giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhưng chúng ta phải giữ được hòa bình để phát triển, không chỉ hòa bình cho Việt Nam mà hòa bình cho khu vực và thế giới.

Các bạn đều biết người ta dự kiến khoảng một nửa số lượng hàng hóa thế giới có liên quan giao lưu thông qua Biển Đông. Nếu chỉ cần xung đột và ách tắc lại, sẽ ảnh hưởng đến khu vực và thế giới.

Tôi chúc bạn có nhiều nghiên cứu sâu để góp phần thêm vào còn chúng ta rất kiên định, tỉnh táo, trí tuệ và chúng ta có lòng tin. Tất cả những điều đó đều đã được Đảng, Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu. Xin cám ơn bạn.

>>> Video Cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan trái phép:


Đại biểu Phạm Thế Truyền (Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam): Trước tình hình phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là các hành động gây hấn của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, các cuộc biểu tình ở trong nước, tôi xin hỏi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là quốc gia có đang lâm nguy không và điều lo lắng nhất của Phó Thủ tướng hiện nay là gì?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Hôm nay là giao lưu về lĩnh vực khoa học công nghệ mà các bạn hỏi rất nhiều về Biển Đông, chứng tỏ lòng yêu nước của nhân dân ta nói chung và của giới khoa học nói riêng là một tài sản vô giá, là căn cốt của dân tộc ta, đã được trao truyền qua nhiều thế hệ trong lịch sử và sẽ được tiếp nối. Yêu nước có rất nhiều cách. Làm việc tốt cũng là yêu nước. Nhân ngày Quốc khánh, các bạn trẻ trên mạng treo avatar hình Quốc kỳ cũng là biểu thị lòng yêu nước. Nhân ngày lễ treo cờ Tổ quốc cũng là yêu nước, rồi các cuộc mít tinh, tuần hành… cũng là yêu nước. Đó là những hình thức rất tốt. Nhưng thể hiện lòng yêu nước dưới hình thức nào, như thế nào? Thì như tôi đã nói lúc đầu, chúng ta phải sáng suốt, trí tuệ khi thể hiện hình thức, thời điểm sao cho có lợi nhất.

Sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là trái pháp luật quốc tế. Nhân dân biểu thị lòng yêu nước, phản đối Trung Quốc. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng có chỉ đạo cụ thể, trên tinh thần phải giữ vững chủ quyền quốc gia và giữ được môi trường hòa bình. Đương nhiên không thể đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy hòa bình, nhưng phải kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, tỉnh táo, trí tuệ.

Những ngày qua, một số nơi đã thể hiện lòng yêu nước bột phát, một số người bị kích động, một số kẻ kích động vi phạm pháp luật. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo xử lý nghiêm những kẻ vi phạm pháp luật, tuyên truyền để người dân không bị kích động, không bị lôi kéo bởi kẻ xấu. Yêu nước nhưng phải giữ được trật tự an toàn xã hội và đặc biệt phải giữ được hình ảnh yêu hòa bình, chính nghĩa của người Việt Nam, không làm cho môi trường đầu tư xấu đi, thậm chí còn phải làm cho tốt hơn. Đất nước giàu mạnh mới có điều kiện để bảo vệ chủ quyền tốt hơn. Nên biểu thị lòng yêu nước theo hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức có chức năng, của các cấp chính quyền, biểu thị lòng yêu nước có lợi nhất cho đất nước, không mắc mưu kẻ xấu, làm phương hại đến đất nước và đến chính công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.

Bạn hỏi tôi lo gì nhất? (cười) Lúc bạn hỏi thì tôi lo trả lời đúng câu hỏi của bạn. Còn lâu dài thì ai cũng lo đất nước mình mấy nghìn năm như vậy, cha ông ta giữ gìn như vậy, bây giờ làm sao chúng ta xứng đáng với sự kỳ vọng của cha ông, làm sao để đất nước mình giàu mạnh. Bao người đã hi sinh vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc của nhân dân. Giàu thì chưa chắc đã hạnh phúc, nhưng nghèo thì chắc chắn khó hạnh phúc. Chúng ta bảo vệ chủ quyền, nghèo cũng phải làm và cũng có thể làm, nhưng giàu thì sẽ làm tốt hơn. Tất cả mọi người Việt Nam phải có trách nhiệm với cha ông, với mai sau, muôn người như một, làm thật tốt việc của mình, vượt qua chính mình.

Điều đó lúc nào chúng ta cũng phải nghĩ tới. Muôn người như một, lúc khó khăn càng phải đoàn kết. Như những người làm khoa học có mặt ở đây, trong đó nhiều bạn còn trẻ, cũng thấy rằng cơ chế dành cho khoa học công nghệ còn nhiều điều chưa được như mong muốn và chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện, nhưng cũng không nên quên trong kháng chiến, các nhà khoa học của chúng ta đã từ Pháp, từ Paris hoa lệ về rừng, ăn rừng, ở rừng, làm ra súng ba-zô-ka, nghiên cứu khoa học... Nếu chúng ta không vượt lên thì không được. Tôi rất thích một câu hát của Đoàn Thanh niên: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Các bạn có đồng ý như vậy không? (hội trường vỗ tay).

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
vtcnews.vn