• Zalo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Học bình thường cũng đỗ kỳ thi quốc gia 2015

Giáo dụcThứ Ba, 29/07/2014 03:48:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đề thi sẽ được thiết kế để học sinh có năng lực bình thường cũng có thể đỗ kỳ thi quốc gia chung 2015.

(VTC News) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đề thi sẽ được thiết kế để học sinh có năng lực bình thường cũng có thể đỗ kỳ thi quốc gia chung 2015.

Không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp

Phát biểu trong lễ tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014-2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đã dành thời gian lắng nghe hàng chục chuyên gia hiến kế về đổi mới giáo dục. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng lắng nghe ý kiến của chính các em học sinh và các giáo viên chia sẻ về đổi mới giáo dục.
Phó thủ tướng vũ đức đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các địa phương phải quyết tâm tổ chức kỳ thi quốc gia 2015 có chất lượng để có căn cứ đáng tin cậy xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ để các trường tuyển sinh đại học, cao đẳng 
“Tôi nghe nói rằng 99% học sinh đỗ tốt nghiệp thì thi làm gì. Nếu các đồng chí lên báo đọc thì mọi người đều bảo rằng bỏ đi cho đỡ tốn kém. Năm ngoái thậm chí tôi không còn muốn nhớ con số cụ thể tỷ lệ đỗ tốt nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.

Ông Đam cho rằng nếu chỉ nhìn vào trước mắt thì dư luận rất dễ dàng kết luận không cần thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, nhiều ý kiến lại cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức đơn giản và giao về cho các địa phương tự tổ chức ra đề và chấm thi. Khi đó, việc tuyển sinh đại học nên giao cho các trường tổ chức thi.

“Nếu mình nhìn một cách ngắn hạn thì là như thế. Nhưng mà chúng ta cần đặt lại vấn đề. Nếu chúng ta không tổ chức một kỳ thi quốc gia chung trước khi các cháu kết thúc phổ thông thì việc học có bị xao nhãng không?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi.

Khi đó, chúng ta chỉ có thể tin vào học bạ của các thầy cô giáo đánh giá cả quá trình ở trên lớp. Vị Phó Thủ tướng cũng cho rằng: “Nếu các cơ sở giáo dục đều gương mẫu, đều trong sạch thì việc tổ chức kỳ thi chắc không cần nữa”

 
Nếu chúng ta không tổ chức một kỳ thi quốc gia chung trước khi các cháu kết thúc phổ thông thì việc học có bị xao nhãng không?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
 
Bên cạnh đó, nếu để cho các tỉnh tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ xảy ra tình trạng bệnh thành tích và ra đề ở các trình độ khác nhau tạo nên mặt bằng chất lượng giáo dục quốc gia không đồng nhất.


“Lật đi lật lại như vậy thì thấy rằng chưa ổn. Vì vậy không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Ngoài ra, nếu  chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam tốt như các nước và thực sự những người vào học và ra trường là xứng đáng thì cũng không đặt vấn đề thi đại học làm gì.

“Như ở các nước tiên tiến, đa phần học sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể vào học đại học. Ngoại trừ một số trường đặc biệt người ta mới tổ chức thi. Vì chúng ta kiểm định chất lượng giáo dục ở bậc đại học và bậc nghề không tốt nên chúng ta mới phải siết đầu vào. Nhưng chúng ta siết ở điểm thi là không ăn thua”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.

Học bình thường cũng đỗ tốt nghiệp

Trước băn khoăn của nhiều đại biểu về cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia để làm 2 nhiệm vụ như đã nêu, Phó Thủ tướng cho rằng nếu chúng ta làm kỳ thi này tốt thì các trường đại học sẽ không tổ chức một kỳ thi riêng.
Còn nếu các trường không tin vào kỳ thi của chúng ta thì người ta vẫn tiếp tục tổ chức thi riêng.

“Chúng ta không sợ tốn kém nếu thi là cần thiết. 2 kỳ thi chứ 3 kỳ thi nếu cần thiết thì vẫn phải tổ chức thi. Nhưng thực sự nó không cần thiết thì chúng ta phải bỏ.  Bỏ bớt 1 kỳ thi nhưng 2 mục tiêu như trên vẫn phải đảm bảo”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Để tổ chức kỳ thi quốc gia từ 2015, Phó Thủ tướng cho rằng điều đầu tiên là toàn ngành giáo dục phải đổi mới, làm rất trung thực, chất lượng thì có tác dụng.
kỳ thi quốc gia
Kỳ thi quốc gia 2015 cần phải có sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả lãnh đạo các địa phương và lãnh đạo ngành giáo dục 
“Việc các đồng chí cho rằng bố trí thi ở địa phương, phải cử các giáo viên trung ương về, 3 giáo viên chấm cùng 1 bài thi… nếu tất cả gây khó khăn cho Bộ GD-ĐT nhưng có lợi cho xã hội thì chúng ta vẫn nên làm. Chúng ta đặt lợi ích của xã hội, lợi ích của các cháu học sinh lên trước”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Nếu việc gì thấy lợi thì phải quyết tâm làm. Việc  tổ chức thi, trông thi, chấm thi nghiêm túc để kết quả đáng tin cậy thì các trường có thể lấy căn cứ xét tuyển.

“Nếu chúng ta quyết tâm đồng ý thi thì phải làm nghiêm túc. Làm nghiêm túc ở đây không chỉ trong 1 kỳ thi. Trước đây chúng ta từng có thời gian làm nghiêm túc thì có địa phương chỉ đỗ 60% nhưng mà 1,2 năm sau làm không nghiêm túc lại lên 90%. Đổi mới căn bản phải như thế, không làm giật cục”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ tới lãnh đạo các địa phương ngồi dưới hội trường.

 
Đối với mức độ phổ thông, ra đề làm sao cho các cháu học rất bình thường cũng đủ tốt nghiệp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
 
Phó Thủ tướng cũng lý giải thêm, ở phương án 1 và phương án 2  thay vì mỗi một môn làm riêng một buổi thi thì các em học sinh sẽ làm 3 môn trong một bài thi.


“Chưa có gì liên quan đến chương trình dạy học. Tôi đã có các cháu học sinh, cái đó chưa ảnh hưởng gì đến việc dạy và học. Nó chỉ có điểm khó là thay vì 3 buổi thi 3 bài thì nay thi trong một buổi sáng”, Phó Thủ tướng nói.

Điều quan trọng nhất chính là việc các trường đại học, cần đánh giá gì ở kỳ thi quốc gia này để công bằng nhất.

“Đối với mức độ phổ thông, ra đề làm sao cho các cháu học rất bình thường cũng đủ tốt nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Như vậy, kỳ thi này phải hướng đến việc đổi mới chương trình. Các trường đại học, cao đẳng cần chúng ta đánh giá gì về học sinh, về tóan, văn, hóa sinh nói riêng hay đánh giá chung về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhiều hơn thì lựa chọn.

“Tôi đề nghị các phương án này, thậm chí còn nhiều phương án nữa, có thể ra nhiều phương án, chúng ta cùng bàn lấy ý kiến nhưng ý kiến phải có phân tích, đừng để nói theo cảm tính”, Phó Thủ tướng nhắc nhỏ lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương.

Bộ GD-ĐT cũng cần phải có quan điểm, nghiêng về phương án nào và cần phải thuyết trình cho cả cộng đồng hiểu được điều đó.

“Chính phủ đã chỉ đạo công bố phương án trước khi khai giảng năm học mới để không còn cảnh các cháu học sinh cứ phải trông chờ thi thế nào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lý giải cụ thể về kỳ thi quốc gia chung, Phó Thủ tướng cho rằng các ngành liên quan cần giải thích cụ thể cho xã hội biết rằng kỳ thi này sẽ cung cấp số đo của các học sinh cho các đại học, cao đẳng.

“Hoàn toàn không có khái niệm tổng điểm bao nhiêu, điểm chuẩn bao nhiêu. Đó là số đo chuẩn kiến thức của học sinh từng môn, từng bài, từng ngành tự nhiên, xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Sau khi có kết quả này, các cháu và các trường mới biết. Tránh tình trạng một cháu 17-18 tuổi nhất là con nông nhân bắt buộc phải chọn một trường trước khi thi mà mình chưa biết kết quả của trường đó, thậm chí ngoài khả năng của các cháu.

“Phải giải thích rõ để các cháu đi thi thoải mái tâm lý, tốt nghiệp không vấn đề gì, còn số đo của mỗi học sinh sẽ được công khai toàn bộ cả nước cùng biết.

Trên cơ sở đó, các trường sẽ lựa chọn các thi sinh nào phù hợp để vào vòng sơ tuyển. Vậy các cháu học sinh sẽ có nhiều cơ hội vào đại học hơn, nhất là các cháu nghèo và thiếu hiểu biết, chưa có được sự định hướng của người lớn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tác dụng của kỳ thi quốc gia chung.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn