• Zalo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo “đánh” cúm

Sức khỏeChủ Nhật, 23/02/2014 04:24:00 +07:00Google News

(VTC News) - Tình hình dịch cúm rất đáng ngại khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải trực tiếp tham gia chỉ đạo ‘đánh’ cúm.

 

Sáng nay (23/2), tại Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh thành về “Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống sởi”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất băn khoăn, lo lắng vì tình hình cúm diễn biến phức tạp.

 

 

Virus cúm A/H7N9 không gây bệnh trên gia cầm, chỉ gây bệnh trên người.  

Ông yêu cầu ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương không được chủ quan. Các đơn vị cần giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên và các chủng virus cúm mới, sẵn sàng xử lý các tình huống.

Đối với cúm A(H5N1), trên thế giới, từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 6 trường hợp mắc, 6 trường hợp tử vong trên người, trong đó  tại  Campuchia  (3  ca  mắc, 3  ca  tử vong),  Việt Nam  (2  ca  mắc, 2  ca  tử vong), Trung Quốc (1  ca  mắc, 1 ca tử vong).

Các trường hợp mắc này đều  có tiền sử tiếp xúc và chế biến gia cầm ốm, chết.

Như vậy, tích từ năm 2003 đến  nay, ghi nhận 655  trường hợp mắc cúm A(H5N1), có 391  trường hợp tử vong.  Dịch bệnh xảy ra ở 16 quốc gia, tập trung Indonesia, Ai Cập, Việt Nam.

Theo WHO, cúm A(H5N1) lây truyền từ gia cầm sang người và chưa có hiện tượng lây truyền từ người sang người.

Tại Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2014, sau 9 tháng không ghi nhận ca bệnh nào, nước ta tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, các trường hợp mắc đều có tiền  sử dịch tễ tiếp xúc  với gia cầm bị nhiễm virus cúm A(H5N1). 

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Từ ngày 07/02/2014 đến  20/2/2014, cả nước đã có  có 64 ổ dịch tại 16 tỉnh: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ và Vĩnh Long.

Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia  cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.

Dịch bệnh chưa có xu hướng dừng lại, trong đó có nhiều ổ dịch nhỏ nên nguy cơ lây truyền sang người là rất lớn. Hiện đang là mùa  xuân nên thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của virus cúm.

Đặc biệt về dịch cúm A/H7N9 đang quay trở lại, tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, từ tháng 3/2013 đến nay đã ghi nhận 360 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), 67 trường hợp tử vong. Các ca mắc ghi nhận  tại 14 tỉnh/thành phố của Trung Quốc (không kể Đài Loan, Hồng Kông và Malaysia).

Với chủng cúm H7N9, TS.Scott Newman – Điều phối viên kỹ thuật cao cấp – Trung tâm khẩn cấp Kiểm soát dịch bệnh xuyên biên giới (ECTAD), Cơ quan đại diện FAO tại Việt Nam khẳng định: Trường hợp này đặc biệt vì virus không gây bệnh trên gia cầm, chỉ gây bệnh trên người.

H7N9 trên người gây thiệt hại hơn  26 tỷ USD ở Trung quốc do ảnh hưởng đến tiêu thụ, buôn bán và sản xuất gia cầm. 

H7N9 đã phát hiện đầu tiên trên gà, không phải chim hoang dã hay các loài động vật khác. H7N9 thường được phát hiện trên gà tại các chợ bán buôn gia cầm hoặc chợ gia cầm sống khác, ít khi phát hiện ở các trang trại.

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng H7N9 cho gia cầm. Hầu hết những ca nhiễm trên người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm nhiễm bệnh hoặc đã đến chợ gia cầm sống nơi mà có cả  gia cầm và môi trường nhiễm.

TS Newman cho rằng: Việc đóng cửa các chợ ở tỉnh Quảng Đông và các tỉnh khác của Trung Quốc dẫn đến tình trạng gia cầm đến tuổi xuất bán bị thừa và cần đẩy đi tiêu thụ ở nơi khác.  Hơn nữa, số gà thừa chắc chắn sẽ được bán với giá rất rẻ.

Vì vậy, cần đảm bảo việc ngăn ngừa tất cả số gia cầm vận chuyển xuyên biên giới từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế nhận định, hiện nay Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Nhận định này dựa trên kết quả giám sát và chủ động xét nghiệm hơn 5.600 mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân có hội chứng cúm, viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi nặng thời gian qua.

Kết quả, không phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 mà chủ yếu là cúm A/H3N2,  cúm A/H1N1 và cúm B. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm gần 20.000 mẫu gia cầm lấy tại các chợ gia cầm của 11 tỉnh thành phía Bắc đều âm tính với virus cúm A/H7N9.

Tuy nhiên, tình hình số mắc cúm A/H7N9 gia tăng đột biến tại Trung Quốc và đã lan rộng đến các tỉnh biên giới giáp với nước ta, trong bối cảnh người dân giao lưu thương mại, du lịch rất lớn cùng với việc gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp khó kiểm soát nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam rất cao.

Virus có thể lây lan sang các đàn gia cầm trong nước và lây sang người. Có thể rất sớm trong thời gian tới, Việt Nam sẽ ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9 trên người từ vùng dịch trở về hoặc ghi nhận virus trên các đàn gia cầm trong nước rồi lây sang người. 

TS. Takeshi Kasai, Trưởng Đại diện WHO Việt Nam cho biết: Tại Trung Quốc chưa có bằng chứng về lây truyền bền vững virus cúm H7N9 từ người sang người cũng như sự biến chủng từ cúm gia cầm sang cúm người.

Tại Việt Nam chưa có bằng chứng về việc lưu hành của virus cúm gia cầm A(H7N9)

Ông khuyến cáo người dân nên vệ sinh tay, rửa tay trước, trong và sau khi nấu ăn; sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với động vật hoặc xử lý chất thải động vật; khi tay bẩn; và khi chăm sóc người ốm trong nhà.

Vệ sinh đường hô hấp: Khi ho hay hắt hơi, nên che miệng và mũi bằng khăn, tay áo hoặc bằng khuỷu tay; vứt khăn vào thùng rác được đậy kín sau khi sử dụng; rửa tay sau khi tiếp xúc với các dịch tiết đường hô hấp.

Tránh tiếp xúc với chim, gia cầm sống: Tránh tới các chợ gia cầm sống và tiếp xúc với các bề mặt có thể đã bị bẩn với phân hay máu gia cầm.

Gia cầm hoặc chim cảnh cần được nấu và xử lý đúng cách. Các loại virus cúm không lây truyền thông qua việc tiêu thụ các thức ăn được nấu chín kỹ trên 70°C đồng đều và không còn phần thịt màu hồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập Ủy ban Quốc gia phòng, chống dịch bệnh do Phó Thủ tướng làm  Trưởng ban  để  tăng cường sự thống nhất  giữa các Bộ, ngành  trong chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.

 

 

Bình luận
vtcnews.vn