Chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được đưa ra tại "Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020", diễn ra tại Bình Định, ngày 29/3.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương và ban ngành liên quan phải kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Phó Thủ tướng yêu cầu khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải tính toán kỹ, chỉ chuyển đổi khi thực sự cần thiết cho các mục đích, nhằm đạt lợi ích cao nhất cho người dân và cộng đồng. Việc chuyển đổi phải đi đôi với trồng rừng thay thế.
Phó thủ tướng cũng cho rằng năm 2018, ngành Lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn đọng. Đặc biệt, vẫn còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ.
Công tác trồng rừng phòng hộ, đặc dụng gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, quỹ đất trồng rừng ngày càng khó khăn, đòi hỏi chi phí cao, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách được bố trí không tương xứng.
Theo báo cáo sau 3 năm (2016 - 2018) thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thì đến cuối năm 2018, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ước đạt hơn 41,6%, tăng 0,2% so năm 2017. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 32.022 tỷ đồng, tăng 6,09% so năm 2017.
Trong năm, các địa phương đã trồng được 231.520 ha rừng tập trung, đạt 118,7% kế hoạch năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt gần 9,4 tỷ USD, tăng 15,9% so với 2017.
Sản lượng khai thác gỗ năm 2018 đạt 27,5 triệu m3, đáp ứng 80% nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất siêu hơn 7 tỉ USD của các loại lâm sản chính.
Năm 2019, chương trình đặt ra mục tiêu đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 41,85%, tăng thêm 0,2% so năm 2018, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5% đến 6,0%.
Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 10,5 tỷ USD, đồng thời tiếp tục duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo…
Bình luận