Phải có ngân hàng đề thi chất lượng, được chuẩn hóa
Ngày 14/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực (Hội đồng), để thảo luận các đề xuất của Bộ GD&ĐT về phương án tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu số 1 của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá được chất lượng đào tạo bậc phổ thông, còn đào tạo nghề, cao đẳng, đại học cần định hướng dựa trên năng lực, phẩm chất, mong muốn của học viên, sinh viên, không chạy theo bằng cấp, thành tích.
Do đó, phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 phải theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, “theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”.
Phó Thủ tướng cùng các thành viên Hội đồng đề nghị Bộ GD&ĐT tập trung đầu tư cho ngân hàng đề thi chuẩn hóa cho tất cả địa phương, vùng miền, xây dựng tiêu chí đánh giá phù hợp với lộ trình thực hiện và mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông.
Tại phiên họp, Bộ GD&ĐT nêu nêu 3 phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Cụ thể: Phương án 1: Lựa chọn: 2 + 2: thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 ( Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Phương án 2: Lựa chọn: 3 + 2: môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 3: Lựa chọn: 4 + 2: 4 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Trong đó, đề xuất chọn Phương án 1, thi 4 môn (Lựa chọn 2+2), gồm thi bắt buộc môn Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12.
Nêu ý kiến với đề xuất của Bộ GD&ĐT, các thành viên Hội đồng cho rằng, phương án thi tốt nghiệp phải tiếp cận đồng bộ, bài bản, xuất phát từ sự đổi mới phương pháp dạy và học, Chương trình giáo dục phổ thông mới, SGK mới, đào tạo giáo viên, đánh giá thi cử... theo hướng tăng cường sự tham gia chủ động của chính quyền địa phương, lấy trường học làm trung tâm.
Bình đẳng trong tiếp cận giáo dục
Bên cạnh đồng tình với đề xuất của Bộ GD&ĐT, các chuyên gia, các nhà giáo dục cũng nhắc đến vấn đề học sinh có thể học chỉ tập trung vào các môn thi, do đó, để hạn chế tình trạng “học môn này bỏ môn kia”, cần tăng cường việc dạy học, giải quyết vấn đề từ các thầy cô, có sự cố gắng ủng hộ từ các thầy cô.
Các thành viên Hội đồng cũng cho rằng, việc lựa chọn phương án thi nào cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tạo điều kiện để thí sinh có định hướng nghề nghiệp năng lực, sở thích và điều kiện, hoàn cảnh của thí sinh.
Cùng với ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng đề án tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 toàn diện, giải pháp cụ thể, nhất là về ngân hàng đề thi, phương án tổ chức thực hiện, thí điểm phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương.
Đây cũng là nội dung để tuyên truyền, thông tin đến nhân dân, huy động các chuyên gia, nhà khoa học tham gia, tạo sự đồng thuận, bảo đảm nguyện vọng bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Bình luận