Sáng 1/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, trong mọi hoàn cảnh của đất nước, dù khó khăn thiếu thốn đến đâu, Đảng, Nhà nước, gia đình, xã hội vẫn luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em bởi chính các em là tương lai của đất nước.
Theo đó, luôn dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao cho trẻ em. Nhất là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển, đảo ngày càng được quan tâm.
Các chương trình áo ấm cho em, cơm có thịt, xóa phòng học tạm, nuôi em…đang thu hút sự tham gia của hàng triệu người, giúp nâng bước chân trẻ em đến trường để học những điều mới, nuôi dưỡng ước mơ đổi thay cuộc đời.
Bên cạnh đó, nhiều diễn đàn, hội nghị của trẻ em được tổ chức từ cấp địa phương đến quốc gia, để trẻ em nói lên tiếng nói của mình và người lớn lắng nghe những vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ.
"Dù nỗ lực hết sức nhưng chúng ta không khỏi trăn trở, đau lòng mỗi khi biết thông tin một em nhỏ đang phải chịu đựng đau đớn về thể xác, tinh thần do bị bạo lực, hay bị xâm hại hoặc bị thương tích, đuối nước.
Trên cả nước, vẫn còn hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt hoặc nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cần trợ giúp, bị ảnh hưởng của những nội dung độc hại trên môi trường mạng...", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, thực tiễn trên đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải hành động quyết liệt hơn nữa, ưu tiên cao hơn nữa, dành sự yêu thương, quan tâm và nguồn lực lớn hơn nữa cho trẻ em.
"Tôi đánh giá rất cao chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 là “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” nhằm tạo môi trường sống an toàn, có cơ hội phát triển toàn diện cho mọi trẻ em Việt Nam.
Trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, cá nhân tôi và các lãnh đạo, thành viên Chính phủ sẽ luôn hết sức lắng nghe, ghi nhận ý kiến của các em; hành động quyết liệt để tiếp tục hoàn thiện, xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực chăm lo, bảo vệ, tạo môi trường cho hơn 15 triệu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam phát triển ngày càng tốt đẹp, an toàn hơn", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đưa ra 6 đề đề nghị:
Thứ nhất: Các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương phải quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với sự phát triển của trẻ em gắn với phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thứ hai: Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em. Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, nhân viên công tác xã hội, cộng tác viên ở cộng đồng dân cư. Nghiên cứu xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển trẻ em mang tính tổng thể, toàn diện.
Thứ ba:Bảo đảm nguồn lực nhà nước, huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện các chính sách về dinh dưỡng, sức khoẻ, giáo dục, vui chơi, giải trí, văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; phát triển hệ thống phúc lợi, dịch vụ xã hội cho trẻ em theo hướng đa tầng, chất lượng.
Thứ tư: Xây dựng môi trường gia đình, nhà trường, xã hội an toàn, lành mạnh, thân thiện để trẻ em phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ. Bảo đảm cho trẻ em được thụ hưởng lợi ích tốt nhất, không bị phân biệt đối xử, được bày tỏ ý kiến và được lắng nghe.
Thứ năm: Chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ trẻ em trước thông tin xấu, độc không phù hợp với lứa tuổi trên không gian mạng và xã hội; không để trẻ em làm công việc ảnh hưởng đến học tập, sức khoẻ, phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần; phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em.
Phát triển các sản phẩm văn hoá, văn học - nghệ thuật, giáo dục lành mạnh, phù hợp, có chất lượng dành cho trẻ em.
Thứ sáu:Bảo đảm quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề có liên quan trong gia đình, nhà trường, tổ chức của trẻ em. Tăng cường hợp tác, tham gia, phát huy vai trò thành viên tích cực trong thực hiện Công ước Liên hợp quốc, các phong trào toàn cầu, khu vực về thực hiện và bảo vệ quyền trẻ em.
Bình luận