• Zalo

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: APEC 2017 - Tầm nhìn chiến lược của đối ngoại Việt Nam

Thế giớiThứ Hai, 08/05/2017 18:03:00 +07:00Google News

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh có bài viết về APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam.

VTC News xin giới thiệu bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về APEC 2017:

"Đăng cai APEC là thể hiện vai trò năng động, dẫn dắt và trách nhiệm của  Diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Năm APEC Việt Nam 2017 đến nay mới đi được gần một nửa chặng đường. Tuy nhiên, nhìn vào những gì đã đạt được, bạn bè và đối tác trong cũng như ngoài Diễn đàn đều trân trọng, đánh giá cao từ công tác tổ chức chu đáo, chuyên nghiệp, đến những đề xuất, sáng kiến chủ động, tích cực của Việt Nam thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC.

Việt Nam lần thứ hai tổ chức Năm APEC vào thời điểm tình hình thế giới và khu vực nổi lên nhiều diễn biến phức tạp. Đúng vào lúc APEC đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, lại nổi lên không ít lực cản đối với tiến trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế.

PTT-4

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. (Ảnh: Tùng Đinh)

Song, gần 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, chúng ta cũng đang chứng kiến những diễn biến tích cực hơn, trong đó có các dấu hiệu khởi sắc mới trong tăng trưởng kinh tế và thương mại khu vực khu vực và toàn cầu.

Thực tế đó đặt những người chèo lái con thuyền APEC trước trọng trách phải chung tay hành động nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn cho Diễn đàn, từ đó mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.

Vì lẽ đó, bạn bè quốc tế nhìn nhận Năm APEC Việt Nam 2017 vừa là thử thách, vừa là cơ hội lớn để thúc đẩy tăng trưởng và liên kết ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong một thế giới đầy biến động.

APEC 2017 – Tầm nhìn chiến lược của đối ngoại Việt Nam

Năm APEC 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thành công của Năm APEC 2006 và uy tín quốc tế ngày càng cao qua việc đảm nhận tốt các trọng trách ở nhiều tổ chức, diễn đàn những năm qua đã giúp Việt Nam bước vào Năm APEC 2017 với một tâm thế mới.

Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề  “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” của Năm APEC 2017 được bạn bè, đối tác đánh giá cao và đồng lòng hưởng ứng.

Trên cơ sở tiếp nối các thành quả của hợp tác APEC thời gian qua, Việt Nam đề ra bốn ưu tiên lớn về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây là những nội dung đáp ứng được quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế thành viên, phù hợp với xu thế chung trong hợp tác quốc tế, đồng thời cũng phản ánh rõ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn mới.

Việc xác định đúng chủ đề, ưu tiên và các hướng hợp tác của APEC 2017 thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của đối ngoại Việt Nam. Trước hết, đó là tầm nhìn về một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển năng động, tiếp tục là đầu tàu của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.

Trong đó, Diễn đàn APEC, Cộng đồng ASEAN, các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê Công, các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhiều bên và song phương… cùng phát triển và bổ trợ lẫn nhau, hình thành một cấu trúc khu vực bền vững, toàn diện.

Tầm nhìn chiến lược đó xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ là thế kỷ XXI cần được định hình bởi tư duy bình đẳng, cùng có lợi và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, chứ không phải lối nhìn theo kiểu "kẻ được, người mất", nhất là trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Tất cả các nước khu vực, dù có hay không là thành viên APEC, đều chia sẻ lợi ích chung trong việc xây dựng quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ XXI.

Thứ hai, các hoạt động của APEC năm nay phải tạo ra những động lực mới  để thúc đẩy tăng trưởng và nâng liên kết kinh tế khu vực lên một tầm cao mới, khẳng định là Diễn đàn vì người dân và doanh nghiệp. APEC cần có thêm xung lực cho tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, phát triển bao trùm về kinh tế - tài chính - xã hội, tăng cường kết nối, phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác trong các vấn đề kinh tế - thương mại thế hệ mới….

Đồng thời, nhu cầu cấp bách nữa là đẩy nhanh nỗ lực hoàn tất các Mục tiêu Bô-go, duy trì đà liên kết khu vực trong các khuôn khổ như Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Video: Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Việt Nam dự APEC 2017

Thứ ba, năm 2017 còn được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của APEC là diễn đàn khởi xướng ý tưởng, định hướng và điều phối liên kết kinh tế, qua đó thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, minh bạch, có khả năng thích ứng cao, bảo đảm tính bổ trợ, hài hòa của các cơ chế đa tầng nấc.

Đại diện 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu, APEC cũng cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong các nỗ lực toàn cầu về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, xử lý các thách thức chung như tác động trái chiều của toàn cầu hóa và công nghệ số, bất bình đẳng gia tăng ….

Thứ tư, sau 28 năm hình thành và phát triển, đây còn là thời điểm quan trọng để  định hình Tầm nhìn của APEC sau năm 2020. Tầm nhìn đó cần xác định rõ các mục tiêu, hướng đi dài hạn và các trụ cột hợp tác cho Diễn đàn trong 10 – 15 năm tới. Việc phát huy tinh thần hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tự nguyện và không ràng buộc là cần thiết để bảo đảm sự năng động, tính hấp dẫn của Diễn đàn trong một khu vực rất đa dạng về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển. Cùng với đó, vai trò dẫn dắt của APEC trong tiến trình định hình cấu trúc cũng như quản trị khu vực và toàn cầu cần được định rõ.

Với ý nghĩa đó, Năm APEC 2017 hứa hẹn sẽ tạo động lực mới cho Diễn đàn. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam góp phần định hình tương lai không chỉ của APEC mà cả cấu trúc kinh tế khu vực.

APEC 2017 một lần nữa khẳng định đối ngoại đa phương là chỗ dựa quan trọng của các quốc gia, lớn cũng như nhỏ, để thúc đẩy lợi ích và đề cao vị thế trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng.

Vị thế gia tăng, lợi ích thiết thực

Đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất. Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam.

18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng trong các FTA song phương và nhiều bên của nước ta. Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam.

Khoảng 80% du học sinh Việt Nam ở nước ngoài đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.

Do đó, Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam và là đóng góp quan trọng nhất của nước ta đối với hợp tác APEC trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử vào Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 cũng như các nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 sẽ góp phần hiện thực hóa một chủ trương rất quan trọng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các cơ chế đa phương”.

Sự ủng hộ và tham gia tích cực của các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế đối với các nỗ lực của APEC 2017 sẽ là một đòn bẩy giúp Việt Nam phát huy “sức mạnh mềm”. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam trở thành nước chủ nhà APEC đầu tiên được mời tham dự các cuộc họp của Nhóm G-20 trong năm nay.

Điều đó thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao của bạn bè quốc tế đối với những sáng kiến, ý tưởng hợp tác vượt lên trên tầm khu vực mà Việt Nam đã đề xuất cho APEC.

Rõ ràng, các hoạt động Năm APEC 2017 đã và sẽ góp phần khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Diễn đàn cũng như vị thế xứng đáng của Việt Nam trong quản trị khu vực và toàn cầu.

Các hoạt động trong năm 2017 còn là cơ hội để nước ta đưa các khuôn khổ quan hệ đối tác đã được xác lập đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, đặc biệt là tăng cường đan xen lợi ích dài hạn với các thành viên APEC chủ chốt.

Video: Dàn xe phục vụ APEC 2017

Trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 tới, dự kiến sẽ diễn ra nhiều cuộc gặp, chuyến thăm  chính thức của các nhà Lãnh đạo cấp cao APEC tới Việt Nam, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương và sự phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Từ góc độ kinh tế - xã hội, việc thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu Bô-go và triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động của APEC cùng nỗ lực của nước ta nhằm hoàn tất các cam kết trong các hiệp định FTA của ASEAN sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư ở nước ta. Đó là tiền đề để hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với các địa phương và doanh nghiệp, khoảng 200 hoạt động của APEC trong năm 2017 đã và sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư, du lịch...

Riêng Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng dự kiến có khoảng 10.000 đại biểu, doanh nghiệp hàng đầu khu vực và quốc tế cùng các tập đoàn truyền thông lớn tham dự.

Đó là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh một Việt Nam đổi mới, năng động cũng như lợi thế so sánh của các địa phương, vùng miền trên cả nước. Đây cũng là dịp để các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp mài dũa năng lực hội nhập quốc tế, góp phần đẩy mạnh văn hóa hội nhập của đất nước.

Đến nay, có thể nói các hoạt động của APEC đã diễn ra suôn sẻ, đạt mục tiêu đề ra. Đó là nhờ có sự chung sức đồng lòng, vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả và người dân.

Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm Đổi mới, với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè và đối tác, chắc chắn Năm APEC Việt Nam 2017 sẽ thành công tốt đẹp, góp phần phục vụ thiết thực các lợi ích phát triển và an ninh của chúng ta, đồng thời khẳng định tầm nhìn và vị thế mới của đất nước".

Nguồn: Bộ Ngoại giao
Bình luận
vtcnews.vn