• Zalo

Phó Thủ tướng: Phải ngăn chặn hành vi ép cung

Thời sự Thứ Ba, 05/11/2013 02:47:00 +07:00Google News

(VTC News) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hành vi ép cung là trái pháp luật và cần phải có biện pháp ngăn chặn.

(VTC News) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hành vi ép cung là trái pháp luật và cần phải có biện pháp ngăn chặn.

Ông Nguyễn Xuân Phúc 
Bên lề hành lang Quốc hội sáng 5/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Trả lời câu hỏi về việc thời gian qua có nhiều vụ án, bị can trong thời gian bị tạm giam có dấu hiệu bị ép cung, Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Theo quy định của pháp luật, nếu có trường hợp ép cung là trái pháp luật, cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi ở mọi lúc mọi nơi, kể cả trong nhà giam."

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: "Trong đường lối xử lý hình sự của chúng ta, điều quan trọng là không được để lọt tội phạm nhưng kiên quyết không để oan sai cho người dân, đảm bảo chế độ pháp lý, đặc biệt là hình sự, văn minh, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo luật pháp quy định".

Cũng liên quan đến vụ án oan sai 10 năm chấn động ở Bắc Giang, bên lề Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí.

- Ông Nguyễn Thanh Chấn liên tục gửi đơn kêu oan suốt 10 năm qua đến các cơ quan chức năng, nhưng duờng như không nhận được sự quan tâm? Vì sao thời gian gần đây các vụ án oan sai lại được ít đề cập đến hơn so với thời gian trước, thưa ông?


Ông Dương Trung Quốc: Theo tôi, có những cái người ta phải trả lời nhiều lần, nhưng có cái không trả lời hoặc chưa trả lời mà vẫn cứ xét xử. Cá nhân tôi và một vài đại biểu quốc hội cũng đã tham gia và đều không nhận được hồi âm, bản án vẫn được tuyên.

Có những vụ việc chúng tôi đưa yêu cầu tới Tòa án Nhân dân Tối cao nhưng chưa được trả lời thì đã xử lại rồi. Lần này, có cơ hội chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao tôi sẽ chất vấn về vấn đề này.

Ông Dương Trung Quốc 
Chúng ta muốn thay đổi thật sự thì phải nâng cao quyền giám sát của nhân dân. Câu chuyện này làm rúng động dư luận là vì một loạt các vấn đề về cơ chế và trách nhiệm.


Việc xét xử đúng người đúng tội và giải oan cho ông Chấn thì phải đền bù, mà tiền đền bù lấy từ công quỹ nhà nước, chứ không phải những người làm sai bỏ tiền ra đền bù.

- Chúng ta vẫn có khái niệm tồn tại là "làm án bỏ túi", vậy trong quá trình tiến hành cải cách tư pháp chúng ta phải làm gì?

Tất nhiên chúng ta phải khắc phục, phải loại trừ đi, nhưng loại trừ được hay không thì đó lại là một quá trình.

Chúng ta có thể thấy rõ, cùng một vụ việc xét xử, cứ cấp này thì thuận, cấp khác thì ngược lại và cứ đan chéo như thế đi đến tận cùng nó sẽ tạo ra một khối lượng công việc lẽ ra chỉ cần làm một lần thôi.


Thứ hai, họ sẽ đặt câu hỏi, vậy công lý ở đâu với những hội đồng xét xử của nhà nước cứ khác nhau như thế. Câu chuyện này không thể dễ trả lời được nhưng hiện tượng đó diễn ra phải được trả lời và cơ quan tòa án phải được trả lời.

- Vậy làm thế nào để không còn những án oan này nữa, thưa ông?

Chúng ta phải minh bạch trong quá trình xét xử, đồng thời phải có sự tham gia hỗ trợ về tư pháp cho những phạm nhân vì họ không có điều kiện tự bảo vệ mình.

- Xin cảm ơn ông!



Minh Trí

Bình luận
vtcnews.vn