Ngày 10/01/2011, tại một phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) đã xảy ra vụ cướp có vũ khí. Mặc dù đối tượng nhanh chóng bị bắt và đang được giam giữ tại cơ quan công an. Tuy nhiên, sự việc đã gây xôn xao dư luận. Đại diện Maritime Bank, Phó Tổng Giám đốc Ngân Hàng hải, Trần Thanh Nam đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với PV.
- Thưa ông, sau sự việc cướp ngân hàng xảy ra vừa rồi, có những ý kiến cho rằng Maritime Bank quả thực quá may mắn khi gặp phải một tên cướp “thiếu chuyên nghiệp” đến thế bởi nhân viên ngân hàng phản ứng quá thụ động và yếu ớt?
- Trên thực tế, đây là một vụ cướp có vũ khí. Trong hoàn cảnh một đối tượng dùng dao và một hộp điều khiển có nút bấm uy hiếp, với một người bình thường, không phải là một người có nghiệp vụ hay làm trong lĩnh vực an ninh thì rất khó để đánh giá tên cướp có chuyên nghiệp hay không, cũng có nghĩa là khó mà lường trước hậu quả sự việc nếu manh động.
Về vụ việc, tôi cho rằng các CBNV rất chủ động, xử lý, ngăn chặn vụ cướp. Cụ thể, khi chưa thể khẳng định hộp điều khiển kíp nổ mìn kia là thật hay giả, nhân viên ngân hàng đã đặt sự an toàn lên hàng đầu: an toàn tính mạng mình, cho đồng nghiệp,cho khách hàng và an toàn cho tài sản của Ngân hàng.
- Thời điểm vụ cướp xảy ra, nhân viên bảo vệ được trang bị như thế nào?
- Bảo vệ không phải lực lượng vũ trang của Nhà nước nên không được trang bị vũ khí nóng nhưng họ có những công cụ cho phép như: bộ đàm, dùi cui và kỹ năng nghiệp vụ.
- Vậy thông thường ở một điểm giao dịch thường có mấy bảo vệ như vậy?
- Số lượng bảo vệ tùy thuộc quy mô điểm giao dịch và phụ thuộc cả vào thời điểm giao dịch. Ví dụ những thời điểm có xe tiền đến thì không chỉ lực lượng bảo vệ được bổ sung còn có nhân viên Cục Cảnh sát để bảo vệ tất cả các xe tiền và kho tiền của Ngân hàng.
- Thời điểm mà bọn cướp thường lợi dụng là những khoảng thời gian vắng người. Vậy, buổi trưa, khi hầu hết các ngân hàng đều ngừng giao dịch có phải là một kẽ hở an ninh không, thưa ông?Trần Thanh Nam - Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank.
- Bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng có rủi ro vấn đề là cần đoán trước và kiểm soát được những rủi ro. Trên thực tế, Maritime Bank giao dịch thông trưa. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ không thể trông chờ vào khách hàng mà nhân viên bảo vệ cũng như nhân viên giao dịch phải hoàn toàn chủ động, linh hoạt xử lý các tình huống ngoài ý muốn với sự hỗ trợ của các thiết bị an ninh hiện đại.
- Vậy thời điểm buổi đêm, thời điểm đặc biệt nhạy cảm và yêu cầu an ninh cao thì Maritime Bank có sự chuẩn bị như thế nào?
- Về hệ thống an ninh, Maritime Bank đã trang bị các biện pháp an toàn như hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, hệ thống camera, hệ thống báo động… hoạt động 24/24h. Đặc biệt, sau giờ giao dịch, tất cả các chi nhánh Maritime Bank đều không giữ tài sản quý giá. Những tài sản đó được tập trung tại một kho và được bảo vệ tuyệt mật.
Vì thế, tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch sẽ không còn rủi ro mất mát về tiền bạc, tài sản ngay cả vào thời điểm ban đêm.
- Khó khăn về mặt bảo đảm an ninh của các ngân hàng, theo ông là gì?
Do đặc thù của ngành nghề là liên quan đến tiền nên vấn đề an ninh đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, gần đây chúng ta cũng chứng kiến, các đối tượng xấu ngày càng manh động hơn, liều lĩnh hơn. Đó là những khó khăn khách quan. Tất nhiên trước những khó khăn đó thì tôi tin rằng mỗi ngân hàng, mỗi đơn vị kinh doanh đều tự trang bị cho mình những phương tiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của mình. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan cũng sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn đó.
Ngân hàng Maritime Bank chi nhánh Hoàng Quốc Việt.
- Sự phối hợp của Maritime Bank đối với các cơ quan hữu quan trong vấn đề bảo đảm an ninh như thế nào?
- Về ngành dọc thì Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng về việc đảm bảo an toàn và chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt. Về phía các cơ quan công an thì Maritime Bank đã có sự phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả. Ví dụ gần đây nhất là chúng tôi đã hợp tác rất tốt với cơ quan công an, cụ thể là Cục Cảnh sát bảo vệ để thực hiện chương trình kho quỹ tập trung trong công tác bảo vệ các xe tiền và kho tiền của Ngân hàng.
- Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp an ninh của hệ thống ngân hàng trong tình trạng xảy ra nhiều vụ việc đáng lo ngại thời gian gần đây?
- Tôi cho rằng, hiện nay, việc trang bị biện pháp an ninh của các ngân hàng đều tương đối tốt. Cũng như các ngân hàng khác, Maritime Bank chú trọng đầu tư thiết bị an ninh hiện đại và đào tạo kỹ năng đối phó linh hoạt trong mọi tình huống cho nhân viên.
- Sau sự việc cướp ngân hàng, Maritime Bank sẽ có những động thái gì nhằm siết chặt hơn hệ thống an ninh?
- Như chúng tôi đã nói, về việc đầu tư cho các biện pháp an ninh, chúng tôi đã làm thường xuyên đồng thời đều đặn rà soát và cải thiện.
- Theo chương trình đào tạo của Ngân hàng, trong trường hợp không may xảy ra thì chỉ thị của Ngân hàng là đảm bảo về tính mạng của con người hay về tài sản ngân hàng?
Tôi cho rằng, trong tuyệt đối mọi trường hợp, chúng ta đều ưu tiên tính mạng con người. Tất nhiên, chúng tôi cũng đặt mức độ quan trọng của sự an toàn tài sản rất cao bởi tài sản của chúng tôi cũng chính là tài sản của cổ đông, của khách hàng.
- Nhìn lại sự việc vừa qua, ông có thể tổng kết và bình luận như thế nào?
- Về sự việc vừa rồi, tôi cho rằng đây là một sự cố đáng tiếc tuy nhiên cuối cùng đối tượng vi phạm pháp luật đã bị bắt, tính mạng và tài sản của tất cả những người xung quanh đều đảm bảo. Đây là sự đóng góp của tất cả các bên liên quan.
Cảm ơn ông!
Theo Đô thị
Bình luận