Nhìn hai con trai vui vẻ chơi game, PGS.TS Vũ Hoàng Phú - nhận định đây có thể là chìa khóa thu hút sự chú ý của sinh viên, giúp công tác giảng dạy hiệu quả hơn. Hiện tại, TS Phú phụ trách các lớp trực tuyến về công nghệ giảng dạy ứng dụng game tại ĐH Nebraska (UNK).
Sinh viên sư phạm học áp dụng game vào giảng dạy
Giảng viên người Việt chia sẻ khi nhắc đến game, nhiều người thường nghĩ đến trò chơi điện tử và những tác động xấu của nó. Nhưng, mọi thứ đều có hai mặt.
Ông hoàn toàn ủng hộ hạn chế các loại game cổ vũ bạo lực và thời gian trẻ chơi quá nhiều. Tuy nhiên, ông Phú cho rằng chơi game cũng giúp người học tạo lập một loại hình tương tác với bạn bè trực tuyến mà thế hệ trước đây không có, đồng thời rèn luyện kỹ năng tư duy và phản xạ tự nhiên rất tốt.
PGS người Việt nói thêm có hai lý do khiến ông chọn áp dụng game trong dạy học. Thứ nhất, hai con trai ông thích chơi game, nhờ đó, người cha có cơ hội quan sát hành vi của chúng.
Thứ hai, làm việc ở môi trường đại học, ông muốn chọn chuyên ngành tạo ra sự khác biệt cho bản thân. Giảng viên ĐH Nebraska nhận thấy phần lớn người học, cả trẻ em lẫn người lớn, thích chơi hơn học.
“Vấn đề là thiết kế và tích hợp trò chơi không nhất thiết phải dưới dạng video game để giúp người học có sự hưng phấn giống như đang chơi game”, TS Phú nói.
Ông cho biết thêm một số trường ở Mỹ được thiết kế theo mô hình “Play To Learn” - chơi để học. Nó được gọi là "Play Institute" với phương châm giúp trẻ em, đặc biệt bậc mầm non và tiểu học, học qua trò chơi. Toàn bộ chương trình được thiết kế theo hướng trò chơi.
Tương tự, ở các lớp công nghệ giảng dạy ứng dụng game của TS Vũ Hoàng Phú tại UNK, sinh viên trả lời câu hỏi trong trò chơi trực tuyến, thay vì đọc giáo trình, làm bài thi, tiểu luận. Họ cũng có thể xem bảng thành tích để biết ai có điểm cao nhất (tương tự bảng xếp hạng trong game). Theo ông Phú, sự cạnh tranh này thúc đẩy sinh viên dụng tâm học hành hơn.
Ngoài ra, những sinh viên sư phạm sẽ được tiếp xúc phương pháp ứng dụng game trong giáo dục và tìm hiểu cách áp dụng game vào việc dạy học sau này.
“Ngày nay, công nghệ hiện diện khắp mọi nơi. Nó nên được tích hợp vào nhà trường để hỗ trợ các em học tập, rèn luyện. Chúng ta cần tuân theo xu hướng chung để đào tạo giáo viên tương lai ứng dụng công nghệ hiệu quả vào dạy học”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện nghiên cứu về việc áp dụng công nghệ trong giảng dạy phổ thông ở 14 nước, TS Vũ Hoàng Phú nhận thấy trường có thể mua công nghệ nhưng không đủ tiền thuê người hỗ trợ giáo viên tích hợp công nghệ lâu dài. Vì thế, ông tiếp tục nghiên cứu cách đào tạo giáo viên không biết hoặc có rất ít kiến thức về công nghệ để họ tạo ra trò chơi.
Ông cũng hy vọng được hợp tác với các trường ở Việt Nam để áp dụng mô hình dạy học dựa trên game online. TS Vũ Hoàng Phú từng tham gia hỗ trợ tư vấn thiết kế chương trình ôn luyện tiếng Anh THPT và ĐH nhằm giúp học sinh đạt điểm cao hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
TS Phú khẳng định chương trình này là ví dụ điển hình của việc tích hợp phương pháp ứng dụng trò chơi thông qua ứng dụng "Learning Analytics" - phân tích tiến trình học - và bảng so sánh xếp hạng năng lực học của người học/người chơi, tạo cho họ động lực học tốt hơn.
Vươn ra thế giới để phát triển giáo dục nước nhà
PGS.TS Vũ Hoàng Phú vào nghề sư phạm tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang, Khánh Hòa). Hành trình vươn ra thế giới của giảng viên người Việt bắt đầu từ học bổng Fulbright. Ông dự định sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ sẽ trở về Việt Nam làm việc.
Tuy nhiên, do đặc thù ngành học, ông liên hệ một số nơi trong nước tìm hiểu cơ hội việc làm nhưng không nhận được phản hồi tích cực (có thể một phần do ngành học của ông khá lạ ở Việt Nam). Thời điểm đó, một số trường ở Singapore, Australia và Mỹ mời phỏng vấn việc làm. Do quen môi trường, ông đã chọn Mỹ.
Gắn bó với nghề giáo nhiều năm, dù ở Việt Nam hay Mỹ, ông luôn tâm niệm giáo viên nên là người truyền cảm hứng cho học sinh, tạo cơ hội học tập công bằng cho mọi người và giúp bạn trẻ trở thành những người có tư duy độc lập, khả năng phản biện.
Vì thế, 5 năm qua, bên cạnh việc tìm tòi nghiên cứu, áp dụng game online vào giảng dạy tại UNK, ông Phú còn trăn trở tìm kiếm cơ hội hợp tác với các trường, đồng nghiệp ở Việt Nam.
“Nói đóng góp cho giáo dục thì to tát quá. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là hợp tác cùng phát triển”, vị PGS chia sẻ.
Năm 2011, ông được Đại sứ quán Mỹ tài trợ để lập mạng lưới nhằm nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên Việt Nam. Ngay trong năm đầu tiên, chương trình thu hút 150 thầy cô tham gia. Hiện TS Vũ Hoàng Phú thực hiện giai đoạn đầu của dự án mở trung tâm ứng dụng game vào dạy học nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho UNK trong lĩnh vực này.
Ông hy vọng được hợp tác với các trường trong nước, triển khai thử nghiệm mô hình, đồng thời tạo cơ hội học tập mới cho học sinh, cũng như việc nghiên cứu của các nhà khoa học.
Quá trình nghiên cứu, giảng dạy ở cả Việt Nam lẫn Mỹ giúp ông nhận ra dạy ở đâu không quan trọng bằng công việc của mình giúp được gì cho người học. Với ông, những lời chúc qua Facebook hay thư, thiệp cảm ơn của học trò cũ khi họ đạt được thành tựu nào đó hay mỗi dịp tri ân nhà giáo đều là phần thưởng quý giá cho sự nghiệp giáo dục của mình.
Bình luận