Women Can Lead – Tại sao không? là giai đoạn 2 của chiến dịch “Bình thường hay bất thường – Howabnormal” đã được UNDP và báo Sinh Viên Việt Nam tổ chức trong năm 2016 với chuỗi chương trình “Ngày hội chung tay xóa bỏ định kiến giới” tại 13 cụm trường đại học có đông sinh viên trên toàn quốc.
Chương trình này đã thu hút hàng vạn sinh viên tham gia trực tiếp, hàng triệu sinh viên theo dõi qua các kênh thông tấn báo chí và mạng xã hội.
Mục đích chính của chuỗi chương trình là không để những định kiến về giới, đặc biệt là nạn phân biệt đối xử nam nữ, cản trở sự phát triển của bất cứ ai trong xã hội.
Chương trình nhằm khuyến khích thanh niên, sinh viên các trường chủ động xây dựng các sản phẩm truyền thông (phóng sự ảnh, phim ngắn, video clip, âm nhạc, truyện tranh, fanpage, kênh youtube, website…) để lan tỏa thông điệp: “Ai cũng có thể có tố chất và khả năng lãnh đạo, bất kỳ là nam giới hay nữ giới”.
Các sản truyền thông của thanh niên cũng nêu cao sự chủ động trong công việc, khả năng tạo ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, quyền theo đuổi đam mê, phát huy thế mạnh của mỗi người, sự bình đẳng trong trách nhiệm và công việc gia đình…
Cuộc thi được phát động từ tháng 3/2018, thu hút sự tham gia trực tiếp của hơn 300 học sinh, sinh viên, thanh niên đến từ 24 đội thi đại diện cho 23 trường THPT, trường Đại học, Học viện và Thành đoàn trên toàn quốc.
Nhân vật trong các sản phẩm truyền thông cũng rất đa dạng, tuổi từ 11 đến 70. Từ nữ sinh đạt giải nhất cuộc thi Sinh học quốc tế, đến nữ cầu thủ bóng đá từng là đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, nữ MC hiến toàn bộ cơ thể cho y học, nữ DJ đầu tiên của Miền Bắc, nữ doanh nhân nổi tiếng, nữ thủ lĩnh Đoàn- Hội, nữ thủ lĩnh các hoạt động thiện nguyện, nữ phó giám đốc sở, nữ chiến sĩ mũ nồi xanh Liên Hợp Quốc.
Ba nhân vật của các sản phẩm truyền thông tham gia cuộc thi Women Can Lead –Tại sao không? đã được mời phát biểu trong buổi giao lưu với bà Helen Clark – Cựu thủ tướng New Zeland và Tổng giám đốc UNDP toàn cầu.
Tính đến 15/12/2018, 24 sản phẩm dự thi đã có gần 10.000 người tiếp cận trực tiếp qua các chương trình chung kết khu vực và các chương trình chào tân sinh viên, ngày hội việc làm, giao lưu với các đoàn phim. Ngoài ra, hơn 3.000.000 người xem và hơn 10.000.000 người tiếp cận trên mạng xã hội facebook.
Cuộc thi nhận được sự đồng hành của nhiều nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và đông đảo nghệ sĩ trẻ nổi tiếng đang được giới trẻ yêu mến: NSND Trung Hiếu, NSND Minh Hoà, NSƯT Hương Dung, nhạc sĩ Giáng Son, diễn viên Việt Anh, diễn viên Kim Tuyến, ca sĩ Chí Thiện, diễn viên Hồng Diễm, diễn viên Phạm Anh Tuấn...
Bà Akiko Fujii – Phó Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam phát biểu:”Bạn không cần một danh hiệu hoặc một vị trí chính thức để làm một người lãnh đạo. Sự lãnh đạo có thể và nên được rèn luyện ở mọi cấp độ.
Một thái độ tích cực ở gia đình và trong công việc, sự thể hiện niềm đam mê có thể truyền cảm hứng cho người khác… cũng là một cách tuyệt vời để thể hiện khả năng lãnh đạo của bạn.
Đối với những phụ nữ trẻ có mặt ở đây sáng nay, tôi muốn nhấn mạnh rằng phụ nữ có quyền theo đuổi niềm đam mê, phát huy thế mạnh mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định kiến và rào cản nào về giới ở nơi làm việc.
Phụ nữ có thể thành công trong mọi công việc, bao gồm cả lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên hoặc những ngành nghề được cho là đòi hỏi sức mạnh thể chất và tính linh hoạt như lái xe, nhân viên cảnh sát hoặc lính cứu hỏa…”.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức trao giải nhất tới Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam; Giải nhì: Nhóm Nhân Tài của Học viện Tài Chính và ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội; Giải ba: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và giải khuyến khích thuộc về ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng và ĐH Đà Lạt.
>>> Đọc thêm: Quán quân thi vẽ tranh về Bình đẳng Giới lên đường thăm “Vương quốc của truyện tranh”
Bình luận