Ở tuổi 39, Đặng Tuấn Tú – Phó Giám đốc (PGĐ) Khối vận hành kiêm Giám đốc (GĐ) Trung tâm quản lý tín dụng Ngân hàng PVcombank, đang có một vị trí đáng mơ ước với nhiều bạn trẻ.
Nhìn lại chặng đường 17 năm gắn bó với nghề với đủ kỷ niệm vui buồn, ít ai nghĩ rằng thành công ở hiện tại của anh lại có xuất phát điểm từ giấc mơ trở thành kế toán trưởng của một cậu bé 5 tuổi.
Bên cạnh đó, những giọt mồ hôi từ công việc “lương nghìn đô” nhiều người ao ước qua lời kể của Tú cũng có thể mang tới thêm nhiều góc nhìn mới cho các bạn trẻ đang có ý định đi theo con đường này.
Ước mơ “kế toán trưởng” của cậu bé 5 tuổi
Từ khi còn là một cậu bé, Tuấn Tú đã có niềm đam mê đặc biệt với những con số. Tú kể, những ngày thơ ấu tuyệt đẹp nhất là khi anh được theo chân ông nội lên cửa hàng bách hóa nơi ông làm việc, một trong những điều thú vị nhất của anh đó là nhìn ông ngồi tính toán sổ sách.
Trong thế giới quan ngây thơ của cậu bé Hà Nội khi ấy, sẽ thật hạnh phúc khi được dành hàng giờ đồng hồ làm việc với những phép tính.
“Ngày đó, tôi hay nói với mọi người rằng sau này khi lớn lên nhất định sẽ trở thành một kế toán trưởng, bởi công việc đó là một điều oách nhất mà một đứa trẻ có thể tưởng tượng ra”, Tú chia sẻ.
Càng trưởng thành, mơ ước đó chưa một lần phai nhòa đi trong anh. Trái lại, qua mỗi năm, Tú dần có những cái nhìn rõ nét hơn về đam mê và bắt đầu vạch những lộ trình cụ thể để theo đuổi bằng được mục tiêu đó.
Tú lựa chọn học hai trường: ĐH Thương Mại và ĐH Ngoại Ngữ cùng một lúc, với mục đích sẽ rút ngắn được quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường mà vẫn thu nạp được lượng kiến thức mình cần.
Cơ duyên đưa anh tới ngành ngân hàng cũng khá tình cờ, khi được sự giới thiệu của một người họ hàng về đợt tuyển dụng của một Ngân hàng lớn, anh lập tức nộp hồ sơ trở thành nhân viên học việc tại phòng Kế hoạch kinh doanh.
Thời điểm những năm 2000 khi Tú vừa ra trường, tuyển dụng của ngân hàng luôn có những đòi hỏi vô cùng khắt khe bởi đây là top đầu những ngành hấp dẫn.
Tú đã trải qua 6 tháng khởi đầu với mức lương 0 đồng, sẵn sàng kiêm thêm nhiều công việc “tay ngang” khác, nhưng làm việc luôn bằng tất cả đam mê và nhiệt tình của tuổi trẻ. Sau 6 tháng rèn luyện, anh trở thành nhân viên chính thức, bắt đầu chặng đường dài gắn bó với ngành ngân hàng.
5 năm đầu tiên, nhờ những nỗ lực của mình, anh lên giữ chức Trưởng phòng Thanh toán Quốc tế, cũng là lần đầu tiên Tú “lên sếp” và từ đó đến nay, anh đã trải qua nhiều lần thay đổi công việc, từ Trưởng phó phòng cho tới Giám đốc của nhiều ngân hàng lớn khác nhau.
Hiện tại, anh đang nắm giữ vị trí PGĐ Khối Vận hành kiêm GĐ Trung tâm quản lý tín dụng của ngân hàng PVcombank.
Với Tú, anh luôn cho rằng bất cứ điều gì cũng đều có nguyên do và thành công cũng vậy. Ngay từ những bước đầu chập chững vào nghề, anh đã xác định rõ ràng mục tiêu cũng như lộ trình sự nghiệp cho mình và sau đó là cố gắng thực hiện được nó một cách tốt nhất có thể.
38 tuổi vẫn ghi danh đi học
Nhiều người nói rằng nhân viên ngân hàng luôn đồng nghĩa với mức lương nghìn đô và những bổng lộc xa xỉ nhưng Tú chỉ giản dị cho rằng công việc của anh cũng giống như bao ngành nghề khác, luôn có những mảng sáng – tối, chuyện vui – buồn.
Đổi lại một vị trí thuộc lĩnh vực “hot” nhất hiện nay, anh đánh đổi bằng những ngày đi làm thêm giờ gần như thường xuyên, những chuyến công tác xa nhà xử lý công việc mà đành gác lại chuyến đi chơi cùng vợ con vào dịp lễ nào đó chưa kể những sự cố không mong muốn bất chợt xảy đến trong quá trình làm việc…
Tú nhớ mãi kỷ niệm “toát mồ hôi hột” của mình khi đúng vào dịp Tết năm 2013, anh cùng các đồng nghiệp đang triển khai chương trình bốc thăm trúng thưởng dành cho khách hàng.
Trước giờ quay số đúng 16 tiếng đồng hồ, màn hình bỗng xám xịt, tất cả dữ liệu của buổi làm việc hôm đó bỗng nhiên gặp sự cố. Điều đó đồng nghĩa với việc buổi quay thưởng không thể diễn ra đúng dự định và ngân hàng sẽ đối diện với một cơn “khủng hoảng truyền thông” ngay sau đấy.
Gần như ngay lập tức, tất cả những người liên quan tới công việc có mặt để bắt tay vào việc khắc phục. Sau nhiều tiếng đồng hồ, đã có lúc tưởng chừng như không còn chút hi vọng, thì phép màu xảy ra.
Cách giờ buổi lễ diễn ra đúng 6 giờ đồng hồ, khi Tú đã chuẩn bị sẵn tư tưởng liên lạc với ban lãnh đạo thì bỗng nhiên, mọi dữ liệu được khôi phục và chạy trơn chu như chưa từng xảy ra sự cố. Đêm hôm đó, mặc dù đã mệt nhoài nhưng toàn bộ anh em trong nhóm đều quên cả vất vả, về nhà chợp mắt một ít phút rồi quay lại văn phòng chuẩn bị cho sự kiện lớn.
Làm việc trong môi trường năng động cũng đi liền với sự cạnh tranh khốc liệt, Tú luôn tự nhắc bản thân mình phải liên tục nỗ lực hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ để bản thân không khi nào bị tụt hậu trước những xu thế mới mẻ.
Ở tuổi 38, anh Tú ghi danh tham gia lớp thạc sỹ tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB - ĐH FPT với mong muốn sẽ có tầm nhìn với về vai trò của một nhà lãnh đạo.
Trong 1 năm gắn bó với chương trình học tại đây, anh đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích cho công việc hiện tại. Trong đó, anh Tú tâm đắc nhất là những bài học về quản lý nhân sự, cũng giống như quan điểm từ trước đến nay anh theo đuổi “con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp”.
“Tôi có thêm nhiều kiến thức mới để áp dụng lên chính công việc hiện tại của mình. Ví dụ như, từ bài học về quản trị tổ chức theo mô hình hiện đại. Tôi dự định sẽ triển khai chương trình đánh giá 360 độ cho đội ngũ chuyên viên của ngân hàng nhằm có kết quả khách quan và đa chiều hơn cho năng lực của một nhân sự. Hay nhờ những gì học hỏi về quản trị tổ chức theo mô hình hiện đại, tôi nhận lại thêm một cách đánh giá nhân sự vô cùng gần với thực tế chỉ nhờ kết quả từ một bài trắc nghiệm”, anh Tú chia sẻ.
Vị trí hiện tại chưa phải là mục tiêu cuối cùng mà anh hướng đến. Trong tương lai gần, anh Tú sẽ cố gắng bảo vệ thật tốt đề tài và lấy tấm bằng thạc sỹ của FSB. Bên cạnh đó, chàng trai Hà Nội cũng tự đặt ra mục tiêu tiếp tục học hỏi thêm để có những bứt phá mới mẻ trong công việc.
Bình luận